Cách nhận biết những hành động bắt nạt con trẻ

GD&TĐ - Bắt nạt có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: Có thể là thể xác (xô đẩy hoặc đánh), lời nói (đe dọa), hoặc tâm lý và tình cảm (tung tin đồn...).

Trẻ bị bắt nạt thường không muốn tới trường.
Trẻ bị bắt nạt thường không muốn tới trường.

Trong thời đại mà việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ngày càng phổ biến, hành vi bắt nạt trẻ em có thể xảy ra ngoài giờ học qua email, tin nhắn hoặc các bài đăng trên Instagram. Những hình thức này được gọi là bắt nạt trên mạng và có thể gây tổn thương đặc biệt tới trẻ.

Do đó, bước đầu tiên để cha mẹ đối phó với những kẻ bắt nạt là nhận biết nếu trẻ trở thành nạn nhân.

Cách nhận biết

Tiến sĩ Steven Pastyrnak - Trưởng bộ phận Tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng Helen DeVos (Mỹ) - cho biết: “Các triệu chứng điển hình khi trẻ bị bắt nạt bao gồm những phàn nàn về thể chất như đau bụng, lo lắng và sợ hãi. Ngoài ra, trẻ bị bắt nạt thường không muốn đi học. Cách tự vệ thông thường là tránh hoặc rút lui khỏi những thứ đang khiến trẻ căng thẳng”.

Bà Lauren Hyman Kaplan, cố vấn học đường và là chuyên gia về giáo dục tình cảm - xã hội, phòng chống bắt nạt, cho rằng, cha mẹ cần tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một phương pháp có thể hữu ích là phụ huynh đặt câu hỏi và để trẻ nói về các mối quan hệ xã hội của con. Ví dụ, phụ huynh cần tìm hiểu xem trẻ đang kết thân với những người bạn nào hoặc không thích ai.

Tiến sĩ Pastyrnak cho rằng, quá trình giao tiếp này nên bắt đầu từ trước khi trẻ gặp vấn đề về bắt nạt. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ có vấn đề hoặc trẻ biểu hiện bất thường, cha mẹ cần hỏi để biết thêm chi tiết. Khi trẻ lớn hơn, chúng có nhận thức đáng kể về các mối quan hệ. Vì vậy, phụ huynh có thể thẳng thắn hơn với các câu hỏi của mình.

Khi trẻ nói chuyện, cha mẹ cần lắng nghe và kiểm soát cảm xúc cá nhân. Theo các chuyên gia, khi đã xác định được con mình đang bị bắt nạt, phụ huynh hãy áp dụng những biện pháp dưới đây để đối phó với tình trạng đó:

Lập kế hoạch

Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp con hiểu rằng, việc bị bắt nạt không bao giờ là lỗi của trẻ. Bắt nạt là lỗi của kẻ thực hiện hành vi, chứ không phải nạn nhân. Việc ngăn chặn hành vi bắt nạt có thể hữu ích nếu cha mẹ lập kế hoạch để giải quyết vấn đề.

Tạo danh sách các câu trả lời

Cha mẹ hãy đưa ra các cụm từ để trẻ có thể sử dụng khi muốn ai đó ngừng hành vi bắt nạt. Những cụm từ đó nên đơn giản và trực tiếp, nhưng không gay gắt: “Hãy để tôi yên”; “Rút lui đi”; “Hành động đó không tốt”...

Trẻ cũng có thể thử nói: “Ừ, sao cũng được”, rồi bỏ đi. Bà Michele Borba - tác giả của cuốn sách về các giải pháp nuôi dạy con - cho biết: “Điều quan trọng là sự phản kháng không nên là hành động hạ bệ. Bởi, điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng bắt nạt”.

Cha mẹ cần giúp trẻ tăng sự tự tin để đối phó với kẻ bắt nạt.

Cha mẹ cần giúp trẻ tăng sự tự tin để đối phó với kẻ bắt nạt.

Nhập vai “điều gì xảy ra nếu”

Nhập vai là một cách tuyệt vời để xây dựng sự tự tin và trao quyền cho trẻ đối phó với những thử thách. Cha mẹ có thể nhập vai kẻ bắt nạt, trong khi trẻ thực hành các phản ứng khác nhau cho đến khi chúng cảm thấy tự tin để xử lý rắc rối. Khi nhập vai, cha mẹ hãy dạy trẻ nói với giọng mạnh mẽ và chắc chắn.

Khuyến khích ngôn ngữ cơ thể

Đến 3 tuổi, trẻ đã sẵn sàng học các thủ thuật có thể giúp chúng cảm thấy được trao quyền hơn trong những tình huống khó khăn, kể cả khi phải đối mặt với hành vi bắt nạt. Bà Borba chia sẻ: “Hãy dạy con tập nhìn vào mắt của bạn bè và làm điều tương tự khi nói chuyện với một kẻ bắt nạt”. Điều đó sẽ khiến trẻ ngẩng cao đầu và tự tin hơn.

Điều đó không có nghĩa là sự tự tin sẽ ngăn chặn kẻ bắt nạt. Tuy nhiên, sự tự tin có thể giúp trẻ cảm thấy được trao quyền nhiều hơn trong một tình huống thử thách.

Ngoài ra, cha mẹ hãy cùng trẻ làm những khuôn mặt buồn bã, dũng cảm và vui vẻ. Phụ huynh hãy khuyến khích con chuyển sang khuôn mặt “dũng cảm” nếu bị làm phiền. “Trông bạn như thế nào khi gặp kẻ bắt nạt quan trọng hơn những gì bạn nói”, Tiến sĩ Borba chia sẻ.

Trao đổi cởi mở

Hãy chia sẻ với trẻ hằng ngày về mọi thứ đang diễn ra ở trường. Sử dụng giọng điệu bình tĩnh, thân thiện và tạo ra một bầu không khí vui vẻ để trẻ không sợ khi nói với cha mẹ về những điều không ổn. Nhấn mạnh rằng, sự an toàn và hạnh phúc của trẻ là quan trọng. Vì vậy, trẻ cần nói chuyện với người lớn về bất kỳ vấn đề nào, ngay cả những chuyện mà con nghĩ là “nhỏ”.

Xây dựng sự tự tin

Khuyến khích các sở thích, hoạt động ngoại khóa và xã hội mang lại điều tốt nhất cho trẻ. Cha mẹ hãy nói cho trẻ biết những phẩm chất độc đáo mà phụ huynh yêu thích ở con. Đồng thời, củng cố những hành vi tích cực ở trẻ.

“Là cha mẹ, chúng ta có xu hướng tập trung vào các tình huống tiêu cực. Tuy nhiên, trẻ em thực sự lắng nghe tốt hơn khi các hành vi tích cực của chúng được khuyến khích. Việc tôn vinh những điểm mạnh của trẻ và khuyến khích sự kết nối lành mạnh với người khác có thể tăng sự tự tin lâu dài của trẻ và ngăn ngừa mọi tình huống bắt nạt tiềm ẩn”, Tiến sĩ Pastyrnak nhận định.

Khen ngợi sự tiến bộ

Khi trẻ chia sẻ về cách ứng phó với kẻ bắt nạt, phụ huynh hãy thể hiện sự tự hào về con. Nếu chứng kiến một đứa trẻ khác đứng lên chống lại kẻ bắt nạt trong công viên, cha mẹ hãy chỉ ra điều đó cho con để chúng có thể hành động tương tự.

Trên hết, hãy nhấn mạnh ý kiến rằng: Nếu tỏ ra rằng mình không thể bị làm phiền, kẻ bắt nạt thường sẽ dừng lại.

Hãy hành động để ngừng bắt nạt

Việc giúp trẻ đối phó với kẻ bắt nạt là tùy thuộc vào cha mẹ. Cha mẹ cần giúp trẻ học cách đưa ra những lựa chọn thông minh và hành động khi cảm thấy bị tổn thương. Hoặc, trẻ cũng cần lên tiếng khi nhìn thấy một đứa trẻ khác bị bắt nạt, thậm chí là sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.