Nếu bạn cảm thấy con đang bị bắt nạt trên mạng xã hội, hãy theo dõi những thay đổi ở trường học, đời sống xã hội, thói quen sử dụng công nghệ cũng như cảm xúc, hành vi của con.
Dưới đây là tất cả dấu hiệu cảnh báo, bố mẹ cần lưu ý:
Đối với trường học và đời sống xã hội:
- Con bạn không chịu đến trường.
- Điểm số học tập ngày càng thấp.
- Không muốn gặp gỡ bạn bè.
- Không muốn tham gia các hoạt động thể thao, trường lớp thông thường.
- Luôn tránh các cuộc tụ họp nhóm.
Đối với thói quen sử dụng công nghệ:
- Thường xuyên buồn bã trong và sau khi sử dụng Internet.
- Dành nhiều thời gian trực tuyến hơn bình thường, hoặc không muốn sử dụng máy tính, điện thoại di động.
- Nếu thấy bố mẹ đi qua thì lập tức gập máy tính, hoặc thoát các trình duyệt web đang mở.
Đối với cảm xúc và hành vi:
- Con thường xuyên ủ rũ, buồn bã.
- Có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi như hay đi ngủ muộn, mất ngủ, hay thèm ăn.
- Hay tức giận khi ở nhà.
- Luôn cảm thấy ốm yếu, đau đầu hoặc đau dạ dày thường xuyên. Đây là các dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Ngay sau khi phát hiện con bị bắt nạt trên mạng xã hội, bố mẹ cần giải quyết theo năm cách sau:
Chặn hoặc xóa số liên lạc, tài khoản mạng của kẻ bắt nạt
Nếu có kẻ đang đăng bài hoặc tải lên nội dung xúc phạm con bạn thì hãy chặn hoặc xóa tài khoản kẻ đó khỏi danh sách bạn bè của con.
Trường hợp việc bắt nạt trực tuyến xảy ra qua tin nhắn văn bản hoặc qua cuộc gọi điện thoại thì bố mẹ có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ viễn thông giám sát cuộc gọi hoặc tin nhắn.
Nếu cần thiết, nhà cung cấp dịch vụ có thể liên hệ với chủ số điện thoại vì việc quấy rối, bắt nạt qua cuộc gọi, tin nhắn là vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông. Bố mẹ có thể chủ động đổi số điện thoại cho con.
Hãy lưu giữ tất cả bằng chứng bắt nạt
Bố mẹ hãy lưu và in ra bất kỳ tin nhắn, bài đăng nào xúc phạm, nhục mạ con bạn trên mạng xã hội. Nếu là gọi điện thoại, bố mẹ có thể ghi âm lại cuộc gọi. Việc này đảm bảo bạn có đủ bằng chứng để đối chất cũng như xử lý kẻ bắt nạt về mặt pháp lý.
Khuyến khích con tâm sự với mọi người
Khi bị bắt nạt, trẻ thường giữ kín trong lòng và hiếm khi tâm sự với bố mẹ hay bạn bè, thầy cô giáo vì cảm thấy xấu hổ. Và khi cảm xúc tích tụ lâu ngày, con dễ bị trầm cảm, tổn thương tâm lý nặng nề.
Để ngăn điều này, bố mẹ hãy nói chuyện nhẹ nhàng, hỏi về những điều khiến con buồn. Nếu lần đầu con chưa mở lòng, bố mẹ đừng vội nản chí mà tiếp tục trò chuyện, thể hiện sự quan tâm.
Dần dần, con sẽ sẵn sàng kể cho bố mẹ những trải nghiệm tồi tệ của bản thân. Những câu nói như: "Dù có chuyện gì xảy ra, bố mẹ luôn ở bên cạnh con", hay "Con không hề giống những lời họ nói" sẽ giúp ích rất nhiều cho con bạn.
Trong suốt quá trình nói chuyện, bố mẹ nên lắng nghe con trước, đừng vội nhảy vào vấn đề quá nhanh và nôn nóng đưa ra những ý kiến của mình.
Báo cáo các hành vi bắt nạt trên mạng xã hội
Nếu có một tài khoản hoặc một trang mạng xã hội đăng nội dung chế nhạo, xúc phạm danh dự con, bạn hãy lập tức bấm vào phần báo cáo nội dung và yêu cầu xóa bài đăng mang tính thù hằn, gây khó chịu.
Nếu nội dung này không bị xóa trong 48 giờ, bố mẹ hãy thông báo cho các cơ quan chức năng và nhờ sự can thiệp của pháp luật.
Bố mẹ cần hướng dẫn con cố gắng giữ bình tĩnh, không trả đũa hoặc phản ứng gay gắt với cộng đồng. Trên thực tế, việc tham gia vào cuộc chiến trên mạng xã hội, nhất là trong tình trạng một mình một chiến tuyến chỉ khiến cho tình trạng bắt nạt tồi tệ hơn.
Xóa tin nhắn bắt nạt
Sau khi đã lưu lại bằng chứng bắt nạt, bố mẹ hãy xóa tin nhắn trong máy con, hay báo cáo xóa các bài đăng nhục mạ đi. Đừng chuyển tiếp hay đăng lại các bài đăng, gửi tin nhắn đó cho người khác bằng bất bất kỳ cách nào.
Vì rất có thể, họ cũng lại chuyển những tin nhắn, bài đăng đó cho người khác, điều này khiến nội dụng nhục mạ, chế giễu con bạn bùng nổ thêm lần nữa trên mạng xã hội.
Bố mẹ cũng nên hạn chế thời gian sử dụng Internet hoặc điện thoại di động của con để giảm thiểu các vấn đề tiêu cực.