Học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống
Điểm thi của môn Tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống. Điểm số của học sinh VNEN cũng như các trường nhóm kiểm soát tăng lên khi các em lên lớp cao hơn.
Đây là một nhận định đáng chú ý trong báo cáo nói trên. Cũng theo báo cáo này, học sinh VNEN có điểm trung bình cao hơn ở mốc cơ sở của nghiên cứu - 18 tháng sau khi bắt đầu dự án. Khác biệt này được duy trì qua các năm, mặc dù có sự thu hẹp dần lại trong hai năm sau.
Sự chênh lệch về học lực của học sinh trong nhóm các trường VNEN có liên quan đến sự thay đổi cường độ học tập của chương trình. Nghiên cứu này đã ghi lại mức độ chênh lệch hoặc khác biệt đáng kể trong việc triển khai các hoạt động của VNEN.
“Nếu chỉ sắp xếp học sinh ngồi theo nhóm và phát tài liệu hướng dẫn học tập cho các em thì không thể đáp ứng được yêu cầu của phương pháp học tập tích cực và hợp tác” – thông tin từ báo cáo.
Báo cáo cũng ghi rõ: VNEN đã có những tác động tích cực đến việc phát triển kĩ năng nhận thức và phi nhận thức của trẻ em Việt Nam, cần được công nhận và thông báo cho tất cả các bên liên quan.
Nghiên cứu này đã cho thấy các tác động tích cực thông qua quy trình đánh giá tác động chặt chẽ nghiêm ngặt ở một nhóm học sinh suốt từ lớp 3 đến lớp 5. Gần như bất kỳ chương trình giáo dục nào được triển khai và theo dõi trong một khoảng thời gian đều cho thấy sự tăng trưởng trong kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội của học sinh.
Nghiên cứu này so sánh sự tăng trưởng các kỹ năng trên ở các em học sinh đang học VNEN với một nhóm phản chứng để tìm ra sự khác biệt trong tăng trưởng.
Nếu tính toán được sơ bộ chi phí của chương trình GPE-VNEN thì sẽ rất hữu ích. Chi phí của toàn bộ chương trình vào khoảng 85 triệu USD và mang lại lợi ích cho khoảng nửa triệu học sinh trong suốt bốn năm, chưa kể các em học sinh được hưởng lợi trong tương lai.
Học sinh VNEN được tiếp cận với nhiều con đường học tập khác nhau
Theo báo cáo, phân tích video cho thấy học sinh VNEN được tiếp cận với nhiều con đường học tập khác nhau như thế nào.
Các em học sinh có các hoạt động khám phá và thảo luận mang tính sư phạm nổi bật hơn, cũng như có thêm các cơ hội thực hành và giải quyết vấn đề thông qua cả hoạt động cá nhân và tập thể.
Trong khi học sinh VNEN thường có thời lượng hoạt động cá nhân tương tự như học sinh mô hình truyền thống, có một điểm khác biệt rõ ràng là lớp học VNEN dành nhiều thời gian cho hoạt động của nhóm hơn là hoạt động cả lớp.
Vì bài tập nhóm cho phép các quá trình nhận thức diễn ra nhiều hơn so các hoạt động chung của cả lớp, nên lớp học VNEN có thể mang lại hiệu quả giảng dạy cao hơn.
Mặc dù có sự khác biệt giữa các trường học và trong các lớp học, các trường học VNEN cung cấp thêm rất nhiều không gian cho học sinh phát triển và thực hành các kỹ năng thế kỷ XXI như lãnh đạo, làm việc theo nhóm và học tập hợp tác, giao tiếp và tự học.
Một số tương tác đòi hỏi kỹ năng thế kỷ XXI vẫn ở mức căn bản, nhưng đa số đã chạm tới mức trung bình và nâng cao.
Với hỗ trợ đào tạo của Bộ GD&ĐT, giáo viên VNEN đang sử dụng hướng dẫn học tập với một mức linh hoạt nhất định khi thấy phù hợp bằng cách sửa đổi và/hoặc tiến hành hoạt động khác, nhưng vẫn đạt được các tiêu chuẩn chất lượng và giảng dạy được tất cả các nội dung yêu cầu.
Một số thách thức mà VNEN phải đối mặt bao gồm sự kiên định trong tư duy truyền thống trong số giáo viên, trình độ tiếng Việt hạn chế của học sinh dân tộc thiểu số và sự không thiếu khả năng cung cấp hỗ trợ học tập cho con cái của một số của một số cha mẹ.
Hội đồng tự quản có thể mang lại cho học sinh các kỹ năng xã hội
Kết quả cho thấy học sinh của VNEN đã có sự phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc tốt hơn học sinh các trường truyền thống. Đặc biệt, các học sinh VNEN trong nhóm dưới có kết quả tốt hơn hẳn.
Đây là một phát hiện quan trọng vì những học sinh này thường đến từ các nhóm chịu thiệt thòi và cũng thường là mối quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách giáo dục.
Cũng theo báo cáo của WB, Hội đồng tự quản là một đổi mới khác của chương trình có thể mang lại cho học sinh các kỹ năng xã hội và cảm xúc cũng như làm phong phú thêm các giá trị và kỹ năng cần thiết cho thế kỷ XXI.
Triết lý của VNEN là kỹ năng xã hội và cảm xúc như kỹ năng hợp tác và trách nhiệm cũng như việc xây dựng nhân cách có thể thực hiện tốt nhất thông qua kinh nghiệm thực tiễn.
Mỗi lớp học theo VNEN đều có một hội đồng tự quản học sinh và giáo viên được khuyến khích luân chuyển nhiệm vụ của các em để nhiều học sinh có cơ hội tham gia. Bằng cách tổ chức các ban thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, học sinh phát triển các kỹ năng tổ chức; và đây cũng là một cách để tăng cường mối liên hệ của giáo dục với cuộc sống.
Một số trường thực hiện hội đồng tự quản học sinh khá tốt, trong khi một số khác còn hạn chế trong việc sử dụng phương pháp này.
Báo cáo cho rằng: Để đạt hiệu quả, vai trò và trách nhiệm của tất cả các thành viên trong các hội đồng tự quản học sinh phải được định nghĩa rõ ràng, và cũng cần phải có phản hồi từ giáo viên và học sinh về kết quả công việc và những gì cần cải thiện.
Mặc dù chỉ một vài giáo viên có thể triển khai trọn vẹn mô hình hội đồng tự quản học sinh, yếu tố này của VNEN có thể thực sự giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng xã hội và cảm xúc.
Một trong những khía cạnh của VNEN được cho là khó thực hiện là sự tham gia của phụ huynh trong các hoạt động trường lớp. Với vị trí ở vùng ven đô và nông thôn của hầu hết các trường học của VNEN, đa số phụ huynh là nông dân và một số ít có trình độ học vấn trên bậc THCS.
Vai trò quan trọng của người lãnh đạo
Để chương trình thành công, theo báo cáo của WB, cần phải có lãnh đạo đi tiên phong ở tất cả các cấp độ, từ quốc gia, cấp tỉnh thành đến cấp quận huyện và cấp trường.
Theo quan sát, một vài tỉnh đã triển khai VNEN hoàn chỉnh hơn các tỉnh khác. Có thể thấy những trường đã triển khai mô hình ở cấp độ cao thường có các hiệu trưởng hiểu biết sâu sắc về VNEN, từ đó khuyến khích động viên các giáo viên trong trường cùng thực hiện.
Các hoạt động như họp giáo viên định kỳ để thảo luận và thực hành các phương pháp VNEN dường như đã đóng góp nhiều vào quá trình triển khai mô hình ở cơ sở. Việc đảm bảo quá trình triển khai bằng cách ảnh hưởng lãnh đạo ở tất cả các cấp là một thử thách không nhỏ.
Cơ hội có thể bắt đầu từ các chu trình tiếp nhận phản hồi hình thành từ việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm thành công. Các hoạt động như cuộc thi video hay nhất được tổ chức trong lúc triển khai chương trình có thể được quan tâm tổ chức tốt hơn và sẽ có tác động quan trọng giúp giàm sự khác biệt lớn trong chỉ số triển khai đấy, chỉ số này đi về phía cận trên của phân phối qua quá trình học hỏi bắt chước và cảm nhận về thành tựu đạt được.
Ngoài ra, sự phức tạp và khó khăn của sự thay đổi về nhận thức trong phương pháp giảng dạy, đòi hỏi quá trình thực nghiệm thường xuyên và nghiên cứu đồng hành chặt chẽ để rút ra cách tiếp cận tốt nhất.
Cùng với đó, việc đào tạo các giáo viên dạy giỏi, có tinh thần cam kết cao, để trở thành giáo viên nguồn cần được nâng lên thành công tác thường xuyên.
Sự tham gia tích cực của phụ huynh học sinh trong chương trình là một chuyển biến về văn hóa đối với nhiều bên liên quan; và nỗ lực tham gia mạnh mẽ hơn từ cán bộ lãnh đạo cấp quốc gia, tỉnh thành là thực sự cần thiết cho sự thành công của chương trình.
Từ góc độ chính sách, ta cần phải hiểu được cách thức hình thành chu trình phản hồi, ví dụ cụ thể như trong việc tận dụng các mẫu vật trong lớp học.
“Các bên liên quan ở Việt Nam nên được thông tin chính xác về những thành quả của mô hình Escuela Nueva ở Colombia và về VNEN được điều chỉnh áp dụng tại Việt Nam” – báo cáo này nhấn mạnh.
Nghiên cứu đánh giá tác động này được dựa trên một thiết kế theo một nghiên cứu liên tục cho các nhóm học sinh trong vòng 2 năm, bắt đầu từ một nhóm học sinh lớp 3 tham gia khảo sát trong năm học 2013-2014 và theo dõi các nhóm HS này học lên lớp 4 trong năm học 2014-2015 và lớp 5 trong năm học 2015 -2016.
Phần này bắt đầu với phương pháp so sánh điểm xu hướng (phương pháp PSM) - phương pháp được sử dụng để lựa chọn ngẫu nhiên các trường học thực hiện mô hình và không thực hiện mô hình.
Các phương pháp thu thập dữ liệu bao gồm bộ câu hỏi khảo sát thực địa và được sử dụng trong phỏng vấn các hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và học sinh hàng năm, và một bài kiểm tra đánh giá môn Toán và Tiếng Việt được chuẩn hóa dành cho học sinh.
Trích báo cáo của WB