Cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng phải là một quá trình liên tục

GD&TĐ - PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng cho rằng, việc một cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá và được kiểm định độc lập là minh chứng quan trọng để giải trình chất lượng giáo dục với xã hội, là căn cứ để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo.   

Sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng thực hành trên mô hình thực tế
Sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng thực hành trên mô hình thực tế

Một cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) không phải là điểm cuối cùng, mà đây là dấu mốc đầu tiên để tiếp tục cải tiến và hoàn thiện nhà trường để có thể phục vụ tốt hơn cho xã hội, đặc biệt là trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ cộng đồng.

Xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng bên trong

Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Thành Việt thì trong công tác tự đánh giá hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học chú trọng hoàn chỉnh hồ sơ, minh chứng… chủ yếu để phục vụ cho công tác đánh giá ngoài. “Gần kiểm định thì các trường mới rà soát lại hiện trạng hiện có của nhà trường, đối chiếu với các tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT rồi tìm lại các minh chứng xem có đáp ứng được các mốc chuẩn hay không. Vai trò của đoàn đánh giá ngoài là đánh giá khách quan dựa trên các tiêu chuẩn kiểm định để công nhận cơ sở giáo dục đó đạt hay không đạt và đưa ra các khuyến nghị cải tiến.

Đối với KĐCL thì việc đảm bảo chất lượng từ bên trong là rất quan trọng, chất lượng là của chính bản thân trường mà có, tự cơ sở giáo dục phải hành động quyết liệt và khẳng định quyết tâm trong công tác cải tiến. Hiện tại vẫn có nhiều cơ sở giáo dục đại học còn lúng túng trong việc xây dựng cho tốt hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Phòng/trung tâm/ban đảm bảo chất lượng của các trường phải là nơi biết rõ hiện trạng trường mình và có quy trình cũng như chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp, có hệ thống thu thập thông tin phản hồi, góp ý để không ngừng hoàn thiện, cải tiến” – PGS.TS Đinh Thành Việt nhận xét.

Những tồn tại này, theo PGS.TS Đinh Thành Việt, về cơ bản có thể khắc phục được khi áp dụng Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 12) quy định về đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học dựa trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á

(AUN-QA). “Với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí, Thông tư 12 yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo chất lượng ở cả 4 góc độ về chiến lược, tính hệ thống, đảm bảo chất lượng theo các chức năng và kết quả hoạt động đảm bảo chất lượng. Khác với cách đánh giá “Đạt/Không đạt” trước đây, Bộ tiêu chuẩn mới được đánh giá theo thang 7 mức. Điều khác biệt lớn nhất là Thông tư 12 có điểm rất hay về nâng cao chất lượng theo chu trình PDCA (Plan, Do, Check, Act). Bất kỳ một tiêu chuẩn nào cũng yêu cầu phải rà soát và cải tiến chất lượng. Nếu các cơ sở giáo dục đại học xây dựng được hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tốt và làm tốt theo chu trình này thì mọi thứ sẽ tự tốt dần lên”.

PGS.TS Đinh Thành Việt
  • PGS.TS Đinh Thành Việt

Đảm bảo chất lượng là một hành trình không có điểm dừng

Theo PGS.TS Đinh Thành Việt - Kết quả của những đợt KĐCLGD ĐH chỉ thực sự có ý nghĩa khi cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sau đánh giá nhằm đạt hoặc vượt những chuẩn mực yêu cầu về chất lượng. Theo quy định, kết quả kiểm định sẽ được công bố công khai nên ngoài uy tín của cơ sở giáo dục thì đây còn là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở GDĐH. Vì vậy nếu sau khi kiểm định xong, cơ sở giáo dục không có những biện pháp cải tiến trong hoạt động đảm bảo chất lượng thì vẫn sẽ không tự nâng cao chất lượng và uy tín của nhà trường lên một tầm cao mới.

Khi tham gia kiểm định, ngoài sự công nhận về chất lượng của cơ sở giáo dục và chất lượng của chương trình đào tạo, thì kết quả kiểm định còn là căn cứ để thị trường lao động thừa nhận đối với các sinh viên (SV) tốt nghiệp. Nếu để ý sẽ thấy, từ khi Bộ GD&ĐT đẩy mạnh công tác KĐCL, các trường ĐH đã rất chú trọng đẩy mạnh việc thu hút tuyển dụng các giảng viên (GV) có trình độ tiến sĩ, gần đến thời gian kiểm định thì cảnh quan của nhà trường trở nên xanh, sạch, đẹp hơn, cơ sở vật chất được hoàn thiện, các điều kiện phục vụ dạy - học được cải thiện, giảng viên chú trọng hơn trong tương tác với người học, chương trình đào tạo được cập nhật mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhà tuyển dụng, bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên ngành còn chú trọng hơn đến việc trang bị các kỹ năng mềm cho SV… Đây thực sự là những chuyển biến tốt của các cơ sở GDĐH trong việc nâng cao chất lượng của nhà trường nhờ công tác đảm bảo và KĐCLGD .

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Thông tư 12 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 4/7/2017. “Chính vì vậy, đối với những cơ sở giáo dục đại học đã được các trung tâm KĐCLGD cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn cũ (gồm 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí) thì những khuyến nghị của các đoàn kiểm định có ý nghĩa rất lớn. Các cơ sở giáo dục đại học một mặt tiến hành công tác cải tiến trong hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục một mặt phải cập nhật những điểm mới trong Thông tư 12 để khi đến chu kỳ 5 năm phải kiểm định lại thì vẫn đạt chất lượng theo yêu cầu hiện hành khi đánh giá ngoài” – PGS.TS Đinh Thành Việt chia sẻ.

Đại diện Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á trao Giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng theo chuẩn đánh giá AUN – QA cho 2 chương trình tiên tiến Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
  • Đại diện Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á trao Giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng theo chuẩn đánh giá AUN – QA cho 2 chương trình tiên tiến Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Cần xây dựng lộ trình trong cải tiến

Tuy nhiên, việc cải tiến sau KĐCL của cơ sở giáo dục đại học còn phụ thuộc vào nguồn lực của từng trường. “Có những khuyến nghị, các trường phải thực hiện trong dài hạn mới có thể đạt được, ví dụ như tăng tỉ lệ phần trăm tiến sĩ trong tổng số GV thì không dễ gì trong một, hai năm có thể tăng ngay được; hay như khuyến nghị liên quan đến rà soát điều chỉnh các chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra thì phải có thời gian để bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ GV và triển khai lấy ý kiến các bên liên quan, xây dựng lại chuẩn đầu ra của cả chương trình đào tạo và các đề cương chi tiết học phần, triển khai các phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra học phần...” – PGS.TS Đinh Thành Việt phân tích. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần phải xây dựng lộ trình trong cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng dựa trên nguồn lực tài chính cũng như tình hình đội ngũ hiện có để xác định trong dài hạn thì cần đạt được mục tiêu nào, trung hạn, ngắn hạn cần đạt được mục tiêu nào...

Trong quá trình cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng, theo PGS.TS Đinh Thành Việt thì cần phải xây dựng được các quy định, quy trình, đặc biệt cơ chế để phản hồi đánh giá hiệu quả của mọi hoạt động của nhà trường. “Ví dụ như muốn đánh giá hiệu quả hoạt động phục vụ cộng đồng của SV như chiến dịch Mùa hè xanh, SV đi giúp đỡ đồng bào vùng sâu vùng xa xây nhà, làm đường… thì phải tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người dân hoặc chính quyền địa phương nơi ấy xem nhà xây có tốt không, đường làm có tốt không.

Rồi ví dụ như các đơn vị trong trường phải thiết lập được hệ thống các chỉ tiêu thực hiện cho tốt, chẳng hạn như phòng Đào tạo phải đặt ra mốc thời gian là 1 email được SV gửi tới sẽ được phản hồi chậm nhất là trong vòng 2 ngày, rồi rút dần xuống 1 ngày, muốn đánh giá hiệu quả nghiên cứu khoa học phải giám sát mức độ gia tăng theo thời gian của số lượng công bố khoa học trung bình trên một giảng viên, mức độ trích dẫn… Ngay cả sứ mạng của nhà trường cũng cần phải rà soát lại trước những yêu cầu ngày càng thay đổi của thị trường lao động, các chỉ tiêu chiến lược (KPI) của nhà trường cũng phải được định kỳ rà soát để đảm bảo đạt được tầm nhìn của nhà trường”.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu từ đây đến năm 2020, mỗi cơ sở giáo dục ĐH phải có ít nhất 10% tổng số chương trình đào tạo (CTĐT) được KĐCL. “Các trường phải xác định được những vấn đề còn tồn tại thật sự của CTĐT, xây dựng kế hoạch cải tiến để “lấp lỗ hổng, điểm yếu”; phát hiện những điểm mạnh để đẩy mạnh hơn nữa ưu thế của CTĐT. Một vấn đề nữa cần quan tâm là phải làm thật tốt công tác khảo sát, từ nhà doanh nghiệp, cựu SV, các tổ chức nghề nghiệp, nhà tuyển dụng, chính quyền địa phương… để nắm bắt nhu cầu của các bên liên quan nhằm bổ sung, điều chỉnh CTĐT.

Cũng cần phải chú trọng việc rà soát mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT, chuẩn đầu ra của môn học, đảm bảo các môn học được thiết kế phải đáp ứng được các chuẩn đầu ra của CTĐT. Quá trình kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng phải bám sát chuẩn đầu ra để đảm bảo người học sau khi tốt nghiệp có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể làm việc theo chuyên ngành được đào tạo cũng như có thể linh hoạt xoay chuyển việc làm hay tự tạo việc làm” – PGS.TS Đinh Thành Việt khuyến nghị.

Theo đó, nếu các cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định, khi thực hiện cải tiến theo những khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài ở tiêu chuẩn 3 - 4 của Bộ tiêu chuẩn cũ (10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí) thì cũng đồng thời cần hoàn thiện những yêu cầu liên quan đến kiểm định CTĐT theo các tiêu chuẩn 14 -16 ở Bộ tiêu chuẩn mới (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí) cũng như theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT.

PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục kiêm Phó Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng: “So với Bộ tiêu chí kiểm định trước đây thì Thông tư 12 còn chú trọng nhấn mạnh điểm mới đó là các cơ sở giáo dục đại học phải quan tâm đến nhiệm vụ phục vụ cộng đồng bên cạnh các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Đây là một nội dung mang tính nhân văn rất cao. Khi có nội dung này thì các cơ sở giáo dục đại học buộc phải ra yêu cầu chính sách đối với giảng viên và SV. Với SV thì có thể có các hoạt động như mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, các đội nhóm công tác xã hội..., với giảng viên sẽ gắn với chuyên môn của mình như tham gia đóng góp ý kiến về những hiện tượng, sự kiện hoặc các điểm nóng trên cơ sở chuyên môn sâu của mình hoặc các dự án xã hội liên quan đến chuyên môn… Ngoài ra, về tổng thể tiêu chuẩn 25 của Thông tư 12 còn có yêu cầu hết sức quan trọng về kết quả tài chính và thị trường mà bản chất của thị trường ở đây là thị trường giáo dục, trong đó cơ sở giáo dục đại học phải được xếp hạng trong các bảng xếp hạng của thị trường giáo dục”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ