Theo các khảo sát nghiên cứu thì những cuộc chia li này có ảnh hưởng lớn tới tâm lí và sức khỏe của cả gia đình…
Gia đình chia nửa phương trời
Thường thì các bà mẹ theo con sang các nước nói tiếng Anh bản ngữ, ông bố ở lại Hàn Quốc để làm việc và nếu dư dả thu nhập thì bay qua lại thăm vợ con. Hyemi, có 2 con 1 lên 7 và 1 lên 4, dời quê nhà Hàn Quốc năm 2013 đến sống tại Australia, là một trong hàng nghìn bà mẹ chấp nhận chia li như vậy.
Theo Hyemi thì lí do li tán không gì khác ngoài việc phải trang bị kĩ năng tiếng Anh thật tốt cho con. Điểm đến số 1 của các gia
đình “ngỗng trời” là Mỹ, nơi học sinh quốc tế có thể theo học trường phổ thông công lập miễn phí.
Nhưng Anh, New Zealand và Australia cũng rất phổ biến – thậm chí
những trẻ em “ngỗng trời” Hàn Quốc được coi là nguồn tài chính quan trọng cho các trường công lập tại những nước này gần đây.
Hyemi không tiếc công sức và tiền bạc bởi mục đích là 2 con sẽ được vào học trường quốc tế tư tại Hàn Quốc, nơi đòi hỏi học sinh phải trải qua ít nhất 3 năm ở nước ngoài và vượt qua các bài sát hạch Anh ngữ cực khó.
Chồng của Hyemi có một công ty riêng tại Hàn Quốc, vì thế không như hầu hết những ông bố “ngỗng trời”, có thể bay sang thăm vợ con vài lần/năm. Thông thường thì các ông bố “ngỗng trời” chỉ có thể thăm vợ con 1 lần/năm.
Đối với những ông bố được gọi là “chim cánh cụt” thì không thể thăm vợ con bởi toàn bộ số tiền dành dụm chỉ đủ cho vợ con chi dùng ở nước ngoài.
Nỗi niềm cô quạnh
Có những mối lo ngại thực sự về sức khỏe tâm thần của những ông bố này cũng như tác động tâm lí của sự chia li tới quan hệ hôn nhân và gia đình.
Năm 2010, ước tính có 500.000 ông bố “ngỗng trời” sống cô đơn tại Hàn Quốc. Một nghiên cứu trực tuyến gần đây đối với những ông bố
này cho thấy hơn 70% thừa nhận gia tăng trầm cảm, các vấn đề với rượu và dinh dưỡng không đảm bảo. Thường các gia đình “ngỗng trời” không có sự chuẩn bị thích đáng cho tình huống chia li này, và người vợ dù sống cùng con ở nước ngoài cũng gặp phải nhiều vấn đề tâm lí.
Tiếng Anh không tốt, con cái thì chìm trong môi trường học tập mới, khi đó các bà mẹ rơi vào cô lập và chán nản. Mặc dù công tác hỗ trợ ngôn ngữ và tái định cư tại Australia khá tốt nhưng theo Tiến sĩ Bronwen Dalton, một chuyên gia về Hàn Quốc tại ĐH Công nghệ Sydney, thì sự hòa nhập xã hội của các bà mẹ “ngỗng trời” chỉ ở mức tối thiểu.
Những bà mẹ “ngỗng trời” thường có xu hướng tìm đến những người nói tiếng Hàn khác và thường thì cuộc sống và các hoạt động của họ chỉ gói gọn trong một nhà thờ Hàn Quốc địa phương. Điều
đó vô hình trung cản trở họ có sự kết nối xã hội với người dân và cuộc sống Australia.
Nhiều gia đình “ngỗng trời” sau vài năm sống ở xứ người, con cái lớn lên bỗng nhận ra chúng không thể trở về nhà dù muốn. Chúng tụt hậu về kiến thức quá xa so với bạn đồng lứa Hàn Quốc và rất khó để tái hòa nhập lại hệ thống Hàn Quốc – sự lưu trú tạm thời trở thành lâu dài và gia đình mắc kẹt giữa 2 thế giới.
Mặc dù thường không có nhiều sự cảm thông cho những gia đình “ngỗng trời” trở lại Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hơn để ngăn những chú “ngỗng trời” bay đi. Đã có sự thúc đẩy cải thiện dạy Anh ngữ và tạo ra những trường lựa chọn ít cạnh tranh hơn và lấy học sinh làm trung tâm.