Đổi mới để học sinh phát triển toàn diện

GD&TĐ - Theo cô Lê Thị Trang - giáo viên Trường tiểu học Bán trú A Long Thạnh (Thị xã Tân Châu, An Giang), xây dựng tốt các mối quan hệ, thực hiện tốt công tác phối hợp trong và ngoài nhà trường để học sinh được phát triển toàn diện.  

Cô giáo Lê Thị Trang: Xây dựng tốt các mối quan hệ, thực hiện tốt công tác phối hợp trong và ngoài nhà trường để học sinh được phát triển toàn diện.
Cô giáo Lê Thị Trang: Xây dựng tốt các mối quan hệ, thực hiện tốt công tác phối hợp trong và ngoài nhà trường để học sinh được phát triển toàn diện.

Cô Lê Thị Trang là giáo viên duy nhất đại diện cho tỉnh An Giang tham dự Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng 2017". Chuyên đề "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức học sinh tiểu học thông qua công tác chủ nhiệm lớp..." đã được Hội đồng giám khảo ghi nhận và đánh giá cao. Chúng tôi xin được lược ghi một số điểm chính trong chuyên đề của cô Lê Thị Trang.

Thầy thiết kế - trò thi công

Ngay từ đầu mỗi năm học, tôi trang bị cho mỗi học sinh một hộp thư cá nhân dán ngay tại lớp. Đây là nơi các em thách đố với nhau những kiến thức đã học, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn hoặc đóng góp ý kiến xây dựng nhau ngày càng hoàn thiện hơn.
Cô Lê Thị Trang

Theo cô Lê Thị Trang, xây dựng và phát triển tốt các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường có một ý nghĩa hết sức quan trọng; các mối quan hệ ấy tạo thành sức mạnh cộng hưởng. "Sản phẩm” của giáo dục tức là nhân cách của học sinh, là cả quá trình rèn luyện, dưỡng dục trong các môi trường nhà trường, gia đình và xã hội thông qua việc tham gia vào các mối quan hệ như:

Giáo viên – học sinh

Giáo viên – Phụ huynh

Giáo viên – Đồng nghiệp

Giáo viên – Cán bộ quản lý của trường

Giáo viên- Tổ chức đoàn thể trong trường trường

Học sinh – Học sinh

Trong đó, mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh, học sinh – học sinh là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp nhất đến quá trình giáo dục học sinh.

Theo cô Lê Thị Trang, trước đây quan hệ thầy - trò là bề trên - kẻ dưới, giảng giải - ghi nhớ. Ngày nay, quan hệ này được thay bằng quan hệ phân công - hợp tác, thầy thiết kế - trò thi công. Quan hệ cơ bản nhất của các em học sinh là hợp tác và làm việc.

"Hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Vì vậy, khi lên lớp, bản thân tôi luôn chú ý đến tác phong, ngôn ngữ, cách ăn mặc, cách cầm sách, chữ viết, thái độ,... để học trò noi theo.

Không vì bất cứ lí do gì mà bản thân tôi tự cho phép mình cẩu thả hoặc xuề xòa, qua loa trước mặt học sinh. Đặc biệt, tôi luôn giữ nguyên tắc “nói đi đôi với làm”, giữ lời hứa với học sinh và tôn trọng các em.

Khi học sinh nào làm bài chưa đúng, tôi luôn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn học sinh làm lại ngay tại lớp. Khi có học sinh mắc sai lầm, thiếu sót, học tập sa sút, tôi sẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân và tìm cách hỗ trợ nhằm giúp các em nhận ra, tự sửa chữa lỗi lầm và học tập chăm chỉ hơn" - cô Lê Thị Trang trao đổi.

Đổi mới phương pháo giáo dục để học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: minh họa/internet
Đổi mới phương pháo giáo dục để học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: minh họa/internet

Học sinh cần được yêu thương và tôn trọng

Cũng theo cô Lê Thị Trang, ai cũng cần được yêu thương và tôn trọng. Học sinh của chúng ta cũng thế. Khi giáo viên đến lớp với tâm trạng không vui, không thoải mái, có những lời nói, cử chỉ xúc phạm học sinh, các em sẽ cảm thấy bị tổn thương và áp lực.

Nếu học sinh có tâm trạng nặng nề, buồn chán khi đến lớp, sợ hãi khi gặp giáo viên, các em sẽ dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Dù những tiêu cực đó có nhiều mức độ khác nhau nhưng đó cũng là điều giáo viên phải tránh để giúp học sinh phát triển đúng với mục tiêu giáo dục.

"Hàng ngày, tôi luôn dành nhiều lời khích lệ học sinh của mình và kịp thời biểu dương những ưu điểm của các em nhiều hơn là phê bình khuyết điểm. Tôi luôn tìm ra những ưu điểm nhỏ nhất để khen ngợi, động viên các em.

Bên cạnh đó, tôi cũng không quên chỉ ra những thiếu sót để các em khắc phục và ngày càng hoàn thiện hơn" - cô Lê Thị Trang chia sẻ, đồng thời cho biết:

Khi nói chuyện, giảng bài hay những khi nghiêm khắc phê bình lỗi lầm của học sinh, cô luôn thể hiện cho các em thấy tình cảm yêu thương của một người thầy đối với học trò. "Tôi giúp các em hiểu rằng: khi chúng ta cho đi yêu thương chúng ta sẽ nhận được yêu thương nhiều hơn và được sống hạnh phúc hơn" - cô Lê Thị Trang bộc bạch.

Theo cô Lê Thị Trang, lớp học thân thiện chỉ có được khi người thầy có tấm lòng nhân hậu, bao dung, hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Có một người thầy như vậy thì chắc chắn học sinh sẽ chăm ngoan, tích cực và ham học, thích đi học.

Tuy nhiên, để “Lớp học thân thiện” thật sự phát huy hết tác dụng, chúng ta cần phải xây dựng tốt mối quan hệ, tình cảm gắn bó giữa các em học sinh với nhau. Muốn xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết, đoàn kết, gắn bó, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong học tập, người giáo viên chủ nhiệm cần chăm chỉ, nghiên cứu, tìm tòi và tổ chức các hoạt động gần gũi, sáng tạo, đòi hỏi sự hợp tác và thu hút học sinh tham gia.

Đối với các hoạt động nhóm, tôi tổ chức thi đua giữa các nhóm, gợi ý để các em hoàn thành nhiệm vụ đúng và nhanh bằng cách tự bầu ra nhóm trưởng, phân công, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau.

"Trong quá trình hoạt động nhóm, nếu có những mâu thuẫn xảy ra giữa các em học sinh, tôi luôn kịp thời can thiệp, giúp đỡ các em giải quyết mâu thuẫn, không để tình trạng đó kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến tình bạn của các em. Trong các tình huống như thế, tôi sẽ gặp gỡ, trao đổi riêng với từng học sinh để tìm hiểu nguyên nhân.

Sau đó phân tích cho các em hiểu những hành vi chưa phù hợp của bản thân làm ảnh hưởng đến người khác, giúp các em biết nhận lỗi, xin lỗi bạn và tiếp tục hợp tác cùng nhau trong không khí vui vẻ" - Cô Lê Thị Trang chia sẻ.

"Để giúp các em xây dựng một tình bạn bền, đẹp với những kỉ niệm hồn nhiên của tuổi học trò, tôi duy trì hoạt động tổ chức sinh nhật cho học sinh ngay tại lớp vào giờ ra chơi.

Những bạn có tháng sinh cùng nhau sẽ được tổ chức cùng một ngày trong tháng. Hình thức tổ chức chủ yếu là ca hát, chúc mừng và tặng cho các bạn. Quà sẽ do cả lớp và giáo viên đóng góp, chuẩn bị.

Ngoài ra, tôi còn thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các trò chơi tập thể vào đầu tiết học để tạo không khí hào hứng hoặc ngay khi thấy học sinh có biểu hiện uể oải, buồn chán, giúp các em có hứng thú học tập, được thư giãn sảng khoái tinh thần".

Cô Lê Thị Trang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ