Theo đó, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) đối với chương trình giáo dục Trung học Phổ thông.
Còn với giáo dục thường xuyên, riêng tổ hợp Khoa học Xã hội, thí sinh chỉ thi hai môn Lịch sử và Địa lý, không phải thi môn Giáo dục công dân. Mỗi môn trong tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút, thời gian nghỉ giữa các môn thi là 10 phút.
Sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, thí sinh Trần Ngọc Mai (điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3. TPHCM) cho biết, đề thi môn Địa lí không khó, có câu hỏi yêu cầu thí sinh phải suy luận, có phần nhẹ nhàng hơn và không có câu hỏi đánh đố thí sinh, có tính phân loại khá.
Nhiều giáo viên cho rằng đề môn Địa lí hay, phân hóa tốt.
Theo ThS Đỗ Thị Lan Anh - GV Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), cấu trúc đề môn Địa lí ra tương tự cấu trúc đề tham khảo của Bộ công bố ngày 31/3/2022.
ThS Đỗ Thị Lan Anh - GV Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên). |
"Đề ra hay, phân hóa đối tượng học sinh, nội dung bám sát kiến thức trọng tâm và chuẩn kiến thức kĩ năng môn Địa lí lớp 12. Kiến thức bài học đúng theo tinh thần công văn 4040 của Bộ GD&ĐT..." - ThS Đỗ Thị Lan Anh chia sẻ.
Về phạm vi kiến thức, đề thi có 40 câu trắc nghiệm, 38 câu thuộc khối kiến thức Địa lí 12 và 2 câu kỹ năng thuộc kiến thức lớp 11 (bài 11);
- Kiến thức Địa lí có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên (4 câu), Địa lí dân cư (2 câu), Địa lí các ngành kinh tế (7 câu), Địa lí vùng kinh tế (7câu), biển đảo ( 1 câu)
- Kĩ năng Địa lí có 19 câu trong đó: 15 câu Atlat, 2 câu bảng số liệu và 2 câu biểu đồ.
Về độ khó và sự phân bổ kiến thức, câu hỏi được sắp xếp với mức độ khó tăng dần, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học: 75% cơ bản (nhận biết, thông hiểu) và 25% (vận dụng và vận dụng cao).
- Phần nâng cao tập trung vào 2 chuyên đề Địa lí tự nhiên và Địa lí các vùng kinh tế, từ câu số 71 trở đi, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động.
“Thí sinh muốn đạt điểm tối đa phải nắm chắc kiến thức, thành thạo kĩ năng Địa lí mới chọn ra được câu trả lời chính xác nhất, đặc biệt với các câu vận dụng cao” - ThS Đỗ Thị Lan Anh nhận định.
TPHCM: Hơn 85 ngàn thí sinh dự thi
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 của TPHCM, TPHCM có 158 điểm thi. Trong đó 71 điểm thi có thí sinh tự do, 87 điểm thi không có thí sinh tự do. Công tác giao đề thi và nhận bài thi được diễn ra hàng ngày để đảm bảo công tác an toàn cho kỳ thi. Mỗi quận, huyện bố trí 3 điểm thi dự phòng và mỗi điểm thi có 3 phòng thi dự phòng.
Toàn TP có 85.088 thí sinh, trong đó có 75.877 thí sinh THPT, 7.833 thí sinh giáo dục thường xuyên, 3.328 thí sinh tự do. Trong đó, có 76 thí sinh được miễn thi tất cả các bài thi và xét tốt nghiệp THPT. Các trường hợp được miễn thi là những em đang nằm trong đội tuyển thi quốc tế của Bộ GD&ĐT và các em là vận động viên trong thời gian đang tham gia các kỳ thi quốc tế.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức được huy động tham gia kỳ thi là 13.656 người. Trong đó, cán bộ coi thi là 10.654 người, số cán bộ tham gia ban chấm thi tự luận là 405 người. Phương án thực hiện chấm kiểm tra bài thi tự luận là chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được cán bộ chấm thi xong lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi và theo chỉ đạo của trưởng ban chấm thi tự luận.
Riêng đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, tổng số cán bộ tham gia ban chấm thi trắc nghiệm là 92 người. Sở GD&ĐT phối hợp với Công an TPHCM và các sở, ngành liên quan bảo đảm tính bảo mật, an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi từ khâu ra đề thi, in sao đề thi, bảo vệ các điểm thi, điểm in sao đề thi và điểm chấm thi.
Về phương án phòng, chống dịch Covid-19, các điểm thi đều thực hiện khử khuẩn trước ngày thi một ngày và sau khi thi, tổ chức vệ sinh môi trường đối với khu vực hành lang, sân trường, nhà vệ sinh... sau mỗi buổi thi. Riêng đối với các phòng thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, diện F0 phải được tổ chức vệ sinh khử khuẩn ngay sau mỗi buổi thi.
Trưởng các điểm thi xây dựng phương án và hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng việc phân cổng đón đưa theo nhóm phòng thi; đo thân nhiệt theo nhóm phòng thi; rửa tay sát khuẩn thường xuyên; cử thành viên hướng dẫn thí sinh lên thẳng phòng thi; không cho tụ tập, trao đổi trước và sau khi thi; giám sát sức khỏe của từng cán bộ, nhân viên và thí sinh trước khi vào điểm thi.
Về công tác chuẩn bị, tại 158 điểm thi đều bố trí 3 phòng dự phòng dành cho việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, để các thí sinh bị nhiễm Covid-19 thi tại các phòng này.