Cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ

GD&TĐ - Thời đại công nghệ thông tin phát triển, vì vậy trẻ em có nhiều cơ hội tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Nhiều gia đình đã cho con sử dụng các thiết bị điện tử để được rảnh rang với công việc của mình. 

Cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ

Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng đồ chơi công nghệ sẽ mang đến những tác hại khôn lường. Bởi đây là giai đoạn phát triển vô cùng nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến thể chất cũng như tính cách các cháu sau này.

Những hệ lụy khôn lường

Thế giới số đang mang đến kho kiến thức gần như vô tận và miễn phí không chỉ dành cho người lớn mà còn rất hữu ích với trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt xấu và tốt, do đó việc cho trẻ sử dụng như thế nào là hợp lý để mang lại hiệu quả cao nhất mới là quan trọng.

Chị Nguyễn Thu Nga ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Khi con trai 3 tuổi vào mẫu giáo chị bắt đầu thấy lo lắng, bởi bé không thể hòa đồng với mọi hoạt động trong lớp. Đặc biệt cháu không hát hay đọc theo cô và các bạn những bài hát, bài thơ được học trên lớp.

Thỉnh thoảng bé cũng nói vài từ nhát gừng, lúc tiếng Việt, lúc tiếng Anh nhưng không rõ ràng về nghĩa.

Đến khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi chị mới hiểu ra từ trước đến giờ, ngôn ngữ của bé phát triển luôn không đạt được các mốc tương ứng của độ tuổi. Cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh bé đều không thể sử dụng được trong các tình huống cần giao tiếp hằng ngày. Nguyên do cũng bởi cháu thường xuyên xem các kênh hoạt hình trên ti vi và các clip trên mạng ngay từ khi chưa được hai tuổi.

Do bận bịu lại không có thời gian cho con giao tiếp với các bạn đồng trang lứa, nên con chị thiếu hụt trầm trọng về ngôn ngữ. Phải mất ba năm kiên trì chạy chữa con chị mới hòa nhập với các bạn ở trường tiểu học.

Còn gia đình anh Hà ở khu Nghĩa Đô (Cầu Giấy) bỗng tá hỏa khi thấy cô giáo chủ nhiệm phản ánh: Dạo này hai quý tử song sinh lên 8 tuổi của anh chị nói năng thiếu văn hóa và thậm chí còn dạy các bạn cùng lớp hát những ca khúc chế của người lớn không phù hợp với lứa tuổi. “Tra hỏi” hai con, anh mới giật mình bởi những lời bài hát và ngôn từ thiếu văn hóa ấy đều được chúng bắt chước trên mạng xã hội khi sử dụng chiếc iPad mà anh chị mới mua.

Trên các diễn đàn làm cha mẹ, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ nỗi lo về việc con sử dụng thiết bị thông minh như: Con tò mò, hễ vắng cha mẹ là vào những trang web không lành mạnh; con mê game hơn học, thích trò chơi bạo lực; con dùng máy tính nhiều sinh ra trầm cảm không thích giao tiếp…

Cần quản lý một cách khoa học

ThS Nguyễn Thị Quỳnh (Trung tâm Hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC) đưa ra khuyến cáo: Để hạn chế trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị công nghệ, cha mẹ nên định hướng con vào các hoạt động khác mang nhiều tính tương tác với mọi người hơn.

Giao cho trẻ những công việc vừa sức trẻ trong gia đình, tăng cường cho con tiếp xúc với môi trường xung quanh, chơi với bạn cùng tuổi. Ví dụ cho các con tham gia các hoạt động vui chơi với nhóm bạn, tham gia các lớp học về năng khiếu hoặc sở thích. Nếu con có hứng thú với các hoạt động xã hội thì việc chú ý vào các thiết bị công nghệ của con cũng sẽ dần giảm đi.

Các nghiên cứu cũng đã cho thấy không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem tivi, đối với trẻ trên 2 tuổi chỉ cho xem khoảng từ 1 - 2 giờ/1 ngày. Trẻ em chơi game nhiều giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, để làm bài tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi game không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội.

Không chỉ điều tiết về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử mà cha mẹ cần có những biện pháp để theo dõi, quản lý kênh truyền hình và nội dung mà trẻ có thể truy cập. Theo đó các ứng dụng phim ảnh thuần Việt, tích hợp chế độ hẹn giờ, chế độ khóa trẻ em... như POPS Kids TV là một lựa chọn phù hợp.

Những ứng dụng và trò chơi mang tính giáo dục có tác dụng nhất định. Nếu biết cách sử dụng và quản lý hiệu quả thì thiết bị thông minh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn trong từng giai đoạn.

Cha mẹ phải là người hướng dẫn và thường xuyên chơi cùng trẻ để tập thói quen tốt cũng như ngăn không cho trẻ truy cập vào ứng dụng không phù hợp, trò chơi bạo lực hay website không lành mạnh. Không nên giao phó máy hoàn toàn cho bé. Hãy xem xét và kiểm tra từng ứng dụng trước khi cho phép trẻ sử dụng để đảm bảo toàn bộ nội dung phù hợp với độ tuổi của con.

ThS Nguyễn Thị Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.