Thầy Trai kể về buổi sáng định mệnh năm ấy: “Hồi lớp 9, một hôm tôi đang trên đường đến trường thì đột nhiên ngã quỵ, hai chân không còn cảm giác gì cả.
Sau 6 tháng điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế thì bệnh tình vẫn không thuyên giảm, mới có phương án là chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội khám, nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên tôi đành về nhà cho đến bây giờ”.
Biết thầy có chữ, một số cán bộ Phòng Giáo dục xã đã vận động thầy Trai mở lớp dạy xóa mù chữ cho con em, bà con trong địa bàn, bắt đầu từ thôn Thanh Lam.
Tuy nhiên vì điều kiện khó khăn nên mặc dù người dân biết đến lớp dạy của thầy nhưng họ vẫn chưa mặn mà với con chữ mà hướng con cái đến nghề làm nông, chăn nuôi với quan niệm “chỉ cần có cái ăn sống qua ngày là được”.
May mắn hơn người khác, thầy Trai được học hành tử tế, thầy biết được sức mạnh của tri thức và không muốn cuộc đời của bọn trẻ xung quanh chỉ gói gọn trong rặng tre nhỏ, mảnh ao làng. Thế là Thầy ra sức vận động bà con đưa con em mình đến lớp học. Những nơi xa quá thì thầy nhắn người thây.
Ban đầu lớp học là cái lán gỗ nhỏ giữa khu vườn rộng, bàn ghế, bảng, phấn thầy góp nhặt, tu sửa từ những phế thải hỏng hóc của các trường trong xã. Từ những bài học A,B,C vỡ lòng cho đến những bài toán nhỏ “đủ để tính tiền nong”, thầy đều ân cần giảng giải.
Lớp học thầy Trai như một khóa học bồi dưỡng kiến thức. Sau khi “tốt nghiệp”, “học viên” sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh ở trường tiểu học xã Phú Đa, nhờ vào số điểm để được xét vào các lớp từ 1 đến 5. Nhưng đã là học trò của thầy Trai thì ai cũng có một lượng kiến thức chuẩn đủ để vào học lớp 3 trở lên.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ thôn Thanh Lam, phụ huynh các thôn lân cận và sau đó là cả xã Phú Đa đều gửi gắm con em của mình đến học thầy. Cứ như vậy, lần lượt thế hệ này sang thế hệ khác đã nối tiếp nhau thành người trên chính căn lớp nhỏ liêu xiêu này.
Vào năm 2005, Tổ chức “Vì Tương lai trẻ em“ của Pháp đã hỗ trợ thầy một lớp học khang trang hơn, vững chải hơn trong những ngày mưa gió để thầy tiếp tục hành trình gieo chữ.
“Từ ba mẹ rồi cho đến con cái cũng một tay tôi dạy dỗ, thế là mỗi lần có dịp 20/11 hay đám giỗ, tiệc tùng, cả gia đình đều kéo sang chơi rất đông vui!” – Thầy Trai tự hào chia sẻ.
Học phí bằng gạo trộn với… đất
Sinh ra và lớn lên trong nghèo đói, hơn ai hết thầy Trai hiểu được khó khăn của bà con trong địa bàn khi đưa con em đến học. Do đó thầy cùng vợ con trồng khoai sắn, nuôi heo để trang trải cuộc sống chứ không lấy tiền học phí, qua đó động viên bà con đưa con em đến học nhiều hơn.
Tuy nhiên biết được tình cảnh của thầy Trai, bà con cũng tự nguyện góp mỗi người 3-4 lon gạo mỗi tháng để biếu thầy. “Những ngày mưa lầy lội, học trò trong vùng mang gạo đến nhà thầy nhưng trên đường đùa nghịch rồi té rơi vãi cả gạo ra đường, sợ ba mẹ la nên gom nhặt lại để biếu tôi, nhiều khi có 3 lon gạo mà khuyến mãi thêm cho tôi cả lon đất (thầy cười)!”
Ngồi bên mâm cơm đạm bạc với món cá mòi kho mà thầy Trai rất thích, cô Đặng Thị Ánh – vợ thầy chia sẻ: “Dù làm lụng vất vả nhưng thấy các cháu nhỏ ngày ngày cắp sách đến nhà học, biết được thêm con chữ, thêm điều hay, lẽ phải thì bản thân cô cũng như mọi người đều cảm thấy mãn nguyện và tự hào với việc làm của người chồng, người cha trong gia đình”.
Buổi học sáng cận Tết 2015, chúng tôi được gặp em Huy. Nghe Huy ê a những chữ cái, nhìn những động tác tính toán thành thục khiến chúng tôi không thể dễ dàng nhận ra em là một học trò bị thiểu năng trí tuệ nếu không được thầy Trai giới thiệu.
Bác Tuấn ba của em cho biết: “Nhà có 6 người con nhưng chỉ một mình Huy là bị thiểu năng trí tuệ, bác đã cố gắng mang em đi học ở trường cấp 1 xã nhưng em không thể tiếp thu được, ngược lại còn bị bạn bè xa lánh, phân biệt đối xử.
Nhưng ở đây, Huy được học chữ, học làm toán với sự giảng dạy tận tình, tâm huyết của thầy Trai. Về nhà em còn đọc sách, sửa chữa, và lắp ráp được máy móc đơn giản. Gia đình rất vui và thật sự biết ơn thầy Trai”.
Với những cố gắng thiện nguyện không biết mệt mỏi của mình, thầy Nguyễn Trai đã nhiều lần được tuyên dương trong những hội nghị nhà giáo, nghề giáo của địa phương. Gần đây, thầy Trai đã được Sở Lao Động thương Binh và Xã Hội tỉnh Thừa Thiên Huế tặng giấy khen vì những đóng góp trong công tác xóa mù chữ cho trẻ em.
Thầy Lê Đình Phong – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang chia sẻ: “Thầy Trai là một người tận tụy trong công việc giảng dạy, nhờ thầy mà ngày càng có nhiều hơn trẻ em đủ kiến thức để đến trường.
Dù chưa có tiền lệ nào để ghi nhận và khen tặng về công việc giảng dạy tình thương nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện luôn luôn chủ động khen ngợi, cũng như động viên những nỗ lực của thầy Trai trong các cuộc hội nghị, và xem thầy như là một tấm gương sáng về đạo đức và tâm huyết nghề giáo”.
Cứ hằng năm vào ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, bên cạnh những bó hoa tươi được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú
Vang trao tặng, căn nhà nhỏ của thầy Trai lại trở nên ấm áp hơn với những cái ôm tri ân thật chặt của bao nhiêu thế hệ học trò nghèo thành đạt quay trở về mái nhà xưa với người thầy tận tụy đã chắp cánh kiến thức, ước mơ cho họ bay vào cuộc đời rộng lớn.