Cái chết bí ẩn của sứ giả Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ

Cái chết bí ẩn của sứ giả Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ

Hai lần sang Mỹ

Chân dung Bùi Viện.

Ông Bùi Luật, người giữ việc nhang khói từ đường họ Bùi ở xã An Ninh (Tiền Hải – Thái Bình), cũng là khu lưu niệm của danh nhân Bùi Viện giữ khá nhiều tư liệu cổ. Đáng chú ý, trong số ấy có đủ những bản chép cũ lẫn mới tương đối chính xác.

Ông Luật cho biết, Bùi Viện sinh năm 1839, hiệu là Mạnh Dực. Trước đây, xã An Ninh có tên gọi khác là làng Trình Phố, tổng An Bồi, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Bây giờ, cái tên Trình Phố được đổi sang là Trình Trung Tây.

Tuy Bùi Viện sinh ra tại thôn này nhưng gốc gác của ông ở làng Diêm Phố (Hậu Lộc – Thanh Hóa). Khi dòng họ Bùi đến tổng An Bồi lập nghiệp mới lấy tên làng là Trình bởi vùng đất này có nhiều sông ngòi, gắn liền với dòng Trình Giang. Từ tên làng đó ghép với tên làng cũ để nhắc nhở con cháu không quên gốc gác.

Bùi Viện đỗ tú tài năm Giáp Tý 1864. Bốn năm sau thì đỗ cử nhân ân khoa. Ngay sau đó, ông vào kinh thành Huế tập văn tại Quốc Tử Giám và ở nhà của người bạn thân của thân phụ là Tế tửu Vũ Duy Thanh, tức Trạng Bồng.

Năm 1871, Bùi Viện nhận nhiệm vụ phò Lê Tuấn lúc đó đương chức Hình bộ Thượng thư ra Bắc dẹp loạn quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh. Công việc hoàn thành, ông trở về Huế và sau đó được Doãn Khuê đương chức Doanh điền sứ Nam Định mời ra giúp việc khai hoang lấn biển.

Năm 1873, lục tỉnh Nam Kỳ lọt vào tay thực dân Pháp và âm mưu ép triều đình ký một hiệp định thay thế Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Tự Đức nhận thấy việc cấp bách, lại thấy Bùi Viện tài năng, bản lĩnh hơn người nên cử ông ra nước ngoài xem xét tình hình, mưu việc cứu quốc.

Trong tài liệu lưu giữ tại từ đường họ Bùi ở Thái Bình có ghi: Vua Tự Đức đã dành cho Bùi Viện một buổi lễ bái biệt trọng thể tại Thúy Vân Sơn cùng lời căn dặn trước khi Bùi Viện căng buồm vượt biển.

Rời cửa Thuận An (Huế) để ngược ra Bắc tháng 8/1873 và hai tháng sau thì cập đến bến Hương Cảng. Lúc đó, Hương Cảng đang là nhượng địa của Anh cho nên tại đây, Bùi Viện có điều kiện kết giao với nhiều nhân sĩ trí thức của các nước.

Sau một thời gian tiếp xúc với các quan chức, Bùi Viện nhận ra không thể nhờ vả vào Lý Hồng Chương – một đại thần nhà Thanh nên ông chuyển hướng sang những chính khách Tây phương.

Sau nhiều lần bút đàm với viên lãnh sự Hoa Kỳ nhận thấy ngoài Anh, Pháp, Mỹ cùng là quốc gia hùng cường có thể cậy trông. Biết được nguyện vọng của Bùi Viện, viên lãnh sự này đã viết một lá thư giới thiệu với một người bạn có uy thế ở Hoa Kỳ giúp ông tiếp cận với Tổng thống Mỹ.

Từ Trung Quốc, Bùi Viện đến Yokohama (Nhật Bản) để xem xét tình hình và nhận thấy nước này mới chỉ mở cửa chưa đủ mạnh để giúp Việt Nam nên ông đã đáp tàu sang San Francisco (Hoa Kỳ) rồi lưu lại đó một năm để vận động gặp Tổng thống Hoa Kỳ thứ 18 là Ulysses Simpson Grant.

Thời gian này, Pháp và Mỹ đang xích mích với nhau trong chiến tranh Mỹ - Mexico nên Mỹ tỏ ý sẽ giúp nước Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là Bùi Viện không mang theo quốc thư nên 2 bên không thể có một cam kết chính thức.

Sau khi về đến Huế tâu bẩm tình hình của Hoa Kỳ và những việc mắt thấy tai nghe, vua Tự Đức đã trao Bùi Viện quốc thư cho đầy đủ lề lối ngoại giao. Một lần nữa Bùi Viện lại xuất dương nhưng người tính không bằng trời tính, khi sứ thần Việt Nam có quốc thư thì sự thù địch giữa Mỹ và Pháp đã được dàn xếp ổn thỏa.

Lập cảng Hải Phòng, ‘tiêu diệt cướp biển

Đương thời, Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến viết đôi câu đối đánh giá về Bùi Viện:  “Vi sở bất năng vi, đàm tiếu không lưu hoành hải khí/ Cố bất thất vi cố, cầm thư khước ức thiếu niên du” – Tạm dịch: Làm việc chẳng ai làm, dọc đất ngang trời trơ chí lớn/ Cũ người là bạn cũ, ôm đàn mở sách nhớ tình xưa.

Quá thất vọng, Bùi Viện đáp tàu ngược đường cũ về nước. Vừa đặt chân lên bờ thì nghe tin mẹ từ trần nên ông xin vua về quê cư tang. Trước đó, Bùi Viện đã nén đau thương vào triều tâu bẩm cặn kẽ tình hình với vua Tự Đức.

Ba tháng sau, ông được triệu về kinh giữ chức Thương chánh Tham biện rồi sau đó là chức Chánh quản đốc nha Tuần hải, được người đương thời biết tới với vai trò “Tổng công trình sư” của cảng Hải Phòng.

Tại sao ông không chọn cửa Ba Lạt hay Trà Lý quê mình để mở mang cảng biển, lại chọn vùng đất Hải Phòng để mưu cầu việc lớn? Theo GS Sử học Lê Văn Lan, vào khoảng giữa thế kỷ 19, sau khi đã bình định Nam Kỳ, Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược Bắc Kỳ.

Để đối phó với âm mưu thâm độc này, vua Tự Đức cùng triều thần nhất trí giao trọng trách cho Doãn Khuê đang đương chức Nha doanh điền sứ tỉnh Nam Định một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng gấp Ninh Hải thành một cảng lớn có thể làm cửa ngõ cho cả xứ Bắc Kỳ thông thương với bên ngoài.

Doãn Khuê sau khi cân nhắc đã giao phó việc khó khăn này cho Bùi Viện. Bùi Viện cho lập hai đồn binh, lập nha Hải Phòng, trạm thuế quan ở ngã ba sông Cấm và sông Tam Bạc. Những quyết định này của Bùi Viện đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của đô thị và cảng biển Hải Phòng sau này. Vì vậy, lịch sử đánh giá Bùi Viện như một “tổng công trình sư” của cảng biển Hải Phòng hiện nay.

Cũng theo GS Lê Văn Lan, Chiêu thương Cục của Nhà nước phong kiến nhà Nguyễn được thành lập, làm nhiệm vụ chuyên trách việc buôn bán với nước ngoài là theo đề nghị của Bùi Viện. Ông cho mở một chi điểm ở Ninh Hải, chi điểm này về sau trở thành phố Chiêu Thương nổi tiếng.

Những năm tiếp theo, Chiêu Thương quán ở Ninh Hải thu hút các nhà buôn người Việt và người Hoa đến sinh cơ lập nghiệp. Một trong những mặt hàng buôn bản chủ yếu lúc này là thóc gạo, lâm - thổ - thuỷ - hải sản. Từ đó, bộ mặt phố xá ở khu vực ngã ba sông Tam Bạc và sông Cấm dần thay đổi. Đó là những cơ sở khởi thuỷ cho việc hình thành nên thành phố cảng Hải Phòng sau này.

Theo tư liệu của ông Bùi Luật, khi vua Tự Đức phong cho Bùi Viện là Tuần hải Nha chánh Quản đốc (Đô đốc Hải quân), chịu trách nhiệm tổ chức đội Tuần dương quân. “Theo như lời kể của các cụ trong họ, ngày trước có nhiều hải tặc người Hoa hoạt động khu vực ven biển dọc từ Quảng Ninh xuống Nam Định. Cụ Bùi Viện đã theo kế sách “lấy độc trị độc”, dùng những cướp biển người Hoa vào đội Tuần dương quân”, ông Luật cho hay.

Với mức lương cao lại hưởng nhiều bổng lộc nên những tên cướp biển được xung vào Tuần dương quân rất mực trung thành. Trong suốt thời gian Bùi Viện chỉ huy đội quân này, vùng biển gần như không có nạn cướp bóc. Tiền kho tải vào kinh thành Huế cũng không mảy may sơ sảy.

Tuần dương quân do Bùi Viện tổ chức gồm hai thành phần chính: Thanh đoàn và Thủy dũng. Thanh đoàn do số đông cướp biển người gốc Hoa hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bùi Viện.Thủy dũng thì toàn bộ do người Việt hoạt động. Ngoài ra, Bùi Viện còn cho đóng thêm 200 chiến thuyền tuần tiễu khắp vùng duyên hải có nhiệm vụ vận tải tiền của nhà nước, hộ vệ các nhà buôn và tiêu diệt hải tặc ở biển Đông Hải.

Khi Bùi Viện tổ chức và huấn luyện thành thục đội Tuần dương quân, trong buổi ra mắt quốc dân tại cửa biển Thuận An (Huế), đích thân vua Tự Đức đến ngự duyệt và mừng rỡ ban thưởng khi thấy đó là đội quân tinh nhuệ bậc nhất thuộc Hải quân triều đình.Bùi Viện đứng ở mũi thuyền, thân mặc giáp, tay phất cờ lệnh. Các chiến thuyền tiến – thoái – tụ - tán rất linh hoạt. Vua Tự Đức khen Bùi Viện: Mạnh Dực xuất thân văn quan mà võ nghệ xuất chúng.

Những tài liệu mà chúng tôi tìm thấy ghi chép Bùi Viện cùng Trạng Bồng Vũ Duy Thanh đã tìm tòi đóng ra một kiểu chiến thuyền có tên “thủy xa mộc thành”. Tài liệu ghi rõ: “Tầu này bằng gỗ, trên có lầu bát quái mặt thành bằng gỗ mềm rất dầy, 8 phía có đặt 8 khẩu đại bác”.

Cái chết bí ẩn

Theo ông Bùi Văn Nghệ và nhà văn Bảo Vân, hậu duệ đời thứ 12 của tộc Bùi, thì: “Hôm ấy là ngày mồng 1/11 năm Tự Đức thứ 31 (1878), ngày mà Bùi Viện vĩnh viễn ra đi, bỏ lại sau lưng một sự nghiệp vĩ đại không người thừa kế. Cả ngày hôm ấy ông vẫn mạnh khoẻ, nhưng đến chập tối, ông kêu đau nhức khắp mình mẩy và đến nửa đêm thì mất”.

Tiến sĩ Bùi Tiên Khôi, cháu bốn đời của Bùi Viện cho biết: “Ngày 1/11, Bùi Viện đi dự tiệc. Toà Khâm sứ Pháp mua chuộc kẻ hầu rượu bỏ độc dược vào thức ăn đồ uống. Khi về đến tư dinh, Bùi Viện kêu đau bụng dữ dội và chết ngay trong đêm ấy tại Huế. Bà cao tổ, kế thất của ông Bùi Viện, được ông trăn trối hãy trốn đi ngay để tránh cái họa “nhổ cỏ tận gốc” của kẻ thù, nên đã đưa con là Bùi Tình vào lánh tại Bình Định”.

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Tiên Khôi: “Năm 1875, chính phủ Pháp cử Rheinart làm khâm sứ ở Huế. Rheinart đã ra sức điều tra tất cả những nhân vật yêu nước của triều đình Huế và đệ trình về Pháp với đề nghị phải loại trừ Bùi Viện.

Rheinart viện dẫn hòa ước năm 1862, hòa ước nhượng đứt 3 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp có đoạn: “Hễ nước Việt Nam có giao thiệp với nước nào thì phải cho chính phủ Pháp biết và khi nào muốn nhường đất cho nước nào phải tùy ý nước Pháp thuận mới được. Thế mà triều đình Huế đã cử Bùi Viện qua Mỹ hai lần để bí mật xin viện trợ quân sự, kinh tế chống Pháp”.

Rheinart yêu cầu triều đình Huế cách chức Bùi Viện nhưng không thành công. Trong không khí chính trị ngột ngạt, Rheinart cáo bệnh về Pháp sau một năm ở Huế, và Philastre qua thay. Philastre tiếp tục mật trình về Pháp những hoạt động phát triển của Tuần dương quân và yêu cầu ám sát Bùi Viện, một trở ngại lớn trong cuộc xâm lăng toàn cõi Việt Nam.

Ngay sau cái chết của Bùi Viện, Tuần dương quân Việt Nam tan rã, Rheinart được thăng thưởng trở lại Việt Nam ngày 14/5/1879 tái nhậm chức khâm sứ Pháp tại Huế, thay thế Philastre. Triều đình Huế mà trực tiếp là vua Tự Đức vô cùng phẫn nộ trước cái chết của đại thần Bùi Viện nên Philastre phải xin rời khỏi Huế.

Tuy nhiên, lại có một thuyết khác nói Bùi Viện chết không phải do Pháp đầu độc mà do các nịnh thần của triều đình Huế tiến hành do ghen tức công lao. Họ lấy cớ Bùi Viện tâng bốc phương Tây, kém đề cao những gì quốc gia đã có.

Đồng thời, họ vu vạ Bùi Viện biển thủ công quỹ. Khi Bùi Viện qua đời, triều đình lập một ủy ban điều tra sản nghiệp. Kết quả là: “Năm gian nhà Bùi Viện thềm vách lở thêm vì mưa nắng, cột kèo xiêu vẹo, không có chi gọi là tư sản”.

Thanh Đoàn gồm hàng trăm người trước kia là cướp biển gốc Hoa kéo về tận làng Trình Phố, Thái Bình quê của Bùi Viện để khóc và cúng tế ông với bức trướng “Thiên tải nhất ngộ” (Ngàn đời mới gặp một người). Sau đó họ giải tán để lại theo đường cũ, không chịu phục tùng người nào khác ngoài Bùi Viện.

Bùi Viện là một vị quan trí dũng song toàn. Dù 32 tuổi mới được triều đình trọng dụng, lại dưới chướng của một quan đại thần nhưng ông vẫn rất mực vì nước. Hai lần lênh đênh trên biển sang Mỹ mong có một bang giao cứu quốc đã chứng minh cho điều ấy. - GS Lê Văn Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.