Cách trang bị kỹ năng sống cho trẻ lên 5

GD&TĐ - Trẻ mẫu giáo 5 tuổi cần hình thành rất nhiều kỹ năng sống.

Cách trang bị kỹ năng sống cho trẻ lên 5

Theo cô Trần Thị Nga - Giáo viên Trường Mầm non Thị trấn, (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), nếu trẻ 5 tuổi không được rèn luyện kỹ năng sống trẻ sẽ thiếu tự tin, thiếu ý thức, thiếu sự điều chỉnh trong thái độ và hành vi, không giải quyết được các tình huống khác nhau mà trẻ gặp phải sau này.

Tuy nhiên, việc hình thành kỹ năng cho trẻ không phải thực hiện riêng lẻ trong chương trình, kế hoạch chăm sóc, giáo dục mà được lồng ghép trong quá trình diễn ra hoạt động, làm sao để kỹ năng sống được rèn luyện hình thành và theo trẻ đến suốt cuộc đời.

Hình thành thói quen tốt trong giờ đón trả trẻ

Ngay từ đầu năm học, cô Trần Thị Nga đã tập cho trẻ ý thức tự cất đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp lúc vào lớp cũng như lúc ra về; phân công tổ trưởng kiểm tra xem bạn nào thực hiện chưa đạt để cuối ngày đánh giá, nêu gương, khích lệ động viên cá nhân có cố gắng.

Có thể đưa ra hình thức khen thưởng như cắm cờ, kẹo, tặng quà, để trẻ thực hiện tốt hơn. Từ đó việc cất đồ dùng không còn là “hành động” mà trở thành “ý thức”, trẻ tự thực hiện không cần phải đợi nhắc nhở hay kiểm tra.

Hình thành kỹ năng sống thông qua hoạt động ngoài trời

Giáo viên có thể lồng ghép tích hợp nhiều kỹ năng sống cần thiết qua những hoạt động ngoài trời.

Ví dụ “nhìn ngắm hoa đẹp”, trẻ thể hiện cảm xúc vui vẻ, thoải mái, từ đó trẻ yêu thích cái đẹp, không được hái hoa vì hoa làm đẹp cho thiên nhiên.

Hoặc giáo viên sử dụng tình huống để trẻ giải quyết: “Đang đi dạo chơi cùng trẻ thì giáo viên bị ngã”, lúc này giáo viên sẽ dựa vào cách giải quyết của trẻ mà rèn cho trẻ “kỹ năng giúp đỡ chia sẻ”, phải biết đỡ bạn bị ngã. 

Không những vậy, mà khi đi bất cứ đâu nếu có gặp người lớn tuổi, em nhỏ, người tàn tật thì giúp đỡ, cảm thông với hoàn cảnh của họ.

Hình thành kỹ năng sống thông qua hoạt động học

Giáo viên bồi dưỡng cho trẻ kinh nghiệm sống, nhân cách tốt đẹp qua những câu chuyện, bài thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao, bài hát,…Được nghe kể chuyện là điều trẻ rất thích, do đó giáo viên lựa chọn câu chuyện phù hợp để lồng ghép giáo dục.

Chẳng hạn chủ đề Bản thân, với câu chuyện “Giấc mơ kì lạ” có nội dung giáo dục “ăn uống đầy đủ để các giác quan hoạt động”, khi đó cô chuyển tải những thông điệp hãy biết giữ gìn và bảo vệ chính cơ thể mình.

Đối với các hoạt động khác diễn ra trong hoạt động học cũng vậy, giáo viên lựa chọn nội dung phù hợp, kết hợp với phương pháp dùng lời, trẻ được nghe, được đọc cùng với sự giảng giải của cô, trẻ sẽ thấm nhuần ý nghĩa của cuộc sống xung quanh, từ đó tích lũy cho mình những bài học kinh nghiệm. Kỹ năng sống trong hoạt động vui chơi

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, trẻ 5 tuổi càng hứng thú và tích cực hơn bởi đáp ứng được nhu cầu.

Trẻ được chơi với đồ vật, được trải nghiệm thực tế, là cơ sở vững chắc để hình thành và phát triển, rèn luyện và giáo dục kỹ năng sống cho

Trong chủ đề “nghề nghiệp” ở góc phân vai có trò chơi “bác sĩ”, bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân với thái độ vui vẻ, niềm nở, y tá cấp phát thuốc và dặn bệnh nhân uống thuốc đúng giờ.

Bệnh nhân bốc số thứ tự và ngồi chờ khám theo lượt, lúc này cô giáo giả bộ đóng vai bà lão đi khám bệnh, bà lão đi sau cùng nhưng được cô y tá dẫn đi khám trước.

Tình huống xảy ra là các bệnh nhân kia không đồng ý, bác sĩ mới ra giải thích: bệnh nhân vui lòng đợi chút, ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ.

Cô Nga cho rằng, trẻ đóng vai bác sĩ đã có kinh nghiệm sống rất tốt và trẻ đã áp dụng ngay trong quá trình chơi, kỹ năng giao tiếp và ứng xử văn minh được thể hiện.

Hoạt động vui chơi diễn ra trong thời gian tương đối dài (40 phút), có rất nhiều tình huống xảy ra, giáo viên cần bao quát và kịp thời can thiệp để điều chỉnh hành vi, giúp trẻ có thói quen tốt, biết được cái nào nên làm, cái nào không nên làm. Lâu dần những thói quen tốt, những hành vi đẹp sẽ được tích lũy và trở thành kỹ năng sống đối với trẻ.

Kỹ năng sống khi ăn, khi ngủ, khi vệ sinh

Trong giờ ăn, ngủ, vệ sinh, kỹ năng tự phục vụ được rèn luyện, được giáo dục thường xuyên nhất.

Chẳng hạn, trẻ biết trước khi ăn là phải rửa tay, tự lấy ghế vào bàn ăn, ăn xong phải đánh răng, tự thay quần áo, xếp quần áo gọn gàng, tự lấy gối và nệm của mình để ngủ, ngủ dậy tự cất đồ dùng.

Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, trẻ tự thực hiện mà không cần giáo viên phải nhắc nhở.

Kỹ năng sống ấy không những được trẻ thực hiện ở trường mà còn thực hiện ở nhà, hay ở bất cứ đâu khi trẻ đi đến.

Sử dụng các tình huống có vấn đề

Một trong những kỹ năng cần hình thành, thì kỹ năng an toàn, tự bảo vệ, giúp trẻ có khả năng biết từ chối, xử lý những tình huống khi thấy không an toàn.

Giáo viên tự đặt ra một số tình huống để trẻ tự giải quyết vấn đề và những tình huống khác, có liên quan cũng được áp dụng trong suốt quá trình chăm sóc trẻ.

Ví dụ, cô kể cho trẻ nghe câu chuyện: Bạn An được mẹ hứa đưa về sớm, nhưng mẹ bận họp đột xuất, chờ mãi mà không thấy mẹ. 

An đi ra cổng để đón mẹ, bỗng có một người phụ nữ cho bạn An kẹo và nói: “Hôm nay mẹ bận không đón con được, mẹ nhờ cô chở con về, con ngoan ăn kẹo đi rồi lên xe cô chở con về”.

Giáo viên dừng lại và hỏi trẻ: Bạn An có về với người phụ nữ đó không? Nếu con là bạn An con sẽ xử trí như thế nào? Cho trẻ thảo luận và đưa ra câu trả lời.

Sau đó cô kể tiếp: Bạn An không chịu lên xe, nói là đợi mẹ rướt, bạn An đi trở vào lớp, người phụ nữ nắm lấy áo bạn An, bạn An đã kêu lên thật to “cứu con với, có người định bắt con”, chú bảo vệ chạy tới…

Qua câu chuyện giáo viên rèn cho trẻ biết “không đi theo người lạ dù người lạ có cho bất cứ gì”.

Giáo viên có thể cho trẻ đóng vai các nhân vật trong câu chuyện cô vừa kể để khắc sâu hơn kỹ năng.

Ngoài ra giáo viên có thể đặt ra nhiều tình huống khác và tổ chức lồng ghép mọi lúc mọi nơi để trẻ có cơ hội giải quyết và xử lý tình huống như: khi ở nhà một mình (không được mở cửa cho người lạ vào), đi lạc đường (đứng ở nơi trống và kêu thật to), khi bị côn trùng cắn (nói liền với người lớn),…

Trao đổi, hướng dẫn phụ huynh rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ

Theo cô Nga, cha mẹ là tấm gương đầu tiên cho trẻ học tập những thói quen tốt. Việc phối hợp với phụ huynh trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là vô cùng cần thiết.

Trong các buổi họp hay nói chuyện với phụ huynh, giáo viên cần trao đổi những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và mang tính thuyết phục.

Giáo viên khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để trẻ tự phục vụ bản thân: Rửa mặt, đánh răng, thay quần áo, tự chọn quần áo, đồ dùng cá nhân chuẩn bị đi học,…

Phụ huynh cần dạy trẻ những kỹ năng như: Ghi nhớ số điện thoại ba, mẹ và số điện thoại cần thiết khác như: cứu hỏa, công an, cấp cứu để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân khi gặp nguy hiểm.

Phụ huynh hãy cho trẻ được chơi, bày đồ chơi, không cấm đoán hay rầy trẻ, lúc này cần thiết nhất là dạy trẻ phải tự cất đồ chơi hoặc ba mẹ cùng cất với trẻ, tuyệt đối không nên làm thay cho trẻ.

Lưu ý, hãy cho trẻ cùng tham gia công việc trong gia đình, nêu lên hiểu biết và suy nghĩ của mình, từ đó sẽ có hướng điều chỉnh kỹ năng sống phù hợp và đúng hướng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ