(GD&TĐ)-Đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản là sự đầu tư thông minh và quan trọng nhất đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn được xếp vào khu vực chậm phát triển và khoảng cách giữa khoa học cơ bản Việt Nam và các nước tiên tiến còn rất lớn, trong đó một số lĩnh vực có nguy cơ tụt hậu.
PGS.TS Nguyễn Văn Nội. Ảnh: gdtd.vn |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN), một phần nguyên nhân do công tác đào tạo các ngành khoa học cơ bản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thử thách.
Sức hút của các ngành đào tạo khoa học cơ bản với xã hội bị giảm sút
Phóng viên (PV): Những năm gần đây, nhà nước đã quan tâm đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu cơ bản ở nước ta, thể hiện ở đầu tư tài chính, tăng cường cơ sở vật chất và con người, tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển?
PGS.TS Nguyễn Văn Nội: Đúng vậy, thời gian qua, nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm thay đổi mô hình hoạt động khoa học công nghệ nước nhà. Đó là phát triển thị trường công nghệ; trao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan khoa học công lập; doanh nghiệp khoa học công nghệ; lập quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia nhằm làm thông thoáng phần nào cho cơ chế tài chính đã áp dụng lâu nay khi nghiên cứu đề tài, dự án khoa học cơ bản. Những điều chỉnh này đã bước đầu phát huy tác dụng và kích thích sự sáng tạo của các nhà khoa học. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển.
Có một thực tế là nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế về Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học, nhiều nhà khoa học đã trở thành chuyên gia hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học của nước ngoài. Điều này cho thấy trí tuệ người Việt có thể đạt tầm cao thế giới. Những thành tích kiệt xuất của GS.Ngô Bảo Châu trong lĩnh vực toán học là một minh chứng điển hình. Tuy nhiên, cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn được xếp vào khu vực chậm phát triển.
Tổng số các công trình công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay tuy đã tăng nhiều so với trước nhưng vẫn còn kém xa so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia. Bên cạnh đó, gần 80% bài báo của Thái Lan do người Thái làm tác giả đầu mối, người Việt chỉ có 34%. Việt Nam cũng dồn sức cho đầu tư các đề tài ứng dụng thực tiễn nhưng đầu ra trên các diễn đàn khoa học quốc tế còn chưa nhiều.
Khoảng cách KHCB giữa Việt Nam và các nước tiên tiến còn rất lớn và trong một số lĩnh vực chúng ta có nguy cơ tụt hậu. Ngay trong khu vực châu Á thì một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore đang có những nỗ lực phi thường để phát triển KHCB. Họ không chỉ thu hút tài năng trong nước mà còn thu hút của nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
PV: Trong khi tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với sự phát triển của quốc gia đã được khẳng định thì xu thế xã hội hiện tại lại ít quan tâm vào khoa học cơ bản, một trong những thể hiện là sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản đều giảm sút về chất lượng và số lượng. Đây có phải là một trong những nguyên nhân của các vấn đề trên thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Văn Nội: Đúng là có mội thực tế đang diễn ra là ngày càng ít sinh viên muốn theo học các ngành khoa học cơ bản và sự thiếu hụt nhân lực về khoa học cơ bản đã và đang xảy ra. Đặc biệt, đội ngũ các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu và các chuyên gia thuộc lĩnh vực KHCB ngày càng hẫng hụt trầm trọng. Sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản có chiều hướng giảm sút về chất lượng và số lượng. Đây là một nghịch lý trong khi sản phẩm đầu ra của các ngành đào tạo sẽ là các nhà khoa học, các cán bộ quản lý trong lĩnh vực khoa học cơ bản, cần có năng lực học tập và nghiên cứu đặc biệt. Thực tế hiện nay đã có sự hẫng hụt lớn thế hệ các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn.
PV:Theo PGS, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc giảm sút chất lượng đào tạo khoa học cơ bản?
PGS.TS Nguyễn Văn Nội: Để đào tạo được các thế hệ sinh viên các ngành khoa học cơ bản cần có một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có kinh nghiệm lâu năm và tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, trong khi chính sách tiền lương của nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đội ngũ cán bộ viên chức, với mức đầu tư hiện tại, như ở trường ĐHKHTN – ĐHQGHN, nhà trường đang gặp khó khăn trong việc giữ và thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao tham gia giảng dạy.
Hiện mức tăng ngân sách chi thường xuyên hàng năm Trường không đủ bù đắp chi phí tăng do thực hiện chính sách, chế độ cải cách tiền lương của Nhà nước cộng thêm các yếu tố trượt giá do lạm phát. Thêm nữa, việc đầu tư cho giáo dục đào tạo hiện nay còn phân tán, chưa rõ định hướng ưu tiên cho các ngành KHCB. Mặc dù suất đầu tư cho sinh viên các ngành KHCB ở ĐHQGHN đã được điều chỉnh, có tính tới trọng số ưu tiên, nhưng không đủ để tạo ra bước chuyển biến có tính đột phá cho các ngành đào tạo này. Với mức đầu tư đó, không thể bù đắp chi phí đối với cơ sở đào tạo và không tạo được sức hút đối với sinh viên giỏi vào các cơ sở đào tạo khoa học cơ bản. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình hình thu hút sinh viên vào các ngành khoa học cơ bản. Khi số lượng sinh viên trong một ngành đào tạo càng thấp thì chi phí đào tạo cho một sinh viên sẽ cao hơn nhiều so với khối ngành khác.
Cần có cơ chế nhà nước đặt hàng đào tạo đối với các ngành khoa học cơ bản
PV: Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN có giải pháp, kiến nghị gì nhằm sớm khắc phục tình trạng trên, thưa PSG?
PGS.TS Nguyễn Văn Nội: Để đảm bảo chất lượng đào tạo theo tôi cần có bước đột phá nhằm tăng mức đầu tư của nhà nước hiện nay cho các ngành khoa học cơ bản.
Đứng trước những khó khăn thách thức trong việc đào tạo các ngành KHCB, được sự ủng hộ về chủ trương của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN, Trường ĐHKHTN đã đề xuất Đề án đào tạo thí điểm áp dụng cơ chế đào tạo các ngành KHCB theo đơn đặt hàng của Nhà nước.
Mức đầu tư kinh phí sẽ được tính toán dựa trên suất đầu tư thực tế để đào tạo sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chung của ngành và yêu cầu đặc biệt của sản phẩm đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích giảng viên và sinh viên các ngành KHCB. Cụ thể, phải tăng cường nguồn lực tài chính cho thực hiện nhiệm vụ cũng như đảm bảo quỹ lương và nguồn thu nhập hợp lý cho giảng viên để họ có thể chuyên tâm giảng dạy. Sinh viên các ngành KHCB được bù đắp một phần sinh hoạt phí và chi phí học tập, tạo sự yên tâm cho sinh viên trong việc tập trung học tập nghiên cứu tại Trường.
PV: Xin cám ơn PGS!
Hiếu Nguyễn