Cầm đề thi Sử trên tay, thêm tự hào về bộ môn mình đang dạy!

GD&TĐ - Đây là lời chia sẻ cảm động từ nhiều giáo viên Lịch sử đến báo Giáo dục và Thời đại. Có thể nói, tiếp nối đề Ngữ văn được dư luận đánh giá cao, chiều nay, đề thi Lịch sử với liên hệ thực tế về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tạo nên dấu ấn đẹp cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Thí sinh trao đổi bài sau môn thi
Thí sinh trao đổi bài sau môn thi

Thầy Đặng Thanh Toán - Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội: Đề thi hay, trọng tâm, có điểm nhấn thời sự

Đề thi môn Lịch sử tốt nghiệp THPT năm nay rất hay; một trong những điểm nhấn, làm nên cái hay của đề thi là kiến thức rất trọng tâm, không vụn vặt. 

Đề không sa vào việc yêu cầu nêu diễn biến, sự kiện cụ thể với nhiều con số, ngày tháng nên rất thuận lợi cho học sinh.

Bên cạnh đó, câu hỏi phần quốc tế về Liên Hợp Quốc có ý vận dụng sáng tạo, lại liên quan đến vấn đề thời sự biển đảo rất có ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông hiện nay. Từ đây, học sinh có thể vận dụng, liên hệ tới quan điểm của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình.

Bên cạnh đó, cấu trúc đề thi năm nay được ra hợp lý, cân đối. Dung lượng kiến thức cũng vừa đủ và phù hợp với thời gian làm bài 90 phút. Học sinh giỏi thậm chí chỉ hoàn thành đề thi này trong 60 phút. (Hiếu Nguyễn ghi)

Thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Tôi tin các giáo viên dạy Lịch sử sẽ rất thích đề thi năm nay

Đề thi rất hay nhưng hoàn toàn không bất ngờ và không đánh đố học trò. 

Thứ nhất, đề ra vào những kiến thức rất cơ bản của chương trình Lịch sử phổ thông. Với đề này, cả hai phần Lịch sử Việt Nam và thế giới đều giúp sinh có cơ hội kiếm điểm; chỉ cần học cơ bản, thí sinh cũng làm được bài ở mức độ tương đối.

Cụ thể, phần lịch sử Việt Nam có 2 câu, đều bám vào những kiến thức rất cơ bản trong chương trình, sách giáo khoa; không vụn vặt, không bắt học sinh trình bày  sự kiện ngày tháng.

Thêm nữa, đề ra xuyên suốt lịch sử Việt Nam từ khi Đảng ra đời cho đến kết thúc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phần lịch sử thế giới chính là điểm nhấn đặc biệt của đề thi. Ý đầu tiên của câu này yêu cầu học sinh nêu nguyên tắc hoạt động của Tổ chức Liên Hợp Quốc. 

Ở đây, có thể nói, từ năm 1945 đến nay, Liên Hợp Quốc ra đời đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng luôn luôn thực hiện 5 nguyên tắc cơ bản. Trong đó có nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Với ý hai, câu hỏi đã cập nhật kiến thức thời sự đã và đang diễn ra ở Biển Đông. Câu này giúp học sinh, qua bài thi, có cơ hội thể hiện lòng yêu nước; thể hiện thái độ của mình trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng như thái độ đồng tình với chủ trương giải quyết tranh chấp trên cơ sở hòa bình theo đúng nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc của Việt Nam.

Đây là phần hay nhất của đề thi. Sáng nay, môn Văn đã có nội dung về chủ quyền biển đảo; môn Sử đã tiếp tục đề cập đến nội dung này. Sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu môn Địa – cũng là một môn tự luận – tiếp tục cho học sinh cơ hội được thể hiện thái độ trước chủ quyền biển đảo. (Hải Bình ghi)

Cô Bùi Thị Hương Mơ - Giáo viên Lịch Sử (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định): Đề Sử mở, nhấn mạnh chủ quyền biển đảo

Nhìn chung đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay đã bám vào những kiến thức cơ bản, trọng tâm. Các câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, thể hiện được sự phân hóa học sinh và có những câu đề ra theo hướng mở.

Phần Lịch sử Việt Nam có 2 câu đều là những câu tương đối dễ, không yêu cầu học sinh phải nhớ nhiều sự kiện và số liệu. Đây là điều thuận lợi với các em.

Đặc biệt, ở phần Lịch sử thế giới, ở ý b đề ra theo hướng mở với câu hỏi: “Tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay.”

Ở nội dung thi này đã giúp học sinh có điều kiện để thể hiện những nhận xét, quan điểm của mình đối với các vấn đề lịch sử, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay đang thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Điều này càng khẳng định một trong những mục đích quan trọng của việc học lịch sử là để hiểu quá khứ, rút ra bài học cho hiện tại và hướng tới tương lai. (Ngọc Dư ghi)

Cô Lê Thị Thanh Lâm - giáo viên Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội): Đề thi giúp học sinh nói lên chính kiến của mình

Đề thi môn Lịch sử năm nay khá hay nhưng không đánh đố thí sinh. Nội dung nằm toàn bộ trong chương trình đã học và bám sát những kiến thức trọng tâm, cốt lõi của chương trình.

Với kiểu đề mở, mang tính tích hợp như năm nay đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức, có sự sáng tạo và phải biết liên hệ bản thân với thực tế khách quan sinh động.

Tôi ấn tượng nhất là câu hỏi thứ 3 của đề thi. Đây là câu mà hầu hết giáo viên dạy Sử và các học sinh đều thích thú. Câu hỏi này chính là cơ hội để thí sinh đạt điểm cao.

Không cứng nhắc, lối mòn câu hỏi đã tạo điều kiện cho thí sinh thỏa sức sáng tạo, nói lên tiếng nói của mình về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của thế hệ thanh niên, học sinh đối với biển đảo quê hương. Đồng thời đây cũng là cơ hội để hun đúc, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các em.

Mặt khác đề thi cũng đã tạo sức lan tỏa sâu rộng về lòng yêu nước và sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Cầm đề thi trên tay giữa hàng chục học sinh, thầy trò chúng tôi ai nấy đều rạng rỡ niềm vui và thêm yêu môn Lịch sử. Tôi tin rằng, điểm thi môn Lịch sử năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm trước.

Tất cả điều đó cho thấy những tín hiệu khả quan trong lộ trình đổi mới thi cử và đánh giá chất lượng học tập của học sinh mà Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện.

Mong rằng, kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới, với môn Lịch sử nói riêng và các môn thi khác nói chung, Bộ GD&ĐT cũng ra những dạng đề mở, mang tính tích hợp như thế này nhằm phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh và tránh lối học vẹt, học tủ của các em. (Sỹ Điền ghi)

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.