Từ trải nghiệm cá nhân, Bảo Nhi chia sẻ cách giành học bổng toàn phần dù trái ngành và thiếu kinh nghiệm làm việc.
Các bạn quan tâm đến học bổng thạc sĩ ở châu Âu đều từng nghe về Erasmus Mundus, mình sẽ giới thiệu đôi nét về nó. Đây vẫn được xem là một trong những học bổng danh giá nhất châu Âu, được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu.
Erasmus Mundus có giá trị lên đến 50.000 euro (khoảng 1,4 tỷ đồng), bao gồm tất cả học phí, chi phí sinh hoạt (1.000 euro/tháng) và hỗ trợ du lịch 3.000 euro một năm.
Vì là học bổng của Liên minh châu Âu, những người trúng tuyển Erasmus Mundus sẽ được học tập, nghiên cứu tại ít nhất 2 quốc gia trong 2 năm, đem đến cơ hội trải nghiệm nhiều nền văn hóa.
Ngoài ra, học bổng này không ràng buộc sau tốt nghiệp nên du học sinh có thể chủ động quyết định về Việt Nam hoặc tìm kiếm cơ hội làm việc tại châu Âu. Chính vì nhiều ưu điểm, Erasmus Mundus là học bổng cạnh tranh toàn cầu chứ không chỉ ứng viên Việt Nam.
Trước khi giành học bổng, mình sở hữu một số thành tích về học thuật như thủ khoa xuất sắc ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế; giành học bổng toàn phần SHARE cho một kỳ trao đổi tại Đại học Groningen (Hà Lan); nhận học bổng toàn phần cho khóa học ngắn hạn Development Studies được tài trợ bởi tổ chức Na Uy Kultustudier và Đại học Oslo Metropolitan.
Sau thời gian trao đổi sinh viên theo học bổng SHARE ở Hà Lan năm 2018, mình luôn khao khát quay trở lại châu Âu vì thấy đây là nơi phù hợp để học hỏi, phát triển bản thân và muốn gặp lại nhiều người bạn tốt.
Khi ở Hà Lan, mình là sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ học nhưng đồng thời trải nghiệm trong 6 tháng tại 11 nước châu Âu làm mình quan tâm hơn về lĩnh vực phát triển.
Mình bắt đầu tự hỏi tại sao Việt Nam được xếp là "developing" (đang phát triển) còn những nước châu Âu mình đi qua là "developed" (phát triển), hoặc nếu đã phát triển thì cần gì nữa để phát triển bền vững? Sau khi đã tự tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này, mình muốn theo đuổi nó.
Những lý do trên đã trở thành mục tiêu của mình từ trước khi tốt nghiệp đại học: Trở lại châu Âu để học thạc sĩ ngành Phát triển bền vững. Bên cạnh đó, mình muốn đạt học bổng toàn phần để tập trung học.
Đánh giá lợi thế - bất lợi của bản thân để tìm học bổng phù hợp
Mình có thành tích học tập tốt, nhưng không có thế mạnh về hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm lãnh đạo. Vì là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm làm việc của mình cũng không dày dặn. Với tất cả lý do trên, mình thấy bản thân phù hợp với merit-based, loại học bổng tài năng, chú trọng vào thành tích học thuật.
Ngoài ra, mình không muốn có bất kỳ ràng buộc nào sau tốt nghiệp nên không tìm đến các học bổng liên kết trường hoặc bắt buộc phải quay về nước sau khi học xong. Mình đặt mục tiêu tìm học bổng toàn phần, cho càng nhiều tiền càng tốt và phải là học bổng châu Âu.
Mình loại trừ các học bổng như Chevening (học bổng lãnh đạo), DAAD hay IDEAS (yêu cầu kinh nghiệm làm việc) vì biết không nằm trong đối tượng họ yên cầu.
Sau khi cân nhắc thì Erasmus Mundus là học bổng phù hợp về lợi thế cạnh tranh, nhu cầu cũng như định hướng của bản thân nên quyết định nộp đơn.
Khi tìm hiểu, mình nhận thấy đa số học bổng loại merit-based đều chú trọng vào bốn yếu tố chính. Một là tính tương thích (relevance) giữa ngành học và thành tích học thuật đã có.
Việc chuyển từ ngôn ngữ sang phát triển bền vững khiến mức độ tương thích của mình rất thấp, kinh nghiệm làm việc để bù cho lượng kiến thức thiếu hụt mình cũng không có gì.
Mình đã khắc phục việc này bằng cách tự trang bị kiến thức của ngành mới, đăng ký các khóa học online hoặc ngắn hạn để nhận chứng chỉ, làm dày thành tích.
Với khóa học ngắn hạn Development studies, ngoài tiếp thu kiến thức, mình còn được cấp 30 tín chỉ theo chuẩn châu Âu. Đây là cách để ban xét duyệt hồ sơ nhận ra rằng bạn nghiêm túc theo đuổi ngành mới và đã chuẩn bị sẵn sàng, kỹ càng để thành công với ngành này.
Bên cạnh đó, những khóa học này giúp mình dần định hướng mảng sẽ theo đuổi trong lĩnh vực phát triển. Mình chọn giáo dục vì tin giáo dục con người là nền tảng cho mọi sự phát triển.
Yếu tố thứ hai là kỹ năng nghiên cứu. Tại thời điểm nộp hồ sơ, mình chưa có công bố khoa học nào cả, chỉ sở hữu khóa luận tốt nghiệp ngành ngôn ngữ đạt điểm khá cao. Nhờ mấy khóa học ngắn hạn, mình có thêm kinh nghiệm khi tham gia vài dự án nghiên cứu cộng đồng về các vấn đề phát triển.
Ba là mức độ học thuật của người giới thiệu. Từ kinh nghiệm cá nhân, mình cho rằng khi xin thư giới thiệu, các bạn nên chọn thầy cô biết và hiểu mình, có học hàm càng cao càng tốt. Nếu xin được thầy cô đến từ các trường hoặc viện nghiên cứu uy tín của nước ngoài thì càng thêm điểm cộng.
Vì chương trình của mình yêu cầu hai thư giới thiệu, mình đã xin giảng viên dạy các môn chuyên ngành ở đại học để cô đánh giá thái độ học tập và khẳng định thành tích của mình trên trường.
Ngoài ra mình xin một thầy người Na Uy, làm về lĩnh vực phát triển và dạy mình ở khóa Development Studies. Thư này sẽ giúp mình thể hiện bản thân có mạng lưới mối quan hệ với chuyên gia trong lĩnh vực, đồng thời tăng tính quốc tế cho hồ sơ.
Tính quốc tế của hồ sơ là yếu tố cuối cùng. Mình nhận thấy đây là điểm mạnh của bản thân khi đã có trải nghiệm ở châu Âu, học trong môi trường quốc tế và sở hữu mối quan hệ với các học giả nước ngoài nhờ các chương trình ngắn hạn.
Tuy nhiên, bạn có gì là một chuyện, bạn chứng minh cho người khác thấy những điều đó và có tiềm năng gì mới quan trọng. Do chương trình mình nộp không có vòng phỏng vấn nên bộ hồ sơ là cơ hội duy nhất của mình để đạt học bổng.
Hồ sơ và bài luận chính
Hồ sơ cơ bản khi apply học bổng thường gồm: CV cá nhân, bài luận chính (SOP), thư giới thiệu (LOR), chứng chỉ ngoại ngữ, các giấy tờ khác như bằng tốt nghiệp, bảng điểm, hộ chiếu, giấy chứng nhận giải thưởng đã đạt...
Mình cho rằng bài luận chính là linh hồn của bộ hồ sơ. Chương trình của mình nêu rõ các tiêu chí lựa chọn, trong đó bài luận chính chiếm đến 40%, do đó phần này các bạn phải rất đầu tư và chăm chút.
Mình tìm đến các bài luận, phần chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị đi trước để học hỏi, rút ra điểm chung của những bài này và xem xét điều chỉnh phần nào để phù hợp với câu chuyện cá nhân.
Mình chia bố cục bài luận thành ba phần. Về lý do theo đuổi chương trình, mình không bắt đầu câu chuyện bằng cách quen thuộc "tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê" vì mình không như vậy.
Mình kể lại những trải nghiệm đã khơi gợi sự tò mò về các vấn đề phát triển, niềm tin rằng giáo dục là cốt lõi của xóa đói giảm nghèo và củng cố bình đẳng xã hội. Với cách này, mình đã chứng minh bản thân có trải nghiệm phong phú và có cách nhìn thấu đáo về những gì đã trải qua.
Ở phần nêu lý do tại sao chương trình nên chọn mình để cấp học bổng, mình đưa các thành tích học tập đã có để chứng minh bản thân chăm chỉ và sở hữu năng lực học tập tốt.
Quan trọng hơn, mình đã cho hội đồng tuyển sinh thấy bản thân có thể thành công với ngành học mới bằng quá trình tự trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan. Mình chỉ ra cụ thể ngành học có nội dung gì mình đang quan tâm, giá trị chúng mang lại cho kế hoạch học tập và định hướng nghề nghiệp trong 5 năm tới.
Vì các chương trình của Erasmus Mundus đa số là thạc sĩ nghiên cứu nên phần định hướng nghiên cứu trong bài luận rất quan trọng. Ngoài chọn đề tài bản thân quan tâm, bạn cũng nên chọn nội dung đang được ngành chú trọng.
Thêm nữa, những đề tài liên quan đến tình trạng thực tế ở Việt Nam cũng rất hay, thể hiện nguyện vọng đóng góp cho cộng đồng, quê hương của ứng viên.
Tại phần cam kết, mình trích câu nói của giám đốc quỹ học bổng mình từng đạt được: "Our scholarships for you are not gifts but our investment" (Học bổng chúng tôi cho bạn không phải món quà mà là sự đầu tư). Mình tự tin khẳng định bản thân xứng đáng với sự đầu tư của Erasmus Mundus.
Chúc các bạn thành công với giấc mơ du học.