Khi trẻ đang quấy khóc, ăn vạ, sự phản ứng lại của cha mẹ có tác động lớn tới việc liệu trẻ có tiếp tục như vậy nữa không. Cùng xem qua những cách hay giúp cha mẹ dỗ trẻ qua cơn hờn dỗi.
Hãy lờ trẻ đi
Trong suốt thời gian quấy khóc hay hờn dỗi, phần cảm xúc sẽ lấn át lý trí của trẻ. Đó là lý do dù bố mẹ có hỏi han hay dỗ dành, trẻ đều không nghe. Trong trường hợp này, đôi khi, không làm gì lại có thể khiến mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Hãy để sự bực tức của trẻ tự qua đi, chỉ cần đảm bảo rằng trẻ không làm đau mình khi đang tức tức giận. Khi trẻ đã bình tĩnh lại, thì bố mẹ có thể lại gần và nói chuyện với trẻ.
Đối mặt với việc trẻ quấy khóc, hờn dỗi
Trẻ có những tính cách khác nhau có xu hướng dễ xúc động hơn người lớn. Sự phản ứng lại của bố mẹ với việc trẻ quấy khóc có tác động lớn tới việc liệu trẻ có tiếp tục như vậy nữa không. Nếu quá để ý mỗi khi trẻ khóc, việc này sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Nếu bạn tỏ ra tức giận để phản ứng lại khi trẻ khóc thì nó sẽ càng có xu hướng leo thang hơn.
Nếu trẻ chỉ cảm thấy bực bội, khó chịu, hãy đợi đến khi bạn cảm thấy mọi thứ đã ổn hơn và đến bên trẻ, đưa trẻ đồ ăn hoặc nước, ôm trẻ và nói chuyện, mọi chuyện sẽ tiếp tục tốt đẹp. Nếu trẻ tức giận, khóc to để làm bố mẹ chú ý đến thì bạn không nên phản ứng lại. Hãy đợi khi trẻ đã bình tĩnh lại, rồi chuyển sang những hoạt động tiếp theo mà không nói gì đến việc trẻ hờn dỗi lúc trước.
Tạo ra mối quan tâm khác cho trẻ
Hãy tạo cho trẻ sự hứng thú với một cái gì khác để trẻ quên đi việc vừa làm trẻ khóc như đồ chơi, snack, xếp hình, tranh ảnh,… (ảnh minh họa)
Trẻ nhỏ có mức độ chú tâm ngắn và luôn dễ thay đổi. Do đó, hãy tạo cho trẻ sự hứng thú với một cái gì khác để trẻ quên đi việc vừa làm trẻ khóc như đồ chơi, snack, xếp hình, tranh ảnh,…
Tìm ra nguyên nhân khiến trẻ khóc
Trẻ dưới 2 tuổi rưỡi chưa có đủ năng lực về mặt ngôn ngữ nhưng lại đã có tất cả các suy nghĩ về ý muốn và nhu cầu của mình. Khi cha mẹ không hiểu và đáp ứng nhu cầu của trẻ, chúng rất dễ hờn dỗi, quấy khóc. Cha mẹ cần học các ngôn ngữ dấu hiệu của trẻ, những từ đơn giản mà trẻ nói được hoặc yêu cầu trẻ chỉ vào những thứ mà trẻ muốn.
Cho trẻ động lực để cư xử đúng
Nhiều tình huống có thể làm trẻ khó chịu như ngồi lâu trong bữa ăn hay giữ yên lặng tại nơi công cộng. Việc thưởng cho trẻ cái gì đó để trẻ làm theo ý bố mẹ sẽ có tác dụng. Bố mẹ có thể thỏa thuận với trẻ rằng sẽ cho trẻ xem video nếu ngồi ăn ngoan ngoãn ở nhà hàng. Và khi trẻ quấy khóc, hãy nhắc nhở trẻ về thỏa thuận lúc trước.
Nhớ rằng thỏa thuận là hoàn toàn tốt nếu nó được thực hiện hợp lý theo sự sắp xếp, nhất là phải được thực hiện trước đó chứ không phải đến lúc trẻ quấy khóc mới nêu giao ước. Bạn sẽ ngạc nhiên về việc trẻ nhanh chóng ngoan ngoãn cư xử đúng như giao ước.
Nói chuyện một cách bình tĩnh
Việc này nói dễ hơn làm. Các chuyên gia luôn khuyên rằng cha mẹ phải giữ bình tĩnh trước việc trẻ hờn dỗi, quấy khóc, nếu cha mẹ tức giận, mọi chuyện cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một phần lý do mà trẻ thường xuyên khóc là để thu hút sự chú ý. Việc cha mẹ nói chuyện bình tĩnh, nhẹ nhàng sẽ cho trẻ thấy rằng bố mẹ không bị hành vi cư xử của trẻ làm cho chú ý hay tức giận, từ đó có thể làm giảm sự quấy khóc của trẻ.
Tách trẻ ra khỏi đám đông nơi công cộng nếu trẻ quấy khóc
Dỗ trẻ quấy khóc đã khó khi ở nhà, nó còn khó hơn khi bạn đang ở nơi công cộng. Do đó, khi đang ở nơi công cộng mà trẻ quấy khóc, hãy cùng trẻ đi ra một không gian thoáng hơn, không bị tập trung bởi những ánh nhìn xung quanh, bình tĩnh nói chuyện với trẻ. Nếu ở trên máy bay, hãy đảm bảo bạn có đủ snack và các trò chơi cho trẻ để chúng không mệt, đói hay chán.
Có nhiều cách để trẻ hết quấy khóc, hờn dỗi. Cha mẹ thậm chí có thể phạt trẻ nhưng không phải bằng roi vọt. Khi đối mặt với việc trẻ quấy khóc, mặc dù không dễ dàng, nhưng cha mẹ cần phải cố gắng duy trì sự bình tĩnh để mọi việc sẽ không trở nên tồi tệ hơn.