Tạp chí Navy Recognition lưu ý, trong số những đổi mới, đáng kể nhất là việc tích hợp 3 máy phóng điện từ thay vì 2 như kế hoạch.
Việc thay đổi từ máy phóng hơi nước sang máy phóng điện từ là một bước đột phá trong kỹ thuật hải quân. Thay vì dựa vào hơi nước áp suất cao, các thiết bị này sử dụng động cơ điện để tạo ra từ trường.
Cách tiếp cận nói trên cho phép kiểm soát tốc độ phóng chính xác hơn nhiều, với khả năng tăng tốc mượt mà hơn, giúp giảm thiểu tải trọng lên cấu trúc máy bay.
Do vậy, máy phóng điện từ có thể được sử dụng để hỗ trợ cất cánh cho máy bay chiến đấu mang tải nặng và cả máy bay không người lái hạng nhẹ.
Máy phóng điện từ không chỉ kéo dài tuổi thọ của phi cơ, giảm tải trọng cơ học mà còn cho phép tăng cường độ của các chuyến bay.
Ví dụ, tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ - con tàu đầu tiên trên thế giới được trang bị máy phóng điện từ, có thể thực hiện 160 lượt xuất kích mỗi ngày, thậm chí con số này có thể lên mức tối đa 220 lượt trong trường hợp cấp thiết.
Khả năng của các tàu sân bay thế hệ trước trong Hải quân Mỹ với máy phóng hơi nước bị giới hạn ở 120 lần xuất kích mỗi ngày.
Công nghệ máy phóng điện từ cũng mang lại những lợi ích thiết thực về mặt thiết kế cho hàng không mẫu hạm vì không cần lắp đặt hệ thống đường ống phức tạp và nồi hơi áp suất cao.
Vào tháng 12 năm 2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng tàu sân bay thế hệ tiếp theo của nước này cũng sẽ nhận được một lò phản ứng hạt nhân.
Hàng không mẫu hạm nói trên đang được phát triển bởi MO Porte Avions - một liên doanh giữa Tập đoàn Naval Group và Chantiers de l'Atlantique.
Lượng giãn nước tối đa của con tàu tương lai sẽ lên tới 82 nghìn tấn, chiều dài sàn đáp là 310 mét, chiều rộng 85 mét. Tàu sân bay mới có thể chứa 32 máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, tối đa 3 phi cơ AWACS tầm xa E-2D và một số máy bay không người lái.
Cấu hình cuối cùng của con tàu dự kiến sẽ được phê duyệt vào năm 2025. Các cuộc thử nghiệm trên biển dự kiến diễn ra vào năm 2036 và bàn giao cho Hải quân Pháp vào năm 2037.