Tự trau dồi để lan tỏa điều tích cực
Quan điểm của thầy cô về mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc sẽ có tác động mạnh mẽ và thúc đẩy quá trình tích luỹ kiến thức, kỹ năng, giúp nhà giáo mạnh dạn và tự tin tạo dựng những giá trị mới. Tuy nhiên, đây cũng chính là rào cản cần các nhà giáo quyết tâm vượt qua.
Theo sinh viên Huỳnh Hồng Phúc, ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Kiên Giang:Khó khăn lớn nhất để xây dựng trường học hạnh phúc là thay đổi suy nghĩ, cách giảng dạy. Một trong những khó khăn lớn nhất của việc xây dựng Lớp học hạnh phúc, Trường học hạnh phúc chính là chưa hiểu rõ bản chất và giá trị của trường học hạnh phúc mang lại.
Huỳnh Hồng Phúc cho rằng: Yếu tố quyết định để có được một trường học hạnh phúc là phải rèn luyện để mỗi người trong trường luôn có cách nghĩ tích cực; trong đó hiệu trưởng là người khởi nguồn và dẫn dắt, từ đó lan tỏa cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Các nhà quản lý cần quan tâm hơn đến các thầy cô, hỗ trợ về mọi mặt và khi làm tốt việc đó rồi thì mới mong có được một trường học hạnh phúc bền vững...
Xây dựng trường học hạnh phúc là hành trình không đơn giản, đòi hỏi sự phối kết hợp của các cấp quản lý, giáo viên, học sinh và cả các bậc phụ huynh cũng như các lực lượng xã hội. Chỉ có quyết tâm và sự chủ động của những người dẫn đường mới đưa các mục tiêu đến đích.
Cô Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bìnhchia sẻ:Trong những lúc khó khăn tôi thường nhắc nhở mình:
Hãy là người kiên cường: Dạy học là một công việc rất áp lực bởi vì học sinh là những người chưa trưởng thành. Khi đối diện với chúng sẽ không tránh khỏi bực bội và chán nản. Những áp lực tấn công, lấy mất năng lượng của tôi một cách từ từ. Phải luôn có sự lựa chọn: Suy sụp bởi áp lực; trở thành người kiên cường. Để kiên định phải học cách thở sâu.
Hãy là người tích cực: Đồng hành cùng học sinh đồng nghiệp và phụ huynh nên mình phải là người tích cực, không ai thích người tiêu cực. Điều quan trọng nhất là, nếu muốn người khác hạnh phúc thì trước tiên bạn phải hạnh phúc trước. Khi bạn có cảm xúc tiêu cực, bạn không thể khiến học sinh hạnh phúc. Lúc đó cần tìm phần kí ức tốt đẹp mỗi khi gặp tình huống có vấn đề.
Hãy là người biết ơn : Để có những suy nghĩ tích cực hãy tìm thấy điều gì đó để mình biết ơn. Khi ta biết ơn năng lượng tích cực sẽ dồi dào trong ta.
Hãy là người cho đi: Cho đi để trưởng thành. Là người cho đi mình sẽ nghĩ dài và nghĩ xa hơn.
Chủ động thay đổi
“Trong những ngày trải nghiệm giá trị sống và kĩ năng sống tích cực, tôi và các đồng nghiệp đã khóc. Tôi đã hiểu rằng bạo hành sẽ sinh ra bạo hành. Mỗi một lời nói và hành động nó hằn vết lên cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Vì vậy mình phải có trách nhiệm trước những lời nói việc làm của mình.
Tôi đã thay đổi. Những ức chế và bực dọc diễn ra trong quá trình dạy học là không thể tránh khỏi. Nhưng để kiểm soát được trạng thái tâm lí nóng giận đó lại một việc làm mà mỗi người chúng ta đều phải học. Khi mình kiểm soát được cảm xúc tiêu cực mình sẽ thấy tâm hồn bình thản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều” – Cô Lê Thị Nếp.
Chủ động đổi mới là cách nhiều giáo viên lựa chọn trên con đường xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Từng sử dụng các biện pháp kỉ luật học sinh hà khắc, song cô Lê Thị Nếp đã lắng nghe là thay đổi để mang lại niềm vui cho học trò.
Cô Lê Thị Nếp chia sẻ: Việc sử dụng kỉ luật bằng phương pháp hà khắc là tình thế cấp bách khi người giáo viên thấy bế tắc và muốn có tác dụng nhanh trong quá trình giáo dục và dạy học. Khi sử dụng kỉ luật bản thân tôi cũng không thoải mái gì. Học sinh rất sợ khi đến trường. Các em ngày càng thu mình lại, xây một bức tường lớn giữa tôi và các em. Những tai nạn nghề nghiệp vẫn diễn ra. Tôi đã phải sống trong day dứt khi phải kỉ luật hà khắc một học sinh nào đó.
Chia sẻ xung quanh vấn đề giáo viên chủ động thay đổi để rút ngắn hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, sinh viên Huỳnh Hồng Phúc cho biết:Đối với những sinh viên sư phạm như chúng em, những đổi mới liên quan đến ngành giáo dục đều được chúng em chú trọng theo dõi và cập nhật. Chúng em luôn trau dồi thêm các phương pháp dạy học, tìm hiểu kỹ các yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT, từ đó tự phân tích, tự nghiên cứu và áp dụng để bản thân có những kiến thức, phương pháp dạy phù hợp nhất khi ra trường.
Sinh viên Huỳnh Hồng Phúc nhận thức rằng: Để hạnh phúc với nghề, sinh viên sư phạm – những nhà giáo tương lai phải thay đổi chính mình. Điều đó được nhà trường, thầy cô, bạn bè hỗ trợ tích cực. Để sau khi tốt nghiệp, đứng lớp, mỗi giáo viên trẻ đóng vai trò là người truyền cảm hứng, là người bạn, là người đi trước, là người dẫn đường, là điểm tựa và niềm tin cho học sinh.