Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Trọn niềm tin vào đổi mới

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 tiếp tục triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Tình trạng thiếu giáo viên Tin học được nhiều địa phương tháo gỡ thành công, tạo tiền đề vững chắc khi triển khai CT GDPT mới. Ảnh: Đức Trí
Tình trạng thiếu giáo viên Tin học được nhiều địa phương tháo gỡ thành công, tạo tiền đề vững chắc khi triển khai CT GDPT mới. Ảnh: Đức Trí

Bên cạnh khó khăn cần tháo gỡ thì những tiền đề, lợi thế tạo nên trước đó là động lực để ngành Giáo dục các địa phương, đội ngũ nhà giáo, xã hội… tin vào thành công của quá trình đổi mới. 

Bước đệm quan trọng

Thầy Phùng Minh Thái, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Bảo Thắng (Lào Cai), trao đổi: Là trường liên cấp nên quá trình chuẩn bị, triển khai CT GDPT mới ở lớp 6, đội ngũ giáo viên lớp 10 cũng được dự giờ, học hỏi, trao đổi hướng tiếp cận, phương pháp... trực tiếp và sớm.

Trường cũng đẩy nhanh việc “chốt” danh sách giáo viên dạy lớp 10 năm tới để giáo viên chuẩn bị sẵn tinh thần, chủ động nghiên cứu, tham gia các lớp, khóa tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên với nội dung, mô-đun do Sở và Bộ tổ chức.

Do năm đầu triển khai CT GDPT mới ở lớp 10 (khối đầu cấp THPT) nên những giáo viên được lựa chọn “ra trận” đang dạy khối 10 lẫn giáo viên các khối có năng lực chuyên môn tốt. Như vậy, nhà trường không chỉ đảm bảo về mặt số lượng giáo viên được bồi dưỡng để sẵn sàng đảm nhiệm công việc khi cần thiết, mặt khác còn kết hợp, kế cận, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cũ mới...

“Triển khai CT GDPT 2018 với lớp 7, lớp 10, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Bảo Thắng cơ bản thuận lợi và sẽ tiếp cận nhanh, có sự tự tin… bởi trường đã có kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình trường học mới khá thành công trước đó…”, thầy Thái trao đổi.

Triển khai CT GDPT mới ở lớp 3 năm học tới với những yêu cầu và đòi hỏi mới nên Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình) đang tích cực chuẩn bị trên nhiều phương diện. Cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường dự kiến xong số giáo viên sẽ phân công dạy lớp 3 năm tới để tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng; Tham mưu với địa phương bổ sung cơ sở vật chất cho nhà trường để bảo đảm đầy đủ, phù hợp với triển khai dạy học theo Chương trình, SGK mới.

“Chuẩn bị triển khai CT GDPT mới ở lớp 3, nhà trường đã có định hướng, đường đi rõ ràng, có sự tính toán bài bản, khoa học… nên sẽ loại trừ được những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Những kết quả đạt được từ triển khai lớp 1, 2 sẽ trở thành tiền đề vững chắc, cần thiết, tạo thêm niềm tin vào sự thành công cho cán bộ quản lý, giáo viên khi triển khai Chương trình, SGK mới với lớp 3…”, cô Mỹ khẳng định.

Về chuyên môn, trường cũng tích cực tổ chức các buổi chuyên đề, tập huấn… liên quan đến Chương trình, SGK mới để giúp giáo viên củng cố, vững vàng kiến thức, kỹ năng, phương pháp… trước khi triển khai vào thực tế. Mặt khác, tích cực, chủ động tuyên truyền giúp cha mẹ học sinh lớp 3 hiểu thêm về những yêu cầu, mục đích, đòi hỏi của CT GDPT mới. Từ hiểu đúng phụ huynh sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ với nhà trường, giáo viên trong việc hỗ trợ giáo dục.

Từ thực tế triển khai CT GDPT mới đối với lớp 1 và lớp 2, Trường Tiểu học Ninh Mỹ đang tích cực đúc rút, sơ kết lại những vấn đề làm được, hợp lý… để tiếp tục vận dụng triển khai lớp 3. Vấn đề nào chưa tốt sẽ rút kinh nghiệm và tìm phương án điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng như lãnh đạo các trường THCS khác đang tích cực chuẩn bị việc triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 7, cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ niềm tin sẽ thành công bởi hiện tại nhà trường đã hội tụ được cơ bản những tiền đề quan trọng.

Cụ thể: Đội ngũ giáo viên dạy học lớp 7 được học hỏi, rút kinh nghiệm từ năm học trước khi triển khai lớp 6; Công tác tuyên truyền đến phụ huynh và xã hội đang tiếp tục đẩy mạnh và tạo được niềm tin, sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực của người dân.

Học sinh học theo CT GDPT 2018 từ lớp 1 sẽ tiếp cận kiến thức liền mạch CT, SGK mới khi vào lớp 3. Ảnh: Đức Trí
Học sinh học theo CT GDPT 2018 từ lớp 1 sẽ tiếp cận kiến thức liền mạch CT, SGK mới khi vào lớp 3. Ảnh: Đức Trí

Tự tin bước tiếp

Trên phương diện người tổ chức dạy học, cô Nguyễn Thanh Loan, khối trưởng khối 3 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bày tỏ niềm tin vào thành công khi thực hiện Chương trình, SGK lớp 3 mới.

Có được sự tự tin ấy, bởi qua theo dõi các bộ SGK lớp 1, lớp 2 mới, cô Loan nhận thấy mạch kiến thức có sự sắp xếp lại nhưng không quá nhiều; phần kiến thức nối tiếp từ lớp dưới lên lớp trên khá phù hợp.

Hơn nữa, khi giáo viên được nghiên cứu và tập huấn cùng giáo viên lớp 2 sẽ có thời gian dài để nghiên cứu, học hỏi… giúp cho việc tiếp cận và triển khai SGK lớp 3 mới không gặp khó khăn. Với những bộ sách, giáo viên chưa hiểu hết ý đồ của tác giả thì quá trình dạy sẽ “vỡ” dần và tự rút ra kinh nghiệm triển khai sao cho hiệu quả nhất.

Tại Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng), cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng cũng cho biết ngoài chuẩn bị tâm thế cho đội ngũ giáo viên dạy học các môn chính, lời giải cho “bài toán” thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học đã được nhà trường tìm thấy đáp án.

Với 2 giáo viên Tiếng Anh có sẵn, nhà trường tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện để giáo viên gắn bó trường lớp. Với giáo viên Tin học, trường linh hoạt cử một số giáo viên bộ môn còn dư dôi hoặc giáo viên trẻ có khả năng tin học tốt đi học thêm văn bằng 2 để đảm trách nhiệm vụ. Thậm chí, trường cũng có thể tận dụng giáo viên thỉnh giảng từ khối THCS cùng địa bàn để tăng cường giáo viên Tin học khi cần.

“Thời điểm này, việc chuẩn bị giáo viên dạy học lớp 3 theo CT GDPT 2018 không khó khăn vướng mắc. Về cơ bản toàn trường đã sẵn sàng bước sang năm thứ 3 đổi mới chương trình, SGK một cách tự tin…”, cô Phượng khẳng định.

Dù trải qua hơn nửa học kỳ triển khai CT, SGK mới ở lớp 6 nhưng các trường THCS đã rút ra nhiều kinh nghiệm khi triển khai lớp 7 theo CT GDPT mới. Ảnh: Đức Trí
Dù trải qua hơn nửa học kỳ triển khai CT, SGK mới ở lớp 6 nhưng các trường THCS đã rút ra nhiều kinh nghiệm khi triển khai lớp 7 theo CT GDPT mới. Ảnh: Đức Trí

Thuận lợi nhưng không chủ quan

Không chỉ các nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên… tràn đầy niềm tin thực hiện thành công CT GDPT mới mà lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương, chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra nhiều yếu tố để việc đổi mới chương trình, SGK thời gian tới về đích.

Ông Phan Thành Công, Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình đặt niềm tin ngành GD-ĐT Ninh Bình sẽ triển khai CT GDPT mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022 - 2023 thành công bởi cũng như các địa phương khác, ngành đã có được những tiền đề quan trọng.

Trước hết, đó là kinh nghiệm được rút ra trong suốt quá trình triển khai CT GDPT mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với những kết quả khả quan. Cùng đó, tâm thế nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành, xã hội và phụ huynh học sinh trong việc đổi mới giáo dục đã thông suốt. Từ đó có sự bắt nhịp hiệu quả, ủng hộ, đồng hành mật thiết với ngành Giáo dục.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng… đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho triển khai CT GDPT mới cũng được ngành thực hiện kỹ càng, cẩn trọng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu. Giáo viên sau bồi dưỡng, tập huấn nhiều vòng đã làm chủ tốt kiến thức, kỹ năng, phương pháp...

Đặc biệt, để triển khai CT GDPT mới, tỉnh Ninh Bình có sự đầu tư, nâng cấp đáng kể về cơ sở vật chất trường lớp nhằm mang tới những tiền đề quan trọng cho việc triển khai CT GDPT mới giai đoạn trước mắt và những năm học tiếp theo…

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển CT GDPT 2018; Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn sau quá trình đồng hành cùng đội ngũ giáo viên, nhà trường, ngành Giáo dục cũng lạc quan và tin tưởng đổi mới chương trình, SGK sẽ thành công.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, các nhà trường, giáo viên tự tin nhưng không nên chủ quan bởi mỗi lớp học đều có kiến thức mới, không giống nhau cùng những đòi hỏi riêng… nên triển khai lớp 1, lớp 2 và lớp 6 thành công chỉ là tiền đề hữu ích chứ không mang tính quyết định cho việc triển khai lớp 3, lớp 7 sẽ đúng hướng, về đích như mong đợi.

Yếu tố thành công vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn, sắp xếp, bối trí, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên từ khâu chuẩn bị tới triển khai. Nếu giáo viên không được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, bảo đảm chuyên môn giảng dạy theo SGK mới thì việc triển khai vẫn có thể thất bại.

Với các trường THPT bước vào triển khai CT GDPT mới lần đầu ở lớp 10, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhận định sẽ khó khăn hơn bởi đây là lớp đầu cấp và giáo viên khối THPT sẽ phải đối diện với nhiều kiến thức, yêu cầu mới từ chương trình.

Do đó, các trường cần quan tâm, tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp cận sớm với SGK. Cùng đó tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên phân tích những ưu, nhược điểm từng bộ SGK, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp và có thể nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm cho quá trình dạy học.

“Triển khai Chương trình, SGK mới nói chung không thể thiếu việc tự tìm hiểu, nghiên cứu và bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên. Thậm chí, có thể coi đây là hoạt động quan trọng, then chốt để làm nên hiệu quả, thành công từ bước đầu. Nếu giáo viên chỉ tiếp cận những nội dung tập huấn của nhà xuất bản, Bộ, sở vẫn chưa đủ để có thể đổi mới giáo dục hiệu quả. Để “ngấm” và hiểu sâu sắc, trọn vẹn nhất về Chương trình, SGK mới bắt buộc phải tự đọc, tự học và không ngừng bồi dưỡng chuyên môn…”, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định.

Triển khai CT GDPT 2018 trong những năm tiếp theo ở khối lớp tăng dần đã có được điều kiện, tiền đề thuận lợi. Song nếu chỉ “dựa” vào những tiền đề đó thì chưa đủ để đổi mới thành công, bền lâu. Bên cạnh phát huy tiềm năng, kinh nghiệm thì ngành Giáo dục địa phương vẫn cần không ngừng bổ sung nội lực, cơ sở vật chất và nâng cao trình độ đội ngũ… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.