Cách ghi bài học hiệu quả với VNEN

GD&TĐ - TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - chia sẻ một số cách thức giáo viên (GV) cần hướng dẫn để học sinh (HS) có thể ghi nhanh, ghi đủ, ghi đúng những nội dung của bài học.

Cách ghi bài học hiệu quả với VNEN

Điều này thực hiện trong cả 5 nhóm hoạt động của bài học VNEN và rất có ích cho HS phát triển các kĩ năng cần cho tự học và học tập suốt đời: thu nhận, xử lý và lưu giữ thông tin, trình bày khi làm bài kiểm tra, thuyết trình…

Dùng các từ viết tắt, các kí hiệu

Những từ nào thường xuyên bắt gặp trong quá trình học thì GV hướng dẫn cho HS viết tắt hoặc sử dụng kí hiệu theo thông lệ chung. Điều này phụ thuộc vào từng môn học. Ví dụ, trong môn sinh học thường gặp các từ: thực vật (TV), động vật (ĐV), cấu tạo (CT), sinh lí (SL)…; môn toán có nhiều kí hiệu…

Lưu ý là các công thức tính thì phải ghi đầy đủ, chính xác; với 1 từ nhất định thì không được viết tắt khác nhau trong các môn học, các văn bản.

Trong các bài kiểm tra, hay văn bản cho người khác đọc thì rất hạn chế việc viết tắt, chỉ viết tắt những từ nào rất hay gặp và phải có chú thích trước hay chú thích ở lần sử dụng đầu tiên trong văn bản.

HS cần đề phòng những từ ít viết tắt hay viết tắt lần đầu ở lớp mà về nhà chính mình cũng không đọc được.

Ưu tiên ghi ý hơn là ghi câu, ghi văn bản

HS ghi bài là để riêng mình đọc nên nếu đã chắc chắn hiểu nội dung cần nhớ thì không nhất thiết phải ghi thành câu.

Có thể chỉ ghi lại từ khoá hay mệnh đề nhưng phải chắc chắn rằng về nhà tự mình có thể đọc được thành câu đầy đủ.

Điều này đòi hỏi GV phải quen dần với cách ghi của từng HS trong lớp để theo dõi và giúp đỡ (khi cần), trong trường hợp cần thiết thì có thể hỏi, ví dụ: em ghi thế này có nghĩa là gì?

Tạm bỏ qua những chỗ chưa kịp hiểu, nghe không rõ, ghi không kịp

Khi ghi theo lời nói hay lời đọc của bạn/của thầy, nếu có chỗ nào chưa kịp hiểu, nghe chưa rõ hoặc ghi không kịp mà không thể ngắt lời để hỏi lại thì hãy tạm bỏ qua vì nếu không bỏ qua thì sẽ không theo dõi được tất cả những gì thầy/bạn nói sau đó.

Nếu có thể thì hỏi lại ngay hoặc đề nghị thầy/bạn nói lại để hiểu, nghe rõ, kịp ghi. Nếu đã tạm bỏ qua thì sẽ hỏi lại hoặc tự tìm hiểu vào lúc khác để ghi bổ sung.

Cách ghi bài khi tự nghiên cứu tài liệu

Thường trải qua 4 hành động: đọc lướt để nắm được sơ bộ cấu trúc và nội dung văn bản; đọc chậm để nắm/ghi được từ khoá; sử dụng từ khoá để ghi được nội dung tóm tắt; học tương tác để hoàn thiện nội dung đã ghi.

Về nhà hoàn thiện tiếp nội dung đã ghi trên lớp

Trên lớp nếu đã ghi đủ, ghi đúng nhưng nếu HS thấy vẫn còn chưa thật hài lòng về một chỗ nào đó hoặc được GV nhận thấy và gợi ý thì HS có thể sẽ sửa chữa, hoàn thiện khi tự học ở nhà.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, đọc bài học trong SGK trước khi lên lớp sẽ giúp cho việc ghi bài trên lớp được dễ dàng hơn.

Ghi bài của thư kí trong học nhóm

Trong quá trình học cá nhân và học tương tác, mỗi HS đều phải ghi bài và hoàn thiện nội dung ghi trong vở (đôi khi khi ghi trên tờ giấy rời) của cá nhân.

Nhưng khi học nhóm, nếu cần có sản phẩm chung của nhóm để làm chỗ dựa cho hoạt động thảo luận, để các thành viên trong nhóm có tư liệu/sản phẩm đối chiếu với sản phẩm cá nhân hoặc cần có sản phẩm của nhóm để báo cáo, thảo luận trong lớp thì thư kí của nhóm phải ghi trên bảng nhóm (giấy khổ to, bảng giấy trong…) và hoàn thiện qua thảo luận nhóm để trở thành sản phẩm chung của nhóm; nếu muốn lưu lại thành tư liệu cá nhân thì sau đó HS này phải làm ở nhà để chuyển nội dung (kết quả cuối cùng) của nhóm vào vở ghi cá nhân.

Làm như vậy thì ở trên lớp mọi thành viên đều tích cực học cá nhân, kết hợp học tương tác nhưng riêng thư kí thì phải vất vả hơn. Đây cũng là lí do nên cử luân phiên thư kí các hoạt động học nhóm trong năm học.

Sự giống và khác nhau giữa hoạt động ghi bài trong PPDH truyền thống và trong PPDH VNEN:

PPDH truyền thống

PPDH VNEN

Mục đích

− Để lưu lại nội dung bài học một cách mạch lạc, gọn gàng, hệ thống, rõ ràng.

− Để lưu lại nội dung bài học một cách mạch lạc, gọn gàng, hệ thống, rõ ràng.

− Để HS rèn luyện kĩ năng ghi chép.

− Để GV nhìn xem HS đã học được thế nào, có cần phải hỗ trợ không.

Ý nghĩa

− Giúp việc học ở nhà thuận lợi.

− Giúp việc học ở nhà thuận lợi.

− Phát triển các kĩ năng thông tin (tìm tòi, xử lí, lưu giữ…) và khả năng tự học, học tập suốt đời.

Cách làm

− GV chốt kiến thức bằng các hình thức nói/ đọc/ ghi lên bảng; HS ghi theo.

− Có thể là: GV chốt kiến thức bằng các hình thức nói/ đọc/ ghi lên bảng; HS ghi theo.

− Chủ yếu là: HS học cá nhân (đọc tài liệu, quan sát tranh ảnh/ vật thật/ mô hình, làm thí nghiệm…) và học tương tác (trao đổi với bạn, với thầy) để rút ra kiến thức cần ghi lại.

Hệ quả

− GV bắt buộc phải chốt kiến thức.

− Ghi một lần được ngay.

− HS đều ghi chép đúng và giống nhau, vở sạch, chữ đẹp.

− Không tốn nhiều thời gian.

− GV đỡ vất vả.

− GV, bạn cùng học đọc xong đều hiểu những điều HS đã ghi vào vở.

− GV có thể không cần chốt kiến thức, nếu HS tự ghi chép được.

− Thường phải ghi nhiều lần, từ chưa đúng thành đúng, chưa hoàn thiện đến hoàn thiện.

− HS đều ghi chép đúng nhưng có thể khác nhau, khó có được vở sạch, chữ đẹp.

− Thường tốn nhiều thời gian, nhất là khi HS và GV chưa quen.

− GV vất vả hơn.

− GV, bạn cùng học đọc xong có thể không hiểu vì nội dung ghi vở là của riêng HS, ghi theo cách của cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ