Khi con trẻ bị bắt nạt ở trường

GD&TĐ -  HS xích mích nhau lâu ngày giáo viên và phụ huynh không biết, hay khi biết con bị bắt nạt có những bậc cha mẹ lại “đổ thêm dầu vào lửa”… cách xử lý tình huống không phù hợp của người lớn, hay việc phụ huynh và giáo viên không hay biết gì về chuyện trẻ bị bắt nạt ở trường, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng không đáng có.  

Khi con trẻ bị bắt nạt ở trường

Xử lý tình huống kịp thời

Chị N.N.Phương (Minh Khai, Hà Nội) kể về tình huống cháu trai của chị bị bạo lực học đường suốt nhiều ngày mà gia đình không hay biết. “Vốn hiền lành và trầm tính từ nhỏ, thằng bé học từ tiểu học đến THCS đều được giáo viên khen rất ngoan, hoà đồng với bạn bè” - Chị Phương kể - “Hồi tiểu học thi thoảng bị bạn nam tinh nghịch trong lớp bắt nạt, nhưng trẻ nhỏ rồi cũng làm lành nhau ngay, gia đình không mấy lo lắng. Nhưng lên lớp 7, một thời gian khá dài thỉnh thoảng gia đình thấy cháu có vết xước ở cổ và chân tay, có hỏi tại sao bị thế, cháu nói va vào đâu đó, hoặc lúc ngủ trưa bán trú ở trường bị ngứa gãi mạnh nên xước...

Bẵng đi nhiều ngày, một hôm đi học về mặt mũi cháu sưng húp, vào phòng riêng đóng cửa lại, ai gọi mở cửa cũng không mở. Bố cháu phải lấy chìa khoá mở cửa phòng để xem có chuyện gì. Thấy cháu khóc sưng hết mắt, khắp người nhiều vết thâm tím và vết xước, sau này còn biết niềng răng cũng bị xô lệch...". Gia đình chị Phương hỏi gặng cháu mãi mới biết cháu đánh nhau ở trường, một bạn to lớn nhất nhì lớp vốn thường xuyên vô cớ bắt nạt các bạn đã bắt nạt cháu nhiều ngày. Đến lúc không chịu đựng được cháu đã phản ứng, đánh nhau với bạn mặc dù nhỏ hơn và bị bạn đánh đau.

"Bố của cháu thấy con bị bắt nạt ở trường thì bực lắm. Nói rằng ngay hôm sau sẽ đến xử lý trực tiếp cậu HS chuyên bắt nạt bạn. Nhưng chị tôi thì bình tĩnh hơn, chị gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm của con. Cô giáo chủ nhiệm không biết chuyện, không thấy HS nào trong lớp nói gì, cũng không thấy giáo viên bộ môn nào phản ánh lớp có đánh nhau. Có lẽ sự việc xảy ra vào giờ nghỉ. Ngay hôm sau, tìm hiểu sự tình từ các học sinh trong lớp và trực tiếp là từ cháu tôi và nam sinh hay bắt nạt bạn, cô chủ nhiệm đã có ngay biện pháp mời phụ huynh của hai học sinh đến, yêu cầu HS tường trình…

Chị Phương cho biết cô giáo chủ nhiệm lớp cháu chị là người nghiêm khắc nhưng rất tâm lý, khi biết chuyện không hay xảy ra giữa các HS cô lập tức xin lỗi phụ huynh có con bị bạn bắt nạt, nhận trách nhiệm về phía cô và hứa làm sáng tỏ sự việc, xin phụ huynh cho HS bắt nạt bạn có một cơ hội được sửa chữa.

Sau khi làm cho phụ huynh “hạ hỏa” vì thương con bị bạn bắt nạt lâu ngày không ai phát hiện ra, cô chủ nhiệm cũng gặp từng HS trong sự việc để tâm sự và tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Bên cạnh phân tích cho HS hay bắt nạt các bạn nhận ra những sai trái về hành vi đánh bạn, cô giáo cũng đã dành các tiết sinh hoạt lớp để phân tích với HS cả lớp về việc có trách nhiệm ngăn chặn hành động sai trái của bạn mình, đồng thời giáo dục các HS về lòng vị tha, nhất là không nên vô cảm khi thấy bạn mình thường xuyên bị bắt nạt.

Chị Phương rút ra bài học từ góc độ phụ huynh: “Những đứa trẻ ở lứa tuổi teen, tuổi dậy thì, thường dễ xúc động, dễ bị kích động, thậm chí có những phản ứng khó lường về những tình huống bị bắt nạt ở trường, lớp. Việc mách phụ huynh hay mách GV về những tình huống như vậy thường khiến bọn trẻ ngại, sợ bị chúng bạn coi là mách lẻo, hèn nhát… Thành ra, có những chuyện xảy ra một thời gian thì GV và phụ huynh mới biết được, thậm chí có thể hoàn toàn không hay biết”.

Cũng may sự việc bắt nạt và đánh nhau như vậy được phát hiện kịp thời, GV chủ nhiệm xử lý tình huống tốt nên sau khi phân tích cho cả HS bị bắt nạt và HS chuyên đi bắt nạt bạn, cùng hai bên gia đình xin lỗi nhau, bỏ qua cho nhau, GV chủ nhiệm cũng đã dành nhiều tiết sinh hoạt lớp để tâm sự và phân tích với HS trong lớp về tình yêu thương bạn bè, lòng vị tha và sự vô cảm khi thấy bạn mình bị bắt nạt và có bạn trong lớp, trong trường hay bắt nạt bạn mà im lặng, bỏ mặc bạn.

HS chuyên bắt nạt bạn đã phải rơi nước mắt ân hận, phụ huynh của HS bắt nạt bạn cũng chuyển lời xin lỗi tới phụ huynh và HS có con bị bắt nạt. Sự việc cuối cùng được giải quyết êm thấm sau khi người lớn tham gia kịp thời và xử lý thấu đáo.

Người lớn tránh “đổ thêm dầu vào lửa”

Bên cạnh những người lớn “hiểu chuyện” như chị Phương và gia đình chị, hay cô giáo chủ nhiệm biết giải quyết sự việc thấu đáo như ở trên, cũng không hẳn tất cả các phụ huynh và GV đều xử lý tốt tình huống HS bị bắt nạt.

Anh N.Linh (Trần Nhân Tông, Hà Nội) chia sẻ không ít lần đi đón con tan học anh bắt gặp các ông bố hằm hè nhau vì con bị bạn đánh. “Trước cổng một trường tiểu học, vào giờ cao điểm, đúng giờ các phụ huynh đón con rất đông, hai ông bố vừa chửi mắng con vừa mắng xéo nhau rất lâu, rồi quay sang quát nạt thách đố nhau, lý do chỉ vì hai đứa trẻ chành chọe nhau ở trường. Một ông bố còn xúi con tiếp tục đánh bạn, nói rất ra vẻ “tao đứng đây, cho mày ra đánh nó tiếp, nó mà dám đánh mày thì tao cho mày đánh lại nó…”.

Rồi ông bố có con bị thách đố cũng kêu con ra nghênh chiến. Hai đứa trẻ hùng hổ đánh nhau ở trường, nhưng thấy hai ông bố quát tháo ầm ĩ thì lại lấm lét sợ, đứa nào đứa nấy nước mắt giàn giụa… Cả cổng trường náo loạn vì người lớn vì trẻ nhỏ mà xích mích nhau. Chẳng ai can ngăn được hai ông bố, kể cả bảo vệ của trường.

Chỉ đến khi mấy cụ già đi ngang qua xông vào nài nỉ thì hai ông bố mới dừng chửi bới quát nạt”- anh Linh thất vọng kể lại. Đúng là chỉ chuyện xích mích, bắt nạt nhau của con trẻ ở lớp, mà những ông bố thiếu bình tĩnh và không thấu đáo đã khiến sự việc trở nên xấu hơn, thậm chí trở thành hình ảnh, tấm gương xấu cho chính con mình. Và chắc hẳn, những đứa trẻ được phụ huynh khích lệ đánh bạn, trả thù bạn sẽ không nhận ra được cái sai của mình, mà chỉ thấy thêm thù ghét bạn học của mình.

Chuyện trẻ bị bắt nạt ở trường, ban đầu có thể chỉ xuất phát từ những chuyện nhỏ, những khi bọn trẻ tự ngấm ngầm hành xử với nhau, không cho người lớn biết sự việc, hoặc sự việc bị chính người lớn đẩy lên nghiêm trọng hơn, chuyện nhỏ có thể biến thành chuyện lớn.

Những phụ huynh có kinh nghiệm trong xử lý các tình huống HS bắt nạt nhau ở trường chia sẻ rằng thay vì đổ dầu vào lửa, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, khéo léo thông báo với GV chủ nhiệm và nhà trường để cùng có những biện pháp quan tâm, giáo dục phù hợp với HS, thay vì cha mẹ cũng hành xử hoặc cho con được phép hành xử kiểu trả đũa, đánh lại bạn, trả thù bạn.

“Cần để mắt đến bọn trẻ mỗi ngày, thay vì chỉ hỏi chúng hôm nay ở trường được mấy điểm”- cô L.T.Đ (GV nhiều năm làm công tác chủ nhiệm ở một trường học tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ- “GV chúng tôi cũng có con em, tất cả GV không ai đồng tình với bạo lực học đường. Tuy nhiên, ở một lớp học vài chục HS, những va chạm của HS trong giờ ra chơi, hay giờ tan học không phải GV nào cũng nắm được.

Các bậc phụ huynh mỗi ngày đón con ở trường về, cần quan tâm, quan sát con mình, nếu có biểu hiện gì bất thường về tâm lý, trên cơ thể có dấu hiệu lạ như vết xước, vết bầm tím… thì phụ huynh phải tìm hiểu để nắm được nguyên nhân.

Những đứa trẻ tuổi còn nhỏ, hay lứa tuổi dậy thì có nhiều cảm xúc và hành động bồng bột, các con có thể xích mích hay xô xát với chúng bạn chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ, đôi khi là vô cớ. Nếu nắm được hiện tượng này trong trường, trong lớp mình, bất cứ GV nào cũng phải xử lý khéo léo triệt để đến cùng.

Thay vì có những hình phạt này kia, khiến HS có thể quay ra thù oán, trả đũa bạn, mỗi GV cần xử lý tình huống HS bắt nạt nhau, đánh nhau, nên tìm hiểu ở góc độ tâm lý, phân tích cái đúng cái sai… cho HS. Để phòng ngừa những chuyện không hay, những chuyện nghiêm trọng có thể xảy ra từ những xích mích nhỏ ban đầu, mỗi GV phải tích cực trò chuyện với HS về thái độ vô cảm, về tình yêu thương bạn bè…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.