Đến với bài thơ hay:

Cái trống trường em

GD&TĐ -Từ thuở ấu thơ cắp sách đến trường, âm thanh tiếng trống đã trở thành thân thuộc với mỗi chúng ta.

Minh họa/ITN
Minh họa/ITN

Lời bình của Lê Thành Văn

Cái trống trường em

Mùa hè cũng nghỉ

Suốt ba tháng liền

Trống nằm ngẫm nghĩ.

Buồn không hả trống

Trong những ngày hè

Bọn mình đi vắng

Chỉ còn tiếng ve?

Cái trống lặng im

Nghiêng đầu trên giá

Chắc thấy chúng em

Nó mừng vui quá!

Kìa trống đang gọi:

Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!

Vào năm học mới

Giọng vang tưng bừng.

THANH HÀO

Chính vì thân thuộc lắm nên xa nhau là thấy nhớ. Suốt ba tháng hè được nghỉ ngơi, vui chơi là quãng thời gian đầy hào hứng với các bạn nhỏ. Nhưng lắng sâu trong tình cảm là nỗi nhớ về mái trường, về tiếng trống rộn ràng mỗi lần ra vào lớp học vẫn tha thiết không nguôi.

Có lẽ bắt được mạch cảm xúc ấy, nhà thơ Thanh Hào đã viết bài thơ Cái trống trường em thật ấn tượng và đầy xúc động. Nhờ đó, bài thơ đã liên tục được chọn đưa vào SGK tiểu học trong suốt nhiều năm qua.

Trong ba tháng mùa hè, các em không đến lớp, cái trống trường cũng theo đó mà được “nghỉ ngơi”. Tưởng vui, hóa ra cái trống cũng nhiều nỗi niềm thương nhớ nên cứ nằm “ngẫm nghĩ”.

Chỉ với hai từ ấy thôi, Thanh Hào đã biến cái trống vốn là vật vô tri vô giác trở thành người bạn gần gũi và thiết thân với tuổi học trò. Đáp lại tình cảm ấy, các bạn học sinh cũng không quên hỏi han, chia sẻ và thấu hiểu trống với một cảm xúc bồi hồi nhớ thương về “cái trống trường em”: “Buồn không hả trống/ Trong những ngày hè/ Bọn mình đi vắng/ Chỉ còn tiếng ve?”

Từ sự quan tâm của các bạn nhỏ, cái trống nhìn bên ngoài có vẻ “lặng im”, chỉ hơi “nghiêng đầu trên giá”, nhưng trong thẳm sâu là cả một niềm vui sướng vô biên.

Nhà thơ Thanh Hào phát hiện được niềm vui ẩn sâu ấy của trống sau ba tháng hè chia tay, nay được sum vầy trong năm học mới bằng cái nhìn ngộ nghĩnh, tươi vui và rất mực hồn nhiên: Cái trống lặng im/ Nghiêng đầu trên giá/ Chắc thấy chúng em/ Nó mừng vui quá!”

Các từ ngữ “lặng im”, “nghiêng đầu”, “mừng vui” đã diễn tả tình cảm của cái trống trong năm học mới. Trống như vừa giận hờn khi giả bộ nằm im, trống lại rất trẻ con khi “nghiêng đầu” báo hiệu rằng mình vẫn đang nghe đây, vẫn biết cả.

Sau cùng, không kìm được cảm xúc, trống “vui mừng” reo lên bằng âm vang “tùng... tùng...” trong buổi tựu trường đầu năm học mới. Quả vậy, tác giả phải rất tinh tế, phải lắng nghe từ chính cõi lòng mình, từ chiều sâu thiết tha kỷ niệm mới có thể viết được những câu thơ tài hoa và hay đến vậy.

Khổ cuối bài thơ là bốn âm thanh vang vọng của “cái trống trường em” tưng bừng, rộn rã. Dường như đang hiện ra trước mắt mọi người hình ảnh từng bước chân xôn xao của các em theo nhau vào lớp học giữa không gian ngập tràn tiếng trống yêu thương.

“Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!” hay đó là tiếng lòng mừng vui hội ngộ của các bạn nhỏ và cái trống trường sau những ngày tháng cách xa? Âm thanh và cảm xúc, tiếng trống và tâm hồn trẻ thơ đã hòa cùng một nhịp, hòa cùng niềm vui trong sáng của buổi tựu trường: “Kìa trống đang gọi/ Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!/ Vào năm học mới/ Giọng vang tưng bừng”.

Bài thơ Cái trống trường em đã thể hiện cảm xúc thiết tha, trìu mến và tình yêu lớp, yêu trường của tuổi học trò trong sáng, hồn nhiên. Hơn thế nữa, qua bài thơ này, tác giả Thanh Hào cũng mong ước các bạn nhỏ hãy biết quan tâm đến những gì thân thiết quanh mình. Đó là thái độ chan hòa với vạn vật và cũng là bài học thật quý báu mà mỗi người chúng ta cần nêu gương trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ