7 việc nhất thiết phải làm trước khi tiến hành giáo dục học sinh cá biệt

GD&TĐ - Từng làm Bí thư đoàn trường và chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh cá biệt, cô Vi Thị Loan - Giáo viên THPT Thị xã Mường Lay (Điện Biên) - cho rằng: Để giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả, giáo viên trước hết phải làm tốt công tác tổ chức lớp.

7 việc nhất thiết phải làm trước khi tiến hành giáo dục học sinh cá biệt

Xếp chỗ ngồi

Giáo viên chủ nhiệm phải xem trước học bạ của từng học sinh trong năm học trước để nắm được học lực, hạnh kiểm của từng học sinh.

Khi sắp chỗ ngồi nên chia đều những học sinh có học lực khá, giỏi ngồi xen lẫn với những học sinh có học lực trung bình.

Nếu thấy trong lớp có những học sinh bị ghi trong học bạ là hạnh kiểm chưa tốt hoặc học sinh lưu ban nên xếp chỗ ngồi cho các em ở những dãy bàn đầu để tiện quan sát, theo dõi.

Sau khi xếp chỗ ngồi xong giáo viên chủ nhiệm lập sơ đồ lớp và dán tại bàn giáo viên để giáo viên bộ môn tiện theo dõi.

Khi xếp chỗ ngồi giáo viên chủ nhiệm cần lưu ý: Nếu trong lớp đã có học sinh cá biệt thì không nên cho các em ngồi gần nhau. Không nên cho các em tùy tiện chọn chỗ ngồi, vì những học sinh ham chơi, thiếu nghiêm túc thường thích ngồi gần nhau.

Bầu Ban cán sự lớp

Khi giáo viên chủ nhiệm đã nắm được học lực, hạnh kiểm của học sinh sẽ lựa chọn những học sinh có đủ phẩm chất đạo đức để bầu làm lớp trưởng, các lớp phó và các tổ trưởng, tổ phó. Đây là vấn đề rất cần thiết để giao trách nhiệm cho ban cán sự lớp thay mặt giáo viên chủ nhiệm điều hành, quản lý lớp.

Trong quá trình giao nhiệm vụ, nếu thấy trong ban cán sự những học sinh nào không làm tốt sẽ thay bằng học sinh khác để tiếp tục quản lý lớp.

Khi bầu ban cán sự lớp cần tránh trường hợp học sinh không đủ năng lực nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn bắt buộc phải làm lớp trưởng hoặc lớp phó, từ đó làm ảnh hưởng đến tinh thần học tập của các em và tạo điều kiện cho những mầm mống học sinh cá biệt xuất hiện.

Xây dựng nội quy lớp

Ngoài việc giáo viên chủ nhiệm phổ biến cho học sinh biết về nội quy nhà trường bắt buộc học sinh phải thực hiện, bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng Nội quy riêng cho lớp để các em thực hiện.

Có thể ở mỗi lớp giáo viên chủ nhiệm xây dựng nội quy lớp khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình của lớp. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm hãy tôn trọng quyền lựa chọn, sự quyết định của học sinh trong pham vi cho phép, cùng nhau xây dựng nội quy của lớp như một bản “khế ước xã hội” với học sinh các em sẽ tự giác thực hiện vì nội quy đó do chính các em đưa ra.

Tôn trọng cả sự “cá biệt” của các em vì mỗi cá nhân là một nhân cách độc đáo cần phải được tôn trọng. Giáo viên chủ nhiệm tránh áp đặt thô bạo với các em, không xúc phạm làm tổn thương danh dự của các em trước tập thể, cố gắng thận trọng khi phát ngôn vì học sinh cá biệt hết sức nhạy cảm.

Thầy cô hãy làm cho các em thấy mình không chỉ là thầy giáo của các em mà còn là một con người bình thường như các em, có những sở thích giống các em, các em sẽ thấy thầy cô mình thật là gần gũi.

Sau khi xây dựng xong nội quy lớp, giáo viên chủ nhiệm phổ biến trước lớp cho tất cả học sinh đều biết và thống nhất thực hiện. Sau đó, phát cho mỗi học sinh một bảng nội quy và bắt buộc các em phải giữ bảng nội quy này và thường xuyên mang theo trong suốt năm học để làm cơ sở xử lý học sinh vi phạm. Nếu học sinh vi phạm nhẹ có thể bắt học sinh đọc lại bảng nội quy trước lớp hoặc học thuộc bảng nội quy...

Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò hết sức quan trong trọng việc rèn luyện, giáo dục học sinh, nên trong các buổi 15 phút đầu giờ, giáo viên phải thường xuyên đến lớp (đặc biệt là đầu năm học) để theo dõi tình hình.

Bên cạnh đó, tác phong của giáo viên chủ nhiệm cũng rất cần thiết như: Đầu tóc, trang phục, lên lớp đúng giờ, những gì nói với học sinh thì phải thực hiện bằng được tránh tình trạng dễ dãi, qua loa, phải xử lý học sinh đúng quy định đã đặt ra dù cho học sinh đó vô tình hay cố ý vi phạm.

Từ đó, giúp học sinh học hỏi được phong cách, tác phong trước tiên từ người giáo viên chủ nhiệm lớp, làm các em càng kính trọng hơn.

Tiến hành khảo sát học sinh

Sau khi làm xong công tác tổ chức lớp, giáo viên chủ nhiệm tiến hành khảo sát để nắm được những thông tin có liên quan đến hoàn cảnh, đời sống gia đình của các em.

Qua đó, giúp giáo viên biết được hoàn cảnh từng đối tượng học sinh, trong số đó dễ dàng nhận ra được những học sinh sẽ rơi vào trường hợp học sinh cá biệt để kịp thời ngăn chặn, uốn nắn, biết được những học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn dẫn đến nguy cơ bỏ học cao để báo lên Hội khuyến học, Ban giám hiệu nhà trường kịp thời giúp đỡ.

Sau khi nắm được những thông tin của học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ phân luồng đối tượng, xem những học sinh nào có thể dẫn đến sa sút về học tập và sẽ trở thành học sinh cá biệt.

Tiếp xúc với cha mẹ học sinh

Trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm phải cố gắng nắm được số điện thoại liên lạc của gia đình, đây là điều kiện thuận lợi giúp giáo viên chủ nhiệm trao đổi gián tiếp với cha mẹ học sinh khi cần thiết.

Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cần phải tiếp xúc riêng để trao đổi thông tin với cha mẹ của những học sinh cá biệt, đây là điều rất cần thiết, không thể thiếu đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm.

Thông qua công việc này giúp giáo viên biết được các thói quen, sở thích, thái độ của học sinh thường biểu hiện ở gia đình.

Qua đó giúp cha mẹ học sinh biết được tình hình học tập, những dấu hiệu sa sút của các em đồng thời giúp cha mẹ học sinh thấy được sự quan tâm của nhà trường đối với gia đình từ đó tạo được niềm tin đối với phụ huynh trong việc giáo dục con cái của họ.

Mối quan hệ có tác động hai chiều này nhằm hạn chế bớt mặc cảm, tự ti ở các em, giúp các em giảm bớt tâm lý lo sợ khi tiếp xúc với giáo viên chủ nhiệm.

Tìm hiểu mối quan hệ bè bạn của học sinh

Ngoài những thông tin mà giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu về học sinh cá biệt, bên cạnh đó cần phải tìm hiểu mối quan hệ bè bạn của học sinh đó để biết những đối tượng mà học sinh này đang chơi chung họ như thế nào.

Có thể giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu thông qua lớp trưởng, các học sinh khác trong lớp, thông qua phiếu khảo sát…

Có những học sinh ít giao tiếp với bạn bè chỉ thích chơi game mà học tập giảm sút, nên khuyến khích các học sinh khác trong lớp thường xuyên tiếp xúc để có biện pháp giúp đỡ bạn, giúp các em sống trong môi trường đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong bất kỳ trường hợp nào.

Giáo viên chủ nhiệm có thể giáo dục các em bằng cách nêu gương, điển hình giúp các em tự nhận thấy những khuyết điểm của mình để từng bước sửa chữa.

Giáo viên chủ nhiệm nên gặp riêng từng học sinh để trao đổi, giải thích cho các em hiểu những sai trái của mình để các em có hướng khắc phục, không nên làm các em cảm thấy mặc cảm trước lớp.

Phân loại học sinh cá biệt

Việc quan trọng nhất mà mỗi giáo viên chủ nhiệm phải làm đó là phân loại học sinh cá biệt. Thực tế việc phân loại học sinh cá biệt không khó nhưng hiệu quả của công việc lại phụ thuộc vào nó rất nhiều. Giống như người thầy thuốc có chẩn đoán đúng bệnh thì mới có được phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị.

Có rất nhiều trường hợp cá biệt như:C biệt về học tập; về đạo đức; về tư tưởng… Sau khi đã điều tra có kết quả, bước tiếp theo là phân thành các dạng điển hình để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Nếu phân loại đúng đối tượng học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình giáo dục học sinh của mình.

Sau khi đã phân loại được “học sinh cá biệt”, biết em đó thuộc loại “cá biệt” nào người thầy phải bắt tay ngay vào việc tìm hiểu nguyên nhân nào làm cho học sinh của mình trở thành “học sinh cá biệt” như vậy, từ đó có biện pháp hữu hiệu nhất để giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.