Cách phát hiện và xử trí trầm cảm sau sinh

Đối với hầu hết phụ nữ, sinh con là một trải nghiệm tích cực, sự ra đời của một đứa trẻ được chào đón với niềm hân hoan và sung sướng.

Người chồng có vai trò rất quan trọng trong phòng tránh trầm cảm sau sinh. (ảnh minh họa)
Người chồng có vai trò rất quan trọng trong phòng tránh trầm cảm sau sinh. (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sinh con được xem như là một cuộc vượt cạn gian nan, một gánh nặng đối với người phụ nữ gây ra nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Một trong những biến đổi liên quan đến sức khỏe tâm thần là trầm cảm sau sinh.

Tại sao nhiều bà mẹ gặp phải tình trạng trầm cảm sau sinh (TCSS)?

TCSS không chỉ có một nguyên nhân riêng lẻ để giải thích việc phát sinh bệnh mà là sự kết hợp của 3 yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội.

Về sinh học: Sự thay đổi về lượng hormon sau khi sinh bao gồm: estrogen, progesteron, prolactin tác nhân có thể gây ra những rối loạn tâm thần ở sản phụ; Giảm thể tích máu, thay đổi sự chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến sự mệt mỏi, thay đổi cảm xúc; Yếu tố sản khoa: sinh sớm, sinh khó phải can thiệp, tai biến sản khoa…; Làm việc quá sức với vai trò trách nhiệm của người mẹ để đáp ứng nhu cầu ăn ngủ của bé dẫn đến rối loạn nhịp sinh học.

Yếu tố tâm lý: Tâm trạng phiền muộn, lo âu trước, trong thai kỳ; Mang thai ngoài ý muốn; Hôn nhân không hạnh phúc, ly dị, ly thân; Tiền sử trầm cảm trước, trong thai kỳ; Nhân cách mẹ quá nhạy cảm.

Yếu tố liên quan gia đình, xã hội: Mất việc làm, di chuyển chỗ ở; Kinh tế khó khăn; Thiếu sự hỗ trợ của chồng và gia đình; Đứa trẻ quấy khóc nhiều; Giới tính của đứa trẻ.

Biểu hiện để xác định các sản phụ TCSS?

Có 3 loại rối loạn:

Cảm giác buồn: đây là trạng thái cảm xúc xuất hiện sớm ngay trong tuần đầu, người mẹ buồn rầu, mệt mỏi, muốn khóc, khó ngủ, lo lắng cáu kỉnh, diễn ra trong thời gian ngắn khoảng trên dưới 1 tuần, sau đó tự cân bằng và mất.

Trầm cảm nhẹ và trung bình: khởi phát muộn hơn, sau sinh vài tuần và kéo dài bao gồm các dấu hiệu: khí sắc trầm buồn, bi quan, chán nản, mất quan tâm thích thú (kể cả việc chăm sóc con).

Rối loạn giấc ngủ, hay khóc, chán ăn hoặc ăn nhiều, cảm thấy thất bại, tuyệt vọng đôi khi hoảng sợ, sợ ở một mình, sợ mất con, sợ không đủ năng lực để nuôi con, thu mình, ngại giao tiếp xã hội.

Nặng hơn là thấy mình xấu xí, sợ chồng ruồng bỏ, có ý tưởng hành vi tự sát, thậm chí có ý định làm tổn thương con mình. Tôi đã gặp một số ít bệnh nhân như vậy tại phòng khám của chúng tôi. Gia đình phải cách ly với đứa bé.

Trầm cảm nặng có loạn thần: đây là loại nặng nề nhất có thể có lú lẫn, mê sảng, xuất hiện nhiều hoang tưởng ảo giác. Bà mẹ mất tiếp xúc với thực tại, rất ít gặp.

Ảnh hưởng của TCSS ở mẹ tới đứa con

Ảnh hưởng đến sự tương tác mẹ con. Các giác quan của đứa trẻ ngay từ 3 tháng tuổi, thậm chí sớm hơn đã bắt đầu thể hiện, đây là giai đoạn khởi đầu sự phát triển kỹ năng giao tiếp ở đứa trẻ. Các bà mẹ TCSS thường biểu hiện cảm xúc nghèo nàn, thiếu mặn mà gắn bó, đôi khi khó chịu với đứa con của mình.

Thiếu sự tương tác của người mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, kỹ năng giao tiếp, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, đứa trẻ kém linh hoạt.

Những hiệu quả này có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lâu dài lên sự phát triển về tâm lý, nhân cách và trí tuệ trẻ sau này. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ của bà mẹ TCSS có nguy cơ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng cao gấp 1,5 lần trẻ khác.

Nguy hiểm hơn, một số bà mẹ TCSS thường cảm thấy sợ khi ở với con một mình, cảm thấy không có khả năng chăm sóc con, lo sợ cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo và từ đó xuất hiện ý nghĩ tự sát và hủy hoại con mình.

Làm gì để điều trị TCSS?

Những trường hợp nhẹ và vừa điều trị bằng tâm lý, tạo môi trường hòa thuận, ấm áp, an toàn cho sản phụ, cần giúp bà mẹ chăm sóc em bé ngày và đêm trong tháng đầu.

Hãy nói để họ thấy rằng bản năng chăm sóc con nhỏ đã có sẵn ở mỗi người mẹ, nhất là các bà mẹ mới sinh con đầu lòng để giảm bớt tâm lý căng thẳng cho bà mẹ, tạo cơ hội thuận lợi tối đa để bà mẹ được nghỉ ngơi lấy lại sự cân bằng về thể chất và tâm thần.

Mức độ trung bình TCSS: Tư vấn cho người mẹ và gia đình hiểu đây là trầm cảm của rối loạn cảm xúc thường gặp ở bà mẹ sau sinh, điều trị được và không gây hại lâu dài đến người mẹ và đứa trẻ; Yêu cầu chồng và người thân giúp đỡ bà mẹ chăm sóc đứa trẻ ngày và đêm; Trò chuyện với người mẹ thường xuyên để họ bớt căng thẳng, lo lắng, buồn phiền; Hướng dẫn mẹ bài tập thở khi căng thẳng (2 lần/ngày, mỗi lần 10 phút); Đảm bảo người mẹ được nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ.

Trường hợp nặng, cần sử dụng thuốc, thuốc phải được cân nhắc thận trọng bởi BS chuyên khoa tâm thần chỉ định. Tuyệt đối không được tự động mua thuốc uống như vậy rất nguy hiểm vì tất cả các thuốc điều trị trầm cảm đều được thải trừ một phần qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến con. Ở những nơi không có bác sĩ tâm thần, cần được tư vấn qua điện thoại để được giúp đỡ.

Cách phòng tránh: Tạo tâm lý thoải mái trong thai kỳ; Người mẹ cần được cung cấp thông tin về chăm sóc thai sản và chăm sóc trẻ sau sinh tại các trung tâm; Khám thai định kỳ đều đặn; Tâm sự với bạn bè, người thân để học hỏi kinh nghiệm; Chuẩn bị tốt mọi điều kiện, phương tiện để đón em bé ra đời; Ăn, ngủ, nghỉ ngơi hợp lý.

Về phía gia đình: Cần quan tâm chăm sóc toàn diện về thể chất và tâm lý, tránh gây sức ép cho người mẹ, tránh tình trạng quá quan tâm đến chăm sóc trẻ và lơi là việc chăm sóc mẹ khiến họ thấy tủi thân, thấy mình cô đơn, bị bỏ rơi, buồn chán và dễ lâm vào tình trạng trầm cảm.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.