Với các em trò chơi rất quan trọng. Học và chơi, chơi để mà học. Cái sân chơi: sân trường, bờ đê, lối ngõ thường là những nơi diễn ra các trò chơi. Trong hình dung của các em đã làm sân chơi, phải có khoảng đất bằng phẳng và rộng rãi, an toàn tuyệt đối để bày ra các trò chơi.
Nhà thơ Hoàng Tá với: “Cái sân chơi biết đi” đã dựng lại không khí một sân chơi đặc biệt với người chơi cũng đặc biệt trong một hoàn cảnh thường ngày diễn ra cũng đặc biệt. Cái lối dẫn dắt vận động của những tứ thơ này thường được các nhà thơ viết cho thiếu nhi vận dụng khá linh hoạt hợp với tư duy hồn nhiên thích khám phá của trẻ thơ. Yếu tố bất ngờ thường được xem như cái đòn bẩy của thi pháp tung hứng. Và mức độ thành công phụ thuộc vào tâm hồn nhạy cảm, tình cảm hồn hậu trẻ trung của các nhà thơ.
Với thể thơ lục bát tạo ra một sự cân bằng vững chãi của động, tĩnh Hoàng Tá đã bắt được (hay “chộp” được một cận cảnh rất đáng yêu và hiếm có) của cảnh vật làng quê nông thôn yên bình no ấm.
Từ nắng vàng rơm rạ của đồng quê hắt lên buổi chiều hè dát màu xuống kênh nước thêm xanh trải ra một bức trang thuần phác: Chiều về cho kênh nước xanh – Lưng bê mát rượi bồng bênh gió hè. Gió hè bồng bênh (cũng đồng nghĩa với chênh chao, mong manh) thế mà lưng bê lại thành một điểm tựa vững chắc cho: “Anh em sáo sậu liệng về - Nhảy tung tăng khắp lưng bê hiền lành”.
Ở đây ta thấy mối giao cảm thân thiết của các loài động vật với nhau truyền lại cho các em những đồng vọng trong lòng như muốn tự hỏi: “Loài vật còn thân thiết tin cậy với nhau thế huống chi chúng mình là bạn bè với nhau”.
Hoàng Tá thật có lý và khá thông minh khi chọn cái tình huống này giữa bê (to) và sáo sậu (nhỏ); giữa đi và bay; giữa ríu rít chộn rộn nhí nhảnh đến sự thanh thản hiền hòa đủng đỉnh. Những sự tương phản, tương thân ấy đan xen hài hòa để đưa lại sự cân bằng trong cái sân chơi chông chênh ngộ nghĩnh này.
Cứ tưởng sự dẫn dắt của bài thơ đến đó đã viền đóng khung lại bằng cái nhìn sinh động trực quan thì đột nhiên một sự nhân hóa ( thủ pháp thường dùng khi viết về các loài vật) lại bất ngờ tung tẩy khi: “Sáo em: Hí… hí… Kìa anh! – Cái sân chơi của chúng mình biết đi”. Thì ra thế từ hồi hộp ta thở phào nhẹ nhõm từ tiếng cười : “Hí…hí…” của cậu em sáo sậu. Đôi sáo sậu, đôi anh em thành đôi bạn chơi thân thiết.
Cái tinh tế của nhà thơ là chọn đôi sáo sậu- Một loài vật hiếu dộng và nhạy cảm vô cùng thân thiết với con người. Ngay tên bài thơ đã gợi ra bao bí mật. “Cái sân chơi biết đi” không chỉ dịch chuyển về không gian, thời gian mà còn mong muốn dịch chuyển về phía các em đang bày ra các trò chơi của mình trên những cái sân chơi cố định. Thơ bắt đầu được thăng hoa bay bổng như thế...