Chính vì vậy, yêu cầu mục tiêu đối với các môn học cũng có nhiều thay đổi.
Để đáp ứng được các yêu cầu đó, đòi hỏi người giáo viên cũng cần có sự đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong dạy học. Sau đây, tôi xin minh họa cách đổi mới, khai thác sâu hơn nội dung bài tập đọc “Hành trình của bầy ong” trong phần Tìm hiểu bài, để làm rõ yêu cầu này.
Mục tiêu của phần Tìm hiểu bài:
- Học sinh trả lời câu hỏi 1, 2, 3, 4 trong sách giáo khoa.
- Hiểu được nội dung các khổ thơ, nội dung cả bài tập đọc.
- Nhận biết các biện pháp tu từ và các hình ảnh thơ tác giả sử dụng trong bài.
Cách tiến hành:
Bước 1: Giao nhiệm vụ
- 1 học sinh đọc to câu hỏi 1, 2, 3, 4
- Học sinh thảo luận nhóm 4 theo quy trình: Đọc thầm bài, đọc thầm câu hỏi, nêu ý kiến cá nhân, cả nhóm thống nhất ý kiến để báo cáo trước lớp (thời gian 5 phút).
- Bước 2: Tổ chức cho các nhóm báo cáo kết quả làm việc.
Câu 1: Những chi tiết nào trong bài nói lên hành trình vô tận của bầy ong?
- Những chi tiết thể hiện sự vô cùng của không gian: Đôi cánh của bầy ong đẫm nắng trời, không gian là nẻo đường xa.
- Những chi tiết thể hiện sự vô tận của thời gian: Bầy ong bay đến trọn đời, thời gian vô tận.
- Giáo viên hỏi: Nội dung khổ thơ 2 là gì?
- Học sinh trả lời.
Chốt ý ghi bảng: Hành trình vô tận của bầy ong
Câu 2: Bầy ong đến tìm mật ở những nơi nào? Nơi ong đến có vẻ đẹp gì đặc biệt?
Bầy ong đến tìm mật những nơi nào?
+ Bầy ong rong ruổi trăm miền: Ong có mặt nơi thăm thẳm rừng sâu, nơi bờ biển sóng tràn, nơi quần đảo khơi xa. Ong nối liền các mùa hoa: Nối rừng hoang với đảo xa. Ong chăm chỉ, giỏi giang: Giá hoa có ở trời cao thì bầy ong cũng dám đưa vào mật thơm.
Nơi ong đến có vẻ đẹp gì đặc biệt?
+ Nơi rừng sâu: Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.
Nơi biển xa: Có hàng cây chắn bão, dịu dàng mùa hoa.
Nơi quần đảo: Có loài hoa nở chưa được đặt tên.
- Giáo viên cung cấp: Để nhấn mạnh những nét đặc biệt những nơi ong đến tác giả đã dùng biện pháp đảo ngữ trong các hình ảnh: Thăm thẳm rừng sâu, bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban, dịu dàng mùa hoa.
- Trong khổ thơ có từ ngữ nào được lặp lại?
- Học sinh trả lời: Từ ngữ được lặp lại 3 lần trong khổ thơ là từ ngữ “tìm nơi”.
- Giáo viên giới thiệu: Cách sử dụng từ ngữ lặp lại nhiều lần là biện pháp điệp từ, điệp ngữ. Tác giả dùng biện pháp này (kết hợp thêm dấu ba chấm cuối khổ thơ) là ý muốn nói bầy ong đã đi đến rất nhiều nơi để tìm hoa làm mật.
- Giáo viên hỏi: Vậy nội dung khổ thơ 2 là gì?
- Học sinh trả lời.
- Giáo viên chốt ý, ghi bảng: Những nơi ong tìm đến.
Câu 3: Em hiểu nghĩa câu thơ: “Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào” thế nào?
+ Đến nơi nào, bầy ong chăm chỉ, giỏi giang cũng tìm được hoa làm mật, đem lại vị ngọt cho đời.
Học sinh trả lời theo ngôn ngữ, hiểu biết của mình.
Giáo viên hỏi: Vậy khổ thơ thứ ba khen ngợi bầy ong điều gì?
Giáo viên chốt ý, ghi bảng: Bầy ong cần cù, giỏi giang.
Câu 4: Qua hai dòng thơ cuối bài, tác giả muốn nói điều gì về công việc của loài ong? + Bầy ong đã giúp cho con người việc gì?
Tác giả muốn nói: Công việc của loài ong có ý nghĩa thật đẹp đẽ, lớn lao. Ong giữ hộ cho người những mùa hoa đã tàn nhờ ong đã chắt được trong vị ngọt, mùi hương của hoa những ngọt mật tinh tuý. Thưởng thức mật ong, con người như thấy những mùa hoa không phai tàn.
Chốt ý ghi bảng: Bầy ong giữ hộ cho con người những mùa hoa trong mật ngọt.
- 1 học sinh đọc toàn bài? Nội dung bài thơ là gì?
- Cho 2 – 3 học sinh nêu.
- Giáo viên chốt nội dung: Ca ngợi bầy ong giỏi giang, cần cù làm việc, tìm hoa gây mật, lưu giữ hương thơm vị ngọt cho đời.
Bài tập: Vận dụng và vận dụng nâng cao
a) Vận dụng
- Em học tập được ở loài ong đức tính gì? (cần cù, chịu khó).
- Ong là một loài vật có ích, vậy thái độ của các em đối với loài ong phải thế nào?
(Chúng ta cần phải phải bảo vệ loài ong, bằng cách bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh….).
Giáo viên căn dặn thêm: Không nên chọc phá tổ ong vì sẽ bị ong đốt.
b) Vận dụng nâng cao (Giao về nhà)
- Hãy vẽ bức tranh hoặc hãy tưởng tượng mình là con ong, viết 1 đoạn văn ngắn khoảng 5 câu để nói về cuộc hành trình đi tìm mật của mình.
Trên đây là cách tiến hành phần Tìm hiểu bài của phân môn Tập đọc lớp 5, theo hướng phát triển năng lực phẩm chất. Triển khai dạy học theo định hướng này giúp các em yêu thích môn học hơn, một số em có năng khiếu còn viết được cả những đoạn văn theo lối mở rất sáng tạo.
Bình luận