Đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch diễn ra công khai tại nơi thờ cúng |
(GD&TĐ) - Dăm ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lí nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, khảo sát tại các điểm đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch quen thuộc vẫn thấy tình trạng mua bán công khai. Đây là một hoạt động mang nặng tính tiêu cực nhưng để xóa bỏ cần phải bắt đầu từ vận động nhận thức người dân…
Bát nháo hoạt động đổi tiền
Công văn của NHNN đề nghị Bộ Công an vào cuộc xóa bỏ hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch được coi là lời đánh tiếng từ cơ quan quản lí tiền tệ quốc gia, tuy nhiên âm hưởng của nó thì lại quá nhạt nhòa.
Lâu nay, muốn đổi tiền lẻ (mệnh giá nhỏ 1.000, 2.000 đồng), người có nhu cầu chỉ cần tìm đến các cổng đình, chùa. Nguồn tiền không thiếu, chỉ khác nhau về giá cả mà thôi.
Những nơi điểm đông người đến lễ như chùa Hà, Phủ Tây Hồ (Hà Nội) giá qui đổi thuộc loại cắt cổ. Giá mua tiền mệnh giá 500 đồng tại khu vực Phủ Tây Hồ lên tới 300%, nghĩa là 300.000 đồng chỉ mua được 100.000 đồng loại tiền 500.
Tại các ngôi chùa nhỏ rải rác trong nội đô Hà Nội cũng có thể dễ dàng mua tiền lẻ từ những người bán đồ lễ ngồi trước cửa chùa. Tại chùa Bà Đá nằm trên phố Nhà Thờ, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm hơn trăm mét, một người bán đồ lễ bầy sẵn các xấp tiền 1.000 đồng và 2.000 đồng trên mẹt hàng.
Hỏi giá qui đổi, chị này cho biết với tiền mệnh giá 1.000 đồng thì tỉ lệ qui đổi là 10 ăn 7 (100 nghìn đồng đổi được 70 nghìn đồng); còn với tiền mệnh giá 2.000 đồng thì tỉ lệ qui đổi là 10 ăn 8.
Tiền mệnh giá hạng thấp nhất được dùng để đi lễ là loại tiền cũ được nhặt nhạnh bó thành tập 100 tờ. Còn với tiền mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000 được dùng cho mục đích mừng tuổi thường là nguyên cọc, chạy theo thứ tự số serie và mới cứng cựa. Loại tiền này muốn tìm mua dễ nhất là trên phố Đinh Lễ, bên hông Bưu điện Hà Nội.
Theo một người đổi tiền trên phố Đinh Lễ cho biết, giá qui đổi dao động theo ngày và giá qui đổi sáng 17/12 là 10 ăn 8,5 với tiền mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng. Khi khách đồng ý mua ngay thì tỉ lệ được hạ xuống 10 ăn 9.
Người đổi tiền tên Y. này cũng chẳng ngần ngại cho khách hàng số điện thoại liên hệ là 0123 820 593… Khách đổi tiền có nhu cầu bao nhiêu cũng có thể đáp ứng và có người giao tới tận nhà. Kể cả khách có nhu cầu mua tờ giấy bạc 2 USD cũng rất sẵn hàng với giá 60.000 đ/tờ (tỉ lệ qui đổi của Ngân hàng là khoảng hơn 44.000 VND cho 2 USD).
Tuyên truyền nhận thức nên đi trước biện pháp hành chính
Cần nhìn thẳng vào gốc rễ tình trạng đổi tiền nhộn nhịp vào mỗi mùa lễ Tết là xuất phát từ thói quen “rải tiền” phúng lễ của người dân đi lễ đền chùa mùa lễ hội sau Tết, đặc biệt với người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra. Bên cạnh đó là phong tục lì xì bằng tiền mới đầu năm.
Điều này dẫn tới những hệ lụy xấu cả về kinh tế lẫn văn hóa xã hội. Theo NHNN, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.
Một phần lớn số tiền mệnh giá nhỏ này không được dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông tiền tệ mà chảy vào hoạt động tín ngưỡng. Qua đó gây lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.
Đó là xét về thiệt hại kinh tế, về mặt kinh tế xã hội, hình ảnh đền chùa vương vãi đầy tiền lẻ ở bất cứ xó xỉnh nào đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tôn nghiêm của di tích, đền chùa và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), hành lang tượng La Hán mạ vàng dài nhất châu Á mặc dù mỗi tượng được đặt kín bên trong hộc kính nhưng bằng cách nào đó người ta vẫn nhét được đủ loại tiền lẻ vào bên trong, trông rất phi thẩm mĩ. Nếu ai có dịp đi lên gác 2 khu Thái Học nhìn xuống phần mái tầng 1 đua ra sẽ thấy tiền lẻ vứt vung vãi, gặp nước mưa mốc thếch rất mất mĩ quan và phản cảm.
Dùng đến biện pháp cấm đoán hành chính nghĩa là ngành Công an sẽ phải rải người ra khắp các đền chùa miếu mạo để xử lí người đổi tiền ăn chênh lệch và điều này là không khả thi do lực lượng công an quá mỏng. V
iệc tuyên truyền nhận thức cho người đi cúng lễ cần được đặt ra trước tiên, công tác tuyên truyền này cần thực hiện lâu dài và đồng bộ với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương và phương tiện truyền thông.
Đức Duy