Cải cách giáo dục ở Nga: Có trở về với mô hình giáo dục Xô Viết?

Cải cách giáo dục ở Nga: Có trở về với mô hình giáo dục Xô Viết?

(GD&TĐ) - Những năm gần đây, cuộc chiến giữa nền “giáo dục cũ” (giáo dục Xô Viết) và xu hướng “giáo dục mới” (giáo dục theo kiểu phương Tây) ở Nga ngày càng trở nên khốc liệt. Các “môn đệ” hàng đầu của “giáo dục mới”, chính xác hơn là phương pháp tiếp cận theo giáo dục phương Tây đã thừa nhận đi chệch hướng, ít nhất là từ kỳ thi quốc gia thống nhất (EGE) và họ đã sẵn sàng cho một cuộc cải cách giáo dục mới. Trong khi đó, những người ủng hộ nền giáo dục Xô Viết cổ điển đang phát động cuộc chiến chống lại xu hướng mới và đòi khôi phục lại những giá trị truyền thống của giáo dục Xô Viết.

Cải cách giáo dục coi như thất bại

Mới đây, tại cuộc họp báo với chủ đề “Cuộc chiến giữa phương pháp tiếp cận “cũ” và “mới” trong giáo dục Nga”, hai đại diện của hai xu hướng đối lập trong giáo dục Nga đã có cuộc tranh luận nảy lửa. Tổng Giám đốc Ủy ban Chiến lược quốc gia Valery Khomyakov cho rằng, cải cách giáo dục ở Nga đang đi vào ngõ cụt. Mọi nỗ lực áp dụng phương pháp giáo dục của phương Tây trên đất Nga đã thất bại. Có vẻ như mô hình giáo dục phương Tây với đặc thù phát triển mạnh giáo dục tư thục đã không được người Nga mặn mà đón nhận. Những sinh viên có khả năng trả tiền cho việc học tập của mình đựợc hiểu gần như đi... mua bằng. Đại đa số giảng viên vì quá khoan dung với các “nhà tài trợ” nên không mạnh tay loại bỏ những sinh viên yếu kém trong học tập. Sau khi Liên Xô tan rã, các trường ĐH ở Nga, đặc biệt là các trường ngoài công lập mọc lên như nấm sau mưa. Theo các chuyên gia, với tổng số trên 1000 trường ĐH cùng 2000 phân hiệu ĐH ở một đất nước chỉ có khoảng 143 triệu dân mà mỗi năm dân số giảm đi khoảng 600-700 ngàn thì chẳng mấy chốc số học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ ít hơn số chỗ đang chờ họ ở các trường ĐH. Cuộc chiến khốc liệt trong việc tranh giành người học qua các kỳ tuyển sinh đã diễn ra trong nhiều năm nay. Trong bối cảnh ấy, sinh viên là “thượng đế”, sao có thể đuổi học dễ dàng?!

Chính vì vậy, chất lượng giáo dục ở Nga đang bị đặt trước nhiều dấu hỏi.

Giáo dục Nga sẽ đi về đâu?
Giáo dục Nga sẽ đi về đâu?

Có trở về mô hình giáo dục Xô Viết?

Valery Khomyakov khẳng định, hệ thống giáo dục Xô Viết rõ ràng hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Hệ thống giáo dục Xô Viết đã đào tạo cho đất nước nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia danh tiếng.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính trị Sergey Markov- người đại diện cho xu hướng “giáo dục mới” thừa nhận rằng hệ thống giáo dục Nga hiện nay, trong đó có kỳ thi EGE cần phải được cải cách lại. Theo Markov thì EGE không mang lại một hệ thống kiến thức đầy đủ, học sinh chỉ học vẹt những kiến thức mà họ cần điền vào bài trắc nghiệm.

“Trong những năm 90 của thế kỷ trước, hệ thống giáo dục Nga đã bị “cấy ghép” bởi những ý tưởng tồi tệ nhất và hậu quả của nó dẫn đến một cuộc diệt chủng về trí tuệ hôm nay” - PGS Nadezhda Khramova, ĐHTH Ural khẳng định. Trên thực tế, hệ thống giáo dục Nga phát triển mạnh từ cuối thể kỷ 18. Hàng loạt các cuộc khủng hoảng ở thế kỷ 19, ở những năm đầu thế kỷ 20 đã không lay chuyển được hệ thống giáo dục Nga- Xô Viết. Ở thế kỷ 19, nhà giáo dục học Nga vĩ đại Konstantin Ushinsky đã nghiên cứu tất cả các phương pháp giáo dục tốt nhất của nước ngoài để áp dụng vào hệ thống giáo dục Nga. Bản chất của nó là mỗi môn học đều được giảng dạy một cách nhất quán và có hệ thống, kiến thức được củng cố bằng kinh nghiệm thực tế. Một mặt, mỗi môn học được gắn với một môn khoa học cụ thể; mặt khác, học sinh nhận được một kiến thức hoàn chỉnh, có hệ thống- Nadezhda Khramova giải thích. Giáo dục cổ điển Nga chú trọng tới văn hoá đọc. Đứa trẻ bắt đầu từ một bài đọc nhỏ với tất cả những cảm xúc buồn vui. Chính vì vậy, chúng nhanh chóng cảm thụ được bản chất của vấn đề được nêu ra trong bài đọc đó. Giờ đây đã hoàn toàn khác. Trẻ đọc nhanh, đọc lướt và nhiều khi không hiểu bản chất của vấn đề...đã thế, thời lượng dành cho các môn văn học, lịch sử hay các môn xã hội khác đều bị cắt giảm một cách cố ý - Nadezhda Khramova than phiền.

Theo các chuyên gia Nga, trong bối cảnh hiện nay, chất lượng giáo dục ở hầu hết các nước đều giảm sút và đó là một phần của tiến trình toàn cầu hoá. Từ năm 1999, Trường ĐHSP Samara đưa ra đề án gồm 2 khu vực giáo dục: “Giáo dục nhân dân” và “giáo dục hàn lâm”. Giáo dục hàn lâm chỉ dành cho tầng lớp giàu có và loại hình này đang rất phổ biến ở Mỹ. Và bây giờ người ta nhanh chóng áp dụng loại hình giáo dục này vào Nga.

Những người ủng hộ nền giáo dục truyền thống của Nga đang mở chiến dịch làm sống lại nó trong các trường học. Các loại sách giáo khoa cũ được sử dụng lại bởi theo họ, chúng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy trong giai đoạn hiện nay. Đây hoàn toàn không phải là điều bất bình thường. Vào những năm 1930, sau một loạt cải cách không hiệu quả, hệ thống giáo dục của Liên Xô cũng đã từng quay trở lại theo kiểu giáo dục trước cách mạng. Vậy giờ đây, cũng sau một loạt cải cách giáo dục không hiệu quả, tại sao giáo dục Nga không quay trở lại với nền giáo dục Xô Viết vốn vang bóng một thời? - Các chuyên gia đặt câu hỏi.

Duy Long  (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ