Café chủ nhật: Học cách lắng nghe

GD&TĐ - Lắng nghe không chỉ giản đơn là thái độ ứng xử văn minh, văn hóa của một người. Lắng nghe còn là để thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ người khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người biết lắng nghe không chỉ tạo cảm giác tôn trọng cho đối phương mà còn giúp tích lũy được kỹ năng sống giúp chính bản thân họ thành công hơn trong giao tiếp. Lắng nghe cũng như việc lúa chín cúi đầu.

Mới đây, trong Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục & Đào tạo có đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học đã nhận được nhiều ý kiến của dư luận. Có ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến phản đối. Tuy nhiên, đã có một bộ phận không nhỏ đăng đàn lên án kịch liệt bằng những lời lẽ thô tục, xúc phạm đến danh dự của nhà giáo.

Ngẫm kĩ, đó cũng là hiện tượng chưa biết lắng nghe. Thực ra, một số ngành nghề khác, họ đều có ưu đãi riêng cho thân nhân. Ví dụ, ở một số bệnh viện, khi thăm khám, điều trị diện người nhà bệnh nhân thì sẽ được miễn giảm một số khoản nhất định. Nên thiết nghĩ có một số chính sách ưu đãi cho giáo viên cũng là bình thường và hợp lý. Chỉ là, nên lắng nghe nhiều ý kiến hơn để lựa chọn được chính sách phù hợp nhất.

Mấy ngày này, gần như tôi không nói lời nào. Không phải vì không muốn nói mà vì... mất tiếng bởi bệnh nghề nghiệp – giáo viên dạy Văn. Thành ra, tôi lại nghe được nhiều hơn.

Ở nhà, nghe được cả một dàn hợp xướng thanh âm. Trước nghe tiếng cãi nhau ồn ào tôi quát nạt. Rồi lại nghe tiếng phân bua, giải thích. Rồi lại phải giảng giải.

Lên lớp cũng thế, tôi thường giảng say sưa mà nhiều khi quên mất cần phải tương tác với học trò. Nhiều khi đang giảng bài, thấy có em trao đổi gì đó, tôi dừng giảng và quát nạt. Cứ thế, mỗi giờ học trôi qua đều rất mệt.

Giờ thì tôi không thể nói nhiều. Tôi trao quyền cho học trò nói và làm việc nhiều hơn. Tôi chỉ nói nhỏ, hướng dẫn một vài nội dung quan trọng và cũng không quên chia sẻ về căn bệnh viêm thanh quản cấp của mình. Thật ngạc nhiên, lớp học yên bình hơn. Tôi cũng chẳng cần dùng hình phạt nào cả.

Buổi sáng đi thăm người thân, tôi vừa bước vào thang máy ở bệnh viện thì chứng kiến, một người ấn nút xuống tầng 1, người kia mới vào ấn nút lên tầng 10. Thế là người xuống tầng 1 phàn nàn mãi. Một người lại phải đứng ra giải thích, thế này... thế này... Đến khi người kia bước ra khỏi cầu thang máy tầng 1 rồi vẫn quay lại buông mấy câu tục tĩu. Người kia bị chửi (trông còn trẻ) vẫn điềm nhiên im lặng. Một người lớn tuổi kế bên cũng không nói gì chỉ tỏ vẻ bất bình khó chịu trên khuôn mặt.

Tôi, dĩ nhiên cũng lặng im. Nhưng không ai biết rõ, cụ già hình như bị láng tai, tôi thì mất tiếng, còn cậu trẻ bị chửi thì có vẻ là đang nhẫn nhịn. Nhưng rõ ràng, chẳng ai thích lắng nghe những thanh âm ấy cả. Trường hợp này thì im lặng hay đáp lời?

Tôi cũng từng chia sẻ một câu chuyện với một người. Mục đích là muốn họ lắng nghe để giúp đỡ mình. Họ ngồi nghe có vẻ chăm chú. Thi thoảng còn chen vào đôi câu kiểu “thế hả”, “khiếp nhỉ”... Kể xong, tôi mới hỏi người ấy, rằng với sự việc như thế thì nên giải quyết thế nào cho hợp tình hợp lý. Bấy giờ, người kia mới giật mình hả... hử...

Nhớ lại, lúc sáng, tôi gọi điện cho bác sĩ, giọng thều thào, khàn đặc. Nói một lúc không thấy đầu máy bên kia nói gì. Đang nghĩ, có lẽ do bác sĩ không nghe rõ gì... thì bác sĩ đã hướng dẫn cụ thể mọi thắc mắc của tôi.

Thế đấy, nếu chịu khó lắng nghe, chúng ta sẽ nghe rõ cả những lời... vô âm!

Lắng nghe không chỉ đơn thuần là việc nghe và hiểu ý kiến hoặc thông tin của người khác, mà còn là thể hiện sự quan tâm và đồng cảm. Khi lắng nghe, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi để người khác chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và kinh nghiệm của họ một cách tự nhiên và thoải mái hơn.

Trong cuộc sống, ai cũng đều gặp phải những khó khăn, trở ngại và cần có người để chia sẻ, giúp đỡ. Bởi vậy, chúng ta cần lắng nghe tâm sự từ những người xung quanh để đồng cảm và thấu hiểu.

Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng và là chìa khóa của thành công trong cuộc sống. Đó là việc chúng ta nhẫn nại và chân thành lắng nghe tâm sự và chia sẻ của người khác để đồng cảm và rút ra bài học cho chính mình.

Lắng nghe và đồng cảm với người khác sẽ giúp chúng ta nhận ra và hiểu được nhiều điều hơn và có nhiều bài học quý giá. Nếu biết lắng nghe, chúng ta có thể nhận được những nhận xét và đánh giá của người khác về bản thân, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về bản thân để phát huy mặt mạnh và khắc phục mặt yếu.

Mỗi người đều có nhu cầu chia sẻ và lắng nghe, và khi lắng nghe người khác, chúng ta cũng có thể chia sẻ với họ. Học cách lắng nghe mang lại ý nghĩa và vai trò to lớn đối với cuộc sống con người. Những người biết lắng nghe là những người có lòng kiên trì, nhẫn nại và biết gạt bỏ cái tôi để tiếp thu và lĩnh hội.

Bên cạnh đó, lắng nghe còn giúp con người thấu hiểu và bao dung cho nhau, xây dựng một xã hội tích cực và đẹp hơn.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người chưa biết lắng nghe người khác, chỉ cho rằng lí lẽ của mình là đúng, câu chuyện của mình mới là hay, chia sẻ của mình mới đáng được quan tâm. Từ đó, họ tỏ thái độ xem thường thậm chí thiếu tôn trọng ý kiến của người khác. Cũng có người chỉ muốn chia sẻ những khó khăn và đau khổ của mình mà không chịu lắng nghe tiếng lòng của người khác. Vì vậy, nếu mỗi người chúng ta bớt đi một chút cái tôi, biết lắng nghe và thấu hiểu thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Học cách lắng nghe là chúng ta đang học cách thấu hiểu cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.