Cách hay giúp con loại bỏ thói quen xấu

GD&TĐ - Trẻ kém tập trung ảnh hưởng lớn tới học tập, vui chơi và thậm chí cả thể chất. Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục phù hợp.

Trẻ kém tập trung thường mệt mỏi, uể oải. Ảnh minh họa.
Trẻ kém tập trung thường mệt mỏi, uể oải. Ảnh minh họa.

>>> Rèn tính tập trung cho trẻ bằng cách nào?

Dễ phá vỡ quy tắc, thiếu kiên trì

Cô Nguyễn Thị Trường, Trường THCS Bình Ba (Phú Thọ) nhận định, trẻ không tập trung khi học tập có lẽ là mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh.

Ngày nay, hiện tượng trẻ em ngồi học không tập trung, thiếu kiên trì xảy ra nhiều hơn. Theo đó, trẻ thường có biểu hiện trong giờ học là thích hoạt động chân tay, nghịch các đồ vật xung quanh, nằm bò ra bàn đồng thời nói tự do về các chủ đề không liên quan thay vì hoàn thành bài tập.

Khi được bố mẹ nhắc, có những trẻ thậm chí không biết mình đang học phần nào. Nếu trở lại bài học, trẻ vẫn không thể hoàn thành bài vì khó tập trung tư duy trước đó.

Không chỉ vậy, trẻ thiếu tập trung thường thích trêu bạn, nghịch bút, vẽ bậy ra vở. Có những khoảng thời gian trẻ ngồi yên trên ghế nhưng không nghe lời cô giáo giảng bài.

Theo cô Trường, trẻ kém tập trung còn biểu hiện trong việc lắng nghe ý kiến từ người khác. Trong mỗi câu chuyện, trẻ thường lơ đãng, ngồi im lặng hoặc chạy tự do. Trẻ ít khi nhìn vào mắt người giao tiếp vì đó dường như không phải mối quan tâm của trẻ.

“Thông thường, trẻ thiếu tập trung thường có sự hứng thú hơn hẳn so với những trẻ khác khi bắt đầu trò chơi nào đó. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, trẻ sẽ tự chơi theo cách của mình và phá vỡ khi gặp phải những chỗ cần tư duy. Đối với những trò chơi đòi hỏi sự kiên trì như Lego, tìm số, những trẻ thiếu tập trung chỉ chơi được một lúc sẽ bỏ dở”, cô Trường thông tin.

Bên cạnh đó, có những trẻ không ngồi yên do sự hiếu động, thích khám phá, tìm tòi. Nhưng trong những trường hợp, sự hiếu động thái quá, quậy phá, chơi những trò nguy hiểm lại do một dạng bệnh lý gây nên đó là hiện tượng “tăng động, giảm chú ý” ở trẻ…

ThS Nguyễn Vân Anh (Học viện tư duy IEG) cho biết, trẻ từ 3 – 6 tuổi mất tập trung trong một khoảng thời gian dài hơn 13 phút là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu trong khoảng thời gian rất ngắn trẻ cũng không tập trung được, hoặc con bạn ở độ tuổi 6 – 10 mà sự tập trung của bé cũng không được cải thiện chút nào so với giai đoạn trước thì cần tìm hiểu các nguyên nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Bảo đảm chế độ sinh hoạt

Theo ThS Nguyễn Vân Anh, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mất tập trung trong học tập, vui chơi. Có thể do chế độ dinh dưỡng nghèo chất sắt. Biểu hiện là mất tập trung, chân tay bồn chồn, không thể ngồi yên trên ghế.

Nhiều trẻ thường được ăn quá nhiều thức ăn chứa hàm lượng đường cao như bánh kẹo công nghiệp hay đồ ăn nhanh trong khi rất ít thực phẩm tươi như rau xanh, trứng hay sữa để bổ sung sắt. Thiếu sắt gây mệt mỏi thể chất, giảm chú ý, làm mất tập trung và gây ra những vấn đề về trí nhớ.

Trẻ em cần ngủ từ 10 đến 11 tiếng mỗi ngày. Cũng giống như người lớn khi không được ngủ đủ giấc sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, trẻ cũng sẽ có những biểu hiện giảm chú ý, trí nhớ kém hay hiếu động thái quá vào ban ngày nếu giấc ngủ không được đảm bảo về thời gian và chất lượng.

Cùng với đó là phương pháp dạy con của nhiều bậc phụ huynh tạo cho trẻ thói quen mất tập trung từ khi con còn rất nhỏ như vừa ăn vừa chạy chơi, vừa ăn vừa xem tivi, vừa viết bài vừa ăn vặt hay nói chuyện…

Một số trẻ không thể tập trung do thiếu tính kỷ luật mà phần lớn là do cha mẹ không uốn nắn con kiên trì, bé có thể bỏ dở giữa chừng mọi việc bất cứ khi nào bé muốn, lâu dần trở thành thói quen.

Những việc làm này đôi khi xuất phát từ những mục đích tốt như muốn con ăn ngoan hơn, muốn con ngồi ngoan, không muốn ép con nhưng vô tình khiến con hình thành thói quen không tập trung làm một việc từ đầu đến cuối và càng lớn sẽ càng khó cải thiện.

Việc thiếu sự quan tâm của cha mẹ và những người thân xung quanh trẻ có thể khiến trẻ bị thiếu hụt về cảm xúc; thiếu thốn tình cảm khiến trẻ chìm vào những suy nghĩ của riêng bản thân mình, từ đó trẻ trở nên lơ đễnh, uể oải, mất đi sự tập trung và linh hoạt.

Cuối cùng, cha mẹ hãy kiểm tra lại không gian hoạt động của bé tại nhà như phòng học, phòng ngủ, khu vui chơi… Không gian của bé có quá nhiều âm thanh, nhiều người qua lại, không đủ gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát cũng có thể là những nguyên nhân khiến bé khó tập trung, dễ xao nhãng sẽ ảnh hưởng đến não bộ, có thể khiến trẻ bồn chồn, bứt rứt rất khó để tập trung dù khi vui chơi.

Hầu hết trẻ em nếu được bố mẹ sắp xếp thời gian làm bài tập về nhà vào một khung giờ cố định, các bé đều có thể tập trung học tốt và ít bị lơ là. Bằng cách lên thời gian biểu về khoảng thời gian làm bài về nhà, nghỉ ngơi và thực hiện các hoạt động khác, bé sẽ chú tâm vào làm việc cần thiết vào khoảng thời gian mà bạn đã định sẵn. Và bố mẹ cũng đừng quên để thời gian nghỉ ngơi và vui chơi cho bé giúp thư giãn sau những giờ học mệt mỏi.

“Học bài không chỉ là hoạt động tập trung ngồi tại một điểm trong thời gian dài, bé vẫn hoàn toàn vừa học vừa đi bộ vòng quanh nhà. Cha mẹ có thể cho phép bé cầm sách và đi xung quanh hoặc để sách lên bàn đọc rồi đi ra chỗ khác để nghiền ngẫm thông tin vừa tiếp nhận”, ThS Vân Anh gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.