Cách nào xây dựng lớp học thân thiện, tích cực cho học sinh tiểu học?

GD&TĐ - Mô hình lớp học thân thiện, tích cực sẽ phát huy tính độc lập, sáng tạo và sự năng động, tự tin của học sinh; trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để dễ dàng thích nghi với môi trường sống và làm việc sau này.

HS đọc sách ở góc Thư viện thân thiện
HS đọc sách ở góc Thư viện thân thiện

Quá trình thực hiện

* Trang trí lớp học

Bước vào năm học mới, tôi và học sinh cùng trang trí lớp theo mô hình thân thiện, tích cực. Có đủ: Góc học tập của các môn, góc thư viện, bảng Mừng sinh nhật, Nhịp cầu bè bạn, bảng Hội đồng tự quản, bảng thi đua các nhóm… Cô trò cùng treo, dán các khẩu hiệu trong lớp có ý nghĩa quan trọng mang tính giáo dục cao, ví dụ: “Dạy tốt - học tốt”, “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, “Năm điều Bác Hồ dạy”, … Việc trang trí này luôn được thực hiện thường xuyên trong suốt năm học và theo từng chủ điểm như: Vui hội Trăng rằm, Kỷ niệm Ngày thành lập Trường, Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chào Noel… tạo sự thích thú cho học sinh.

 - Góc thư viện là kết quả đóng góp của phụ huynh, học sinh, giáo viên, có sự giúp đỡ của nhà trường và địa phương tạo điều kiện hỗ trợ cho việc học tập của các em.

- Bảng thi đua là kết quả học tập của tất cả các thành viên trong nhóm.

- Góc học tập (bảng ôn âm, vần, luật chính tả...) rèn các em có ý thức chủ động trong học tập, ôn tập kiến thức (lúc đầu giờ, giờ ra chơi)

- Hộp thư “Điều em muốn nói”: Gồm những lá thư của các thành viên trong lớp. Đây là nơi các em lưu giữ những sản phẩm do mình làm ra trong giờ thủ công, là nơi gửi những bức thư ghi những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình cho thầy cô, bạn bè.

* Lập Ban cán sự lớp

 Bắt đầu vào năm học mới, tôi tiến hành thành lập Ban cán sự lớp. Việc tạo bộ máy Ban cán sự lớp vững chắc sẽ giúp Ban cán sự lớp, nhóm trưởng, các ban... có thể điều hành tốt mọi hoạt động học tập khi vắng mặt giáo viên trong một tiết học trên lớp cũng như đối với tiết luyện tập, thực hành.

* Xây dựng môi trường học tập

Để tạo được môi trường học tập tốt cần chú ý đến nề nếp học tập và hình thức tổ chức dạy học.

Từ đầu năm học, tôi đã nêu những quy định về nề nếp học tập với các học sinh: Lớp học hoạt động, kỷ luật tích cực theo hình thức HS tự chủ, tự quản, dân chủ, thân mật và hợp tác. Việc khen thưởng hoặc trách phạt sẽ do các em tự quyết định với sự thống nhất của tập thể lớp. Thành quả của một thành viên trong nhóm là kết quả cả tập thể nhóm.

Để đạt được việc đổi mới giảng dạy này, tôi luôn đầu tư vào việc soạn giảng. Sau đó tôi lựa chọn xem ở mỗi mục tiêu bài sẽ chọn phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh lớp. Tôi dành câu hỏi dễ, bài tập dễ cho học sinh trung bình; câu hỏi khó, bài tập khó cho các em có sức học khá hơn. Việc làm này giúp ai cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong quá trình học hỏi và tiếp thu bài một cách chủ động. Trong khâu tìm hiểu để hình thành kiến thức mới, tôi luôn đề cao phần làm việc của nhóm. Khi giao việc, tôi nêu rõ ràng, cụ thể công việc trong mọi hoạt động...

Thực hiện tốt công tác chủ nhiệm

Người giáo viên làm công tác chủ nhiệm, dù ở đâu, lúc nào cũng gặp nhiều vất vả, nhất là gặp những học sinh cá biệt, những em chậm tiến thì quả là thử thách lớn. Vì vậy người giáo viên phải có “cái tâm với nghề” tính kiên trì, hiểu được tâm lí lứa tuổi ở trẻ, khéo léo trong ứng xử, đặt biệt là yêu trẻ.

Phối hợp với phụ huynh để giáo dục các em

- Gửi phiếu liên lạc của mỗi HS đến gia đình, thông báo kết quả học tập, ngày nghỉ, nhận xét cụ thể về học lực, hạnh kiểm. Tổ chức họp PHHS ít nhất mỗi năm 3 lần để trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của PHHS, thông báo những qui định, phương pháp giáo dục, mục tiêu cụ thể của nhà trường đối với HS.

- Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên thăm hỏi gia đình các em, có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Thông qua vở dặn dò, thư ngỏ, tin nhắn…, GV sẽ gửi đến phụ huynh những thông tin về giáo dục, y tế, những hoạt động, phong trào của nhà trường và nhận những trao đổi, thắc mắc hay chia sẻ của phụ huynh về những vấn đề của con em mình. Điều này giúp mỗi PHHS luôn hiểu, chia sẻ và tinh thần hợp tác, làm cầu nối giữa gia đình và nhà trường để đảm bảo toàn xã hội đều tham gia và ủng hộ giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ