'Cái khó ló cái khôn'

GD&TĐ - Đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, Khoa Chăn nuôi thú y - Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) đã đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp và nhà tuyển dụng trong đào tạo theo xu hướng, người học muốn gì, doanh nghiệp cần gì, chúng tôi đáp ứng!

Một đợt thực hành của sinh viên tại trang trại nuôi gà quy mô lớn.
Một đợt thực hành của sinh viên tại trang trại nuôi gà quy mô lớn.

Người học muốn gì?

TS Phan Thị Hồng Phúc, Trưởng khoa Chăn nuôi thú y cho biết: Khi xây dựng Chương trình đào tạo, chúng tôi theo khung chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT, nhưng thường xuyên xem xét tính phù hợp của nó với thực tiễn sản xuất, với nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Vì vậy, cứ 2 năm một lần nhà trường tổ chức rà soát và đổi mới chương trình đào tạo.

Để có những thay đổi phù hợp với yêu cầu của các nhà tuyển dụng, nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến của các cựu sinh viên, doanh nghiệp, các công ty, cơ quan chuyên môn về chương trình đào tạo. Sau đó, tổ chức Hội thảo với sự tham gia của các nhà tuyển dụng.

Quan điểm của chúng tôi là sinh viên sau khi ra trường cơ bản đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp và thái độ, được các nhà tuyển dụng chấp nhận. Nhiều doanh nghiệp chung tay ủng hộ xây dựng các công trình, mô hình, trang thiết bị phòng thí nghiệm phục vụ cho sinh viên thực hành, thực tập, rèn nghề. Thực tế là, khi cả 3 bên: Nhà trường – doanh nghiệp – người học cùng chia sẻ và lắng nghe mong muốn của nhau, hiệu quả đào tạo đã được nâng lên rất nhiều.

Để biết người học muốn gì, chúng tôi tổ chức hội thảo chuyên môn với các kỹ năng mềm - kỹ năng nghề, seminar, các hoạt động ngoại khóa… nhằm trang bị cho sinh viên những hành trang, tạo động lực thúc đẩy sinh viên có ý thức hơn nữa trong việc học. Việc tổ chức Hội chợ việc làm (2 lần/năm) tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội lựa chọn công việc đúng ngành nghề, năng lực, sở trường của mình sau khi ra trường. Giúp sinh viên có động lực học tập và có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với thu nhập cao và ổn định.

Sinh viên thực tập tại phòng thí nghiệm của Nhật Bản.

Sinh viên thực tập tại phòng thí nghiệm của Nhật Bản.

Doanh nghiệp cần gì?

Linh hoạt trong hoạt động đào tạo là giải pháp tốt nhất để lấy chất lượng và thu hút người học. Trong những năm qua, việc tăng cường kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp được Trường Đại học Nông lâm chú trọng. Hướng đi này tạo ra môi trường cho sinh viên học tập, nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Doanh nghiệp phối kết hợp với khoa định hướng nghề nghiệp cho sinh viên từ năm nhất, tăng cường đào tạo các lớp định hướng nghề nghiệp chất lượng cao, hỗ trợ kinh phí đào tạo theo định hướng nghề nghiệp hoặc hỗ trợ kinh phí đào tạo theo hướng đặt hàng với các cơ quan, doanh nghiệp.

Trong số này nổi bật là các Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet, Công ty Cổ phần thuốc thú y Agriviet, Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Chăn nuôi Hòa Phát cho biết: Việc kết hợp đưa sinh viên đi rèn nghề, thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp không chỉ giúp các em có cơ hội tiếp cận và được sử dụng nhiều loại máy móc hiện đại, phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu tại phòng thí nghiệm ở doanh nghiệp mà còn là để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Điều này cũng giúp chúng tôi có nguồn lao động chất lượng, có trình độ, giải quyết được bài toán nan giải về nhân lực cho doanh nghiệp sau này.

Bên cạnh đó, tham gia viết giáo trình, sách chuyên khảo, bài giảng rèn nghề… có các Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Thú y xanh Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet, Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường).

TS Trần Đức Hạnh, Tổng Giám đốc tập đoàn Đức Hạnh Marphavet chia sẻ: Chúng tôi là người trực tiếp ở doanh nghiệp nên rất hiểu lao động của mình cần phải đáp ứng yêu cầu gì, thế nên việc cùng tham gia xây dựng chương trình, ý kiến về các tiêu chí của chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn sản xuất đảm bảo sinh viên ra trường có đủ các điều kiện về kiến thức, về kỹ năng và thái độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội là việc cần thiết.

Nhà trường đáp ứng

Qua hợp tác với doanh nghiệp theo cách cùng bắt tay đào tạo, TS Phan Thị Hồng Phúc cho biết: Từ năm 2015 đến nay, việc hợp tác đào tạo và tổ chức định kỳ Hội chợ việc làm đã thu hút gần 500 doanh nghiệp tuyển dụng/2.500 sinh viên tham gia, 91,04% sinh viên trúng tuyển đi làm tại các doanh nghiệp. Chúng tôi tăng cường truyền thông tuyển sinh trên website, fanpage của khoa, của trường.

Gửi thông tin tuyển sinh qua email, messager, Facebook và Zalo của giáo viên và sinh viên trong khoa, trường. Kết hợp với các hoạt động cùng doanh nghiệp để có những giải pháp về truyền thông, tư vấn tuyển sinh, kể cả qua mối quan hệ người thân, bạn bè, các anh chị khóa trước giới thiệu, để học sinh hiểu đầy đủ tính chất nghề nghiệp, việc làm sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ và lắng nghe 3 bên trong quá trình đào tạo được Khoa Chăn nuôi thú y đặc biệt quan tâm, người học muốn tốt nghiệp có việc làm, doanh nghiệp muốn lao động chất lượng. Để làm điều đó, hàng năm, trong những buổi tổ chức sơ kết kỳ học, tổng kết năm học, khoa thường mời đại diện công ty đến trao học bổng và nói chuyện, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Thông qua đó, sinh viên được định hướng nghề nghiệp để bản thân xác định mục tiêu phấn đấu, cung cấp những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, về nhu cầu tuyển dụng, về các chế độ của công ty đối với người lao động.

Việc đi rèn nghề, thực tập nghề nghiệp tại các địa phương, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã giúp sinh viên có những hiểu biết tốt hơn về thực tế chăn nuôi, tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống. Ngoài ra, sinh viên còn có sự hiểu biết và thông cảm với những khó khăn mà người chăn nuôi ở các địa phương phải đối mặt… Qua đó, giúp các em định hướng nghề nghiệp tốt hơn, tự tin hơn, yêu nghề hơn và có ý thức vươn lên để khắc phục khó khăn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ