Những nhà giáo trong lòng nhân dân

GD&TĐ - Mới đây, trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận công lao của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước đã có thành tích nổi bật trong sự nghiệp trồng người. Trong đó, nhiều thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nét đẹp cô trò
Nét đẹp cô trò

Thủ tướng nhấn mạnh, các thầy cô là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa, cộng hưởng những giá trị tốt đẹp, là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo với tình thương và trách nhiệm, tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, phát triển GD-ĐT.

Tính đến ngày 15/8/2018, trên cả nước có 1,16 triệu giáo viên mầm non, phổ thông và khoảng 70.000 giảng viên đại học, trên 150.000 cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó rất nhiều các thầy cô đang dạy ở vùng núi cao, đảo xa. Trong số họ không nhiều người có được những danh hiệu cao quý như Nhà giáo ưu tú hay Nhà giáo nhân dân, nhưng họ sống trong lòng nhân dân và tôn vinh lớn nhất mà họ có được là từ nhân dân.

Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Sự tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành - những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Các cô giáo, thầy giáo từ thành thị tới nông thôn, từ mầm non đến đại học, bằng những việc làm khác nhau đang ngày đêm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh thầy giáo Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi và cậu học trò tí hon Đinh Văn Krể, người dân tộc H’rê, đã viết nên câu chuyện cổ tích đẹp về tình thầy trò trên Chương trình “Thay lời tri ân” 2017 được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.

Với thầy Cương cùng các thầy cô giáo trong tập thể nhà trường, việc chăm nuôi các học sinh ở Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, tỉnh Quảng Ngãi, với niềm vui lớn nhất là để các em học sinh dân tộc rất ít người đó được đến trường, được dạy chữ, để các em không bị thiệt thòi, được chung sống và học tập trưởng thành như học sinh các dân tộc khác. Chương trình “Thay lời tri ân năm 2018” được tổ chức mới đây cũng lại lấy đi không ít những giọt nước mắt khi khán giả được chứng kiến những gian khó và hy sinh hết sức thầm lặng của các thầy cô giáo.

Đó là câu chuyện của cô giáo Đinh Thị Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học An Lương, tỉnh Yên Bái. Khi lên dọn dẹp trường, vận động học sinh, cô Chung đang mang thai 4 tháng, nhưng không may tai nạn đã xảy ra với cô giáo. 8 thầy đã phải thay nhau khiêng cáng đưa cô vượt đường rừng, qua những bậc thang gỗ bắc tạm ở những vách núi bị sạt lở để ra đến điểm có ô tô đón về bệnh viện.

Không cứu được đứa con trong bụng, cô giáo đã vượt qua nỗi đau của người mẹ để trở lại với công việc giảng dạy của mình, tiếp tục lấy học trò làm đứa con tinh thần. Rồi cũng lại là câu chuyện của những thầy giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học An Lương những ngày bị lũ cô lập, các thầy đã bất chấp khó khăn, nguy hiểm đi bộ vượt qua 30km đường đèo, vượt lũ, băng rừng, để gùi mỗi người 30kg lương thực về cho học sinh.

Không thể kể hết những tấm gương thầy cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc Việt Nam có rất nhiều những tấm gương nhà giáo đang miệt mài cống hiến với nghề. Họ không màng danh lợi mà tất cả chỉ là với tình yêu nghề lớn lao hơn hết thảy. Nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các thầy cô đang làm “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ