Chính sách thu hút thí sinh học ngành khoa học cơ bản

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Bộ GD&ĐT ưu tiên đầu tư cho những ngành chất lượng, khó tuyển sinh...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị: Rất nhiều ngành đào tạo tài năng, khoa học cơ bản khó tuyển sinh, có nguy cơ ít được quan tâm đầu tư vì hiệu quả tài chính thấp như các ngành sư phạm, cử nhân toán, vật lý, văn học... Đề nghị Bộ GD&ĐT ưu tiên đầu tư cho những ngành chất lượng, khó tuyển sinh để thu hút học sinh giỏi nhờ miễn giảm học phí và chu cấp học bổng.

Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học và được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Đồng thời, tại Khoản 19 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có quy định đối tượng miễn học phí là: “Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Việc miễn học phí đối với ngành nghề khác như cử nhân toán, vật lý, văn học... sẽ tác động lớn đến ngân sách Nhà nước.

Bộ GD&ĐT xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định về chính sách miễn, giảm học phí đối với các ngành đào tạo tài năng, khoa học cơ bản vào thời điểm thích hợp, phù hợp với điều kiện và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Cử tri cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét, giảm học phí để giảm gánh nặng về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong thời gian qua đối với gia đình của các sinh viên theo học đại học. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong đó quy định mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập năm học 2021 - 2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020 - 2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC và số 3277/BGDĐT-KHTC đề nghị các bộ ngành, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý xem xét, giữ ổn định học phí năm học 2021 - 2022 không tăng so với năm học 2020 - 2021. Bên cạnh các chế độ miễn, giảm học phí và cấp học bổng của Nhà nước đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và các văn bản hiện hành, cơ sở giáo dục cần có chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian đóng học phí và khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đào tạo với thủ tục đơn giản, phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội ở từng địa phương để hỗ trợ người học.

Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở giáo dục đã công bố miễn, giảm học phí cho sinh viên, như Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh công bố giảm 5% học phí giữa kỳ, học kỳ cuối năm 2021 cho người học và 1.000 suất học bổng hỗ trợ người học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) công bố hỗ trợ học bổng cho sinh viên khó khăn do dịch Covid-19 theo 4 mức 100%, 75%, 50% và 25% học phí, tặng toàn bộ tân sinh viên sim hoặc thẻ cào 50.000 đồng/tháng trong 3 tháng để hỗ trợ học tập trực tuyến…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ