Như mọi năm, năm nay, Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức tọa đàm kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm ôn lại truyền thống giáo dục nước nhà, đồng thời tuyên dương và vinh danh những nhà giáo đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Đắk Lắk.
Tuy nhiên, ngoài những mục trình theo nghi thức thông thường, điểm nhấn của chương trình năm nay nằm ở phần phát biểu cảm tưởng của các thế hệ nhà giáo xuyên suốt gần nửa thế kỷ của ngành giáo dục tỉnh.
Thầy Hà Ngọc Đào - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk giai đoạn (1996 – 2002), phát biểu cảm tưởng tại buổi tọa đàm. |
Thầy Hà Ngọc Đào - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk giai đoạn (1996 – 2002), cũng là một trong những người đầu tiên tiếp quản và xây dựng ngành giáo dục Đắk Lắk từ những ngày đầu giải phóng Buôn Ma Thuột - là người phát biểu đầu tiên. Câu chuyện của thầy bắt đầu từ lá thư viết bằng máu của một học sinh miền Nam theo cha tập kết ra Bắc với nguyện vọng được trở về Nam chiến đấu và dạy học từ năm 1965. Nhóm của thầy có 9 người nhưng qua hành trình mười năm đến ngày 30/4, ba người đã nằm lại.
Ba thầy cô Nguyễn Đức Siêu, Trần Chắt và Nguyễn Thị Nhâm đã không kịp đón ngày thống nhất, trong đó cô Nguyễn Thị Nhâm đã ra đi ở tuổi 18 - độ tuổi đẹp nhất đời người… (Thầy dừng lại lau mắt, nghẹn ngào. Cả hội trường xúc động lặng đi như trong phút giây mặc niệm…). Tiếp theo là những ngày đầu tiếp quản và gầy dựng ngành giáo dục với 3 cái thiếu: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và kinh phí. Mà cái thiếu nào cũng nghiêm trọng…!
Thế hệ của thầy, người làm giáo dục đã phải trả bằng máu và tính mạng.
Nhà giáo ưu tú Phan Văn Vinh - người làm giáo dục từ thập niên 80 mở lời bằng những vần thơ:
Có ai hiểu cuộc đời nhà giáo
Rất đơn sơ tập giáo án gối đầu
Viên phấn trắng cho tâm hồn bay bổng
Mực chấm bài như máu chảy về tim…
Nhà giáo ưu tú Phan Văn Vinh phát biểu cảm tưởng tại buổi tọa đàm. |
Có thể nói, thầy thuộc thế hệ trải nhiều khó khăn, thiếu thốn của một giai đoạn giáo dục nước nhà, nhưng cũng là thế hệ mà sự tâm huyết và lãng mạn luôn trong veo như trong “một bầu không khí vô trùng”.
Thầy giáo Bùi Văn Mạnh thuộc thế hệ 8x, hiện đang dạy tại một trường THCS ở huyện biên giới EaSúp – nơi được mệnh danh là “Thừa khó khăn - Thiếu đủ thứ”. Con đường đến trường của thầy là cả một chặng dài vượt suối xuyên rừng. Đó cũng đồng thời là hành trình của không ít học trò của thầy mỗi ngày. Thầy trải lòng: “Gần mười lăm năm như thế, nhiều hôm đến được trường, người đã mệt rã rời. Nhưng cứ nhìn thấy ánh mắt các em, tôi không còn thấy mệt nữa ”. Đẹp làm sao tấm lòng và khát vọng của một nhà giáo trẻ của thế hệ hôm nay!
Ba nhà giáo của ba giai đoạn, học đều có điểm chung ở nhiệt huyết và khát vọng cống hiến. Họ đều giống nhau ở sự vượt khó và lòng yêu nghề, mến trẻ. Họ đều trải qua khó khăn, thiếu thốn, gian khổ và họ đều vượt qua không một lời than vãn. Họ xứng đáng được tôn vinh trong ngày Nhà giáo và hơn thế nữa…
Thay cho những bài tham luận về dạy và học như thường thấy, Ban tổ chức buổi tọa đàm đã để cho các thế hệ nhà giáo chia sẻ tâm sự và nỗi lòng nghề nghiệp qua từng chặng đường của giáo dục tỉnh nhà. Một cử chỉ đẹp như một đóa hoa “cài vào quá khứ”, để đóa hoa Đời nở mãi đến mai sau…