Tuyển sinh ngành khoa học cơ bản: Chờ đợi sự bứt phá

Tuyển sinh ngành khoa học cơ bản: Chờ đợi sự bứt phá

Nền tảng của phát triển

Các ngành khoa học cơ bản như Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất, Khoa học biển đang có những đóng góp lớn cho đất nước. Trong lĩnh vực hóa - dược, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ công nghệ và tự sản xuất, xuất khẩu được nhiều loại vắcxin. Đặc biệt thời gian qua, những nghiên cứu về khoa học Trái đất đã có những đóng góp quan trọng vào việc tìm hiểu lịch sử hình thành và tiến hóa địa chất lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, phát hiện các nguồn tài nguyên địa chất mới, dự báo, bảo vệ tài nguyên và môi trường và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Khẳng định điều này, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Nhiều ngành học khoa học cơ bản đều khẳng định vị thế quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khoa học cơ bản là điểm tựa, nền tảng để phát triển những ngành nghề khác. Theo học ngành này đòi hỏi người học phải có trong mình đam mê học tập và nghiên cứu. Thực tế là rất nhiều bạn trẻ đã thành công và thành danh với những ngành học khoa học cơ bản như Toán Tin, Vật lý, Sinh học…

Theo GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, thực tế tuyển sinh nhiều năm nay ở một số ngành khoa học cơ bản tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và một số trường khác có đào tạo các ngành khoa học cơ bản cho thấy: Mặt bằng chung điểm thi, điểm chuẩn vào các trường luôn ổn định. Chỉ số ít ngành và chương trình đào tạo có sức hút đối với thí sinh.

Năm nay, hầu hết các ngành học khoa học cơ bản vẫn chưa có bứt phá lớn vì tâm lý người học vẫn e dè, thêm nữa, những ngành này cũng không có độ “hot” để thu hút người học. Bên cạnh đó, việc theo học những ngành này đòi hỏi người học không chỉ có sở thích mà cần năng lực học tập tốt vì khối lượng kiến thức cần hấp thụ không nhỏ.

Tìm lối đi riêng

Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào các khoa Toán - Cơ - Tin học, Hóa học, Sinh học khá đông. Học những ngành này, ngoài các trường đại học, viện nghiên cứu, sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được công việc ở các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ngành Công nghệ sinh học cùng với Máy tính và Khoa học thông tin hay Toán - Tin là những lĩnh vực mũi nhọn trong cách mạng công nghiệp 4.0. 

Như ngành Khoa học thông tin địa không gian với chương trình đào tạo mang tính chất liên ngành, kết hợp kiến thức địa lý, công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu, là công cụ quan trọng trong lĩnh vực địa lý hiện nay. Tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong mọi lĩnh vực, kết nối hài hòa các sở thích cá nhân về môi trường, nông nghiệp, mỏ, kinh doanh, quy hoạch đô thị, quản lý tài nguyên, tai biến thiên nhiên...

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết: Năm 2020 trường mở thêm 5 ngành mới dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học cơ bản vào các lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay. Đó là các ngành Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và Tin học, Quản lý Phát triển đô thị và Bất động sản, Khoa học và Công nghệ thực phẩm, Công nghệ quan trắc giám sát tài nguyên và môi trường. Ngoài tính ứng dụng thực tiễn, những ngành này có tính liên ngành và được xây dựng bám sát dự báo nhu cầu nhân lực và phát triển khoa học công nghệ. 

Mỗi ngành đều có sức hấp dẫn riêng, như ngành Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường sẽ áp dụng những thành tựu công nghệ 4.0 như: Mạng lưới quan trắc tự động, quan trắc theo thời gian thực, công nghệ địa không gian (GIS, RS, GPS, UAV...), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)... để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, liên tục về hiện trạng tài nguyên, môi trường phục vụ quản lý và ra quyết định nhanh, chính xác. Tốt nghiệp ngành này, người học có thể phát triển công việc theo các hướng: Phát triển, ứng dụng công nghệ quan trắc và giám sát biến đổi môi trường, biến động tài nguyên thiên nhiên, diễn biến và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ngành khoa học dữ liệu cũng hết sức mới mẻ, được xem là một trong những ngành học “hot” bậc nhất trong thời đại công nghiệp 4.0. Mục tiêu chung của chương trình là đào tạo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Khoa học dữ liệu mở ra cho sinh viên những con đường lập nghiệp thú vị và cơ hội học tập nâng cao thông qua việc cung cấp kiến thức dựa trên 3 lĩnh vực: Khoa học máy tính, thống kê và toán học nhằm phân tích, xử lý dữ liệu lớn và phức tạp. 

Tạo sức hấp dẫn mới cho các ngành khoa học cơ bản là hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, các ngành này không còn thu hút được người học, đặc biệt là những học sinh có lực học xuất sắc. Trong khi đó mục tiêu của Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong bốn lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học Trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025 cần nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.