Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn có thể chung sống vui vẻ, hòa thuận với những anh chồng “trẻ con to xác”.
1. Đừng cư xử như mẹ anh ấy
Khi chồng bạn phản ứng lại với bạn như một đứa trẻ, bạn cũng nên xem xét lại cách cư xử của bản thân. Chẳng anh chồng nào thích bị vợ chỉ bảo từng li từng tí hay cứ kè kè bên cạnh để giám sát xem dọn nhà có sạch không, rửa bát có cẩn thận không,... làm anh ấy bực mình khi nghĩ bạn coi anh ấy như con trai vậy. Và đương nhiên, anh ấy rất có thể cáu gắt, hoặc nói dối lấp liếm để duy trì hòa bình.
2. Nhắc nhở anh ấy nên làm một người cha gương mẫu
Một người đàn ông tính cách trẻ con thường hiếu thắng và cũng thích sĩ diện. Vì vậy, khi anh ấy có những hành động không đúng, hãy nhắc nhở anh ấy nên làm một tấm gương tốt cho con cái. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý đến cách nói của mình với chồng. Đừng bao giờ bực bội, cáu gắt, cằn nhằn với anh ấy hay lên án anh ấy trước mặt người khác. Điều này sẽ làm anh ấy cảm thấy xấu hổ và càng có những phản ứng tiêu cực để chống đối lại bạn.
Bạn nên nhẹ nhàng nhắc nhỏ với chồng rằng hành động của anh ấy có thể làm phá hoại hình ảnh người bố mẫu mực trong mắt các con. Nhớ rằng phải thật tế nhị, không dài dòng và chỉ mỗi ngày một ít. Dần dần, trong tiềm thức của anh ấy sẽ hình thành một thói quen sống mẫu mực để làm gương cho các con và anh ấy sẽ sống có trách nhiệm với bản thân hơn.
3. Độ lượng với anh ấy trong giới hạn
Tính cách con người không thể thay đổi một sớm một chiều, vì thế bạn không thể ngay lập tức “cải tạo” được anh chồng lười biếng, vô tâm, thiếu trách nhiệm và hay giận dỗi thành một người chồng đảm đang, chín chắn được. Do đó, hãy học cách “mắt nhắm mắt mở” với sự lười biếng của anh ấy và khoan dung cho sự vô tâm của anh ấy nếu những thói xấu này không quá nghiêm trọng.
Nếu anh ấy thi thoảng giận dỗi, muốn được bạn dỗ dành, hãy vui vẻ nói mấy câu ngọt ngào với anh ấy. Như vậy sẽ giúp bạn trở thành người vợ tuyệt vời, biết thấu hiểu và cảm thông trong mắt chồng. Chồng bạn sẽ càng thêm yêu quý, tôn trọng bạn và sẽ có những thay đổi tích cực để hoàn thiện bản thân cho “xứng đôi” với bạn.
4. Đặt ra quy định trong gia đình
Bạn có thể khoan dung, độ lượng trong giới hạn chịu đựng, nhưng nếu chồng bạn phó mặc hết mọi chuyện cho bạn và coi bạn thực sự như mẹ anh ấy thì bạn cần phải “thiết quân luật”. Bạn nên đặt ra những giới hạn cho chồng, như mỗi tháng phải đóng góp bao nhiêu tiền và phải đỡ đần vợ những công việc gì trong gia đình. Chỉ cần anh ấy làm đúng như quy định, anh ấy có thể tự do làm những gì anh ấy thích như chơi game, hay xem bóng đá, tụ tập bạn bè,... Còn nếu anh ấy không thực hiện được như những gì đã đề ra, tùy theo mức độ “vi phạm” nặng hay nhẹ mà bạn nên lựa chọn bỏ qua hay “trừng phạt thích đáng”.
Chú ý là, giới hạn mà bạn đề ra cho anh ấy phải hợp lý. Đừng đưa ra những yêu cầu quá đáng hay thậm chí là “không tưởng” với chồng, điều đó chỉ khiến anh ấy chán nản và tỏ thái độ bất hợp tác với bạn. Một lưu ý nữa là nên “thưởng phạt phân minh”. Nếu anh ấy thực sự làm đúng thỏa thuận của hai vợ chồng, bạn cũng đừng “được voi đòi tiên” yêu cầu ngày càng cao; và bạn phải tuân thủ đúng quy định, không can thiệp vào tự do của anh ấy. Còn nếu anh ấy vi phạm nặng, nên có những biện pháp cứng rắn để cho anh ấy thấy bạn hoàn toàn nghiêm túc trong việc chấp hành quy định này.
(Quan điểm trong bài viết là quan điểm của tác giả, bạn nên áp dụng linh hoạt và có chọn lọc trong từng trường hợp cụ thể. Chúc gia đình bạn hạnh phúc!)