Cải cách TTHC tiết kiệm 30.000 tỷ đồng mỗi năm

Cải cách TTHC tiết kiệm 30.000 tỷ đồng mỗi năm

Theo Báo cáo Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/02/2010 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 886/NQ-UBTVQH12 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010”.

Cải cách TTHC tiết kiệm 30.000 tỷ đồng mỗi năm ảnh 1
Nhiều đại biểu cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà.

Đoàn giám sát tiến hành giám sát cải cách TTHC các lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng nhà ở; thuế; hải quan. Trong đó, lĩnh vực đất đai tập trung vào 3 nhóm: giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về đất đai.

Lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở tập trung vào 4 nhóm: thẩm định, phê duyệt, xin ý kiến cơ sở về dự án phát triển nhà ở; cấp giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; đăng ký biến động về nhà ở. Lĩnh vực thuế tập trung vào 3 nhóm: miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế. Lĩnh vực hải quan tập trung vào 4 nhóm: thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; thủ tục kiểm tra sau thông quan; thủ tục hải quan điện tử.

Phạm vi giám sát được tiến hành trong cả nước và thời điểm được tính từ ngày 17/9/2001 (ngày ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước) đến ngày 31/12/2009. Để triển khai Kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo việc thực hiện cải cách TTHC liên quan đến các nhóm TTHC được giám sát. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành giám sát việc thực hiện cải cách TTHC ở địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát cho Đoàn giám sát.

Theo Báo cáo Giám sát, chúng ta đã công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thiết lập và công bố công khai Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong hoạt động quản lý nhà nước. “Kết quả này được nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, báo cáo nêu rõ. Chúng ta đã chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố có một bộ TTHC cấp xã và 1 bộ TTHC cấp huyện để thống nhất thực hiện tại địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý theo đúng tiến độ và đạt được chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về TTHC. Theo đó, trong tổng số 5.421 TTHC được rà soát, đã kiến nghị để bãi bỏ 480 TTHC, thay thế 192 TTHC, sửa đổi, bổ sung 4.416 TTHC.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các phương án đơn giản hóa còn nhằm cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Việc cắt giảm này tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cải cách TTHC. Trong một số lĩnh vực vẫn còn nhiều TTHC rườm rà, chồng chéo, chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; tình trạng để doanh nghiệp, công dân phải đi lại nhiều lần chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao.

Thảo luận tại Hội trường về các lĩnh vực trong cải cách thủ tục hành chính, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế được Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ ra.

Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc đơn giản hoá TTHC không chỉ là việc đề ra số thủ tục để kiến nghị huỷ bỏ hay sửa đổi bổ sung mà các TTHC phải hết sức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm và được công khai, minh bạch đến từng người dân, doanh nghiệp và từng đơn vị. Cũng theo đại biểu, để hạn chế và tiến tới đẩy lùi tệ nạn “cò” TTHC, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế mở rộng các dịch vụ tư vấn xã hội hoá giống như các dịch vụ công chứng, nhằm giúp người dân khi có nhu cầu.

Về những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện cải các TTHC, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, có 3 nguyên nhân chưa được đánh giá thấu đáo và chưa nêu được hướng khắc phục trong thời gian tới, đó là chưa có sự phân định rạch ròi giữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính vẫn đẩy những việc mà chính quyền chưa làm được cho người dân. Những việc này có thể đơn giản đối với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng nó lại tạo ra những thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Bà Thanh cũng cho rằng, nếu chúng ta xây dựng được hệ thống lưu trữ điện tử chung để các cơ quan quản lý và khai thác, thì sẽ loại bỏ được các loại giấy tờ không cần thiết và các thủ tục hành chính kèm theo.

Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc cải cách thủ tục hành chính bằng việc Chính phủ đã công bố được Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet; chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã, hàng năm tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cũng cho rằng những tồn tại, hạn chế trong có vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương chưa được nhấn mạnh và tập trung làm rõ. Vì thế các kiến nghị liên quan đến vấn đề này cả ở trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát của Quốc hội còn “mờ nhạt”, chưa triệt để. Đại biểu đề nghị cần công khai Bộ nào, ngành nào, tỉnh nào còn thờ ơ chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC để xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ