Cách để không đánh rơi điểm môn Ngữ văn

GD&TĐ - Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất, thí sinh cần trình bày bài làm sáng ý, dễ hiểu, tránh lan man, không đúng trọng tâm yêu cầu của đề bài đưa ra.

Cô Nguyễn Thị Mai Ly – giáo viên môn Ngữ văn Trường Quốc tế Song ngữ Học viện Anh Quốc - UKA Gia Lai cùng học trò của mình trao đổi bài học. Ảnh NTCC.
Cô Nguyễn Thị Mai Ly – giáo viên môn Ngữ văn Trường Quốc tế Song ngữ Học viện Anh Quốc - UKA Gia Lai cùng học trò của mình trao đổi bài học. Ảnh NTCC.

Những lưu ý làm nghị luận văn học và nghị luận xã hội

Theo cô Nguyễn Thị Mai Ly – giáo viên môn Ngữ văn Trường Quốc tế Song ngữ Học viện Anh Quốc - UKA Gia Lai (tỉnh Gia Lai): “Trong đề thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh sẽ áp lực khi làm bài Nghị luận xã hội. Bởi bài thi không chỉ yêu cầu thí sinh về những kiến thức văn học mà bài làm còn phải thể hiện được quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề.

Đặc biệt ở bài Nghị luận xã hội gắn liền với đời sống, do đó khi nghiên cứu tài liệu, đọc sách báo thí sinh phải biết chọn lọc dẫn chứng phù hợp và đắt giá khi đưa vào bài văn Nghị luận xã hội”.

Để lấy điểm cao ở phần Nghị luận xã hội, cô Mai Ly lưu ý học sinh một số điểm: “Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, dung lượng phù hợp của đoạn 200 chữ khoảng từ 2/3 đến 1 trang giấy thi. Thời gian làm bài ở câu này, học sinh nên làm trong khoảng 15 – 20 phút/120 phút”.

Bên cạnh đó, quá trình làm bài Nghị luận xã hội, học sinh cần đọc kĩ đề, gạch chân các từ ngữ quan trọng trong đề bài, từ đó xác định các yêu cầu về dạng đề, nội dung nghị luận, phạm vi nghị luận, thao tác lập luận sẽ sử dụng, hình thức và dung lượng đoạn văn.

Tiếp đến, tìm ý và sắp xếp ý bằng cách đặt câu hỏi để tìm ý phù hợp với khía cạnh cần nghị luận và sắp xếp các ý đã tìm được theo một trình tự logic.

Đối với yêu cầu nghị luận về khía cạnh ý nghĩa của một vấn đề xã hội, thí sinh có thể tìm hệ thống luận cứ lí lẽ, dẫn chứng theo định hướng sau: Nêu ý nghĩa của vấn đề theo đối tượng (đối với cá nhân; đối với tập thể, với cộng đồng) hoặc nêu ý nghĩa của vấn đề theo lĩnh vực (về mặt kinh tế; về mặt an ninh, quốc phòng; về mặt xã hội; về mặt tinh thần; về mặt thể chất).

Đối với phần Nghị luận văn học, để học sinh học hiệu quả, phát huy được kĩ năng viết thì các em cần phải rèn luyện kĩ năng cảm thụ văn học bằng cách đọc, hiểu và cảm nhận.

Không chỉ dựa vào học liệu, các bài giảng trong sách giáo khoa, của giáo viên mà học trò cần nghiên cứu thêm tài liệu như: đọc sách báo, xem tin tức, sự kiện để có cách nhìn, đánh giá tổng quan vấn đề và có những liên hệ thực tế cho bài viết để cơ hội giành điểm cao.

Một trong những phương pháphọc mà cô Mai Ly gợi ý cho học sinh chính là học nhóm. Ảnh NTCC.

Một trong những phương pháphọc mà cô Mai Ly gợi ý cho học sinh chính là học nhóm. Ảnh NTCC.

Gợi ý các khung giờ học hiệu quả

Theo cô Mai Ly: "Môn Ngữ văn, bản chất không phải là môn học thuộc như nhiều học sinh vẫn suy nghĩ, môn này cần phải hiểu bản chất vấn đề. Khi hiểu bản chất, học sinh sẽ phát triển khả năng ngôn từ, diễn đạt để phân tích, đánh giá nhằm vận dụng vào bài làm của mình.

Không chỉ vậy quá trình học Ngữ văn giúp học sinh rèn luyện tư duy ngôn ngữ thông qua các tác phẩm văn học. Đồng thời, đứng ở góc độ là một người khám phá văn khi học văn, mọi thứ sẽ trở nên thú vị và háo hức trong quá trình học

Vì vậy để học tập hiệu quả môn Ngữ văn giai đoạn nước rút, cô Mai Ly khuyên: "Các em cần phải có tinh thần thoải mái, tránh áp lực và xây dựng cho mình một kế hoạch ôn tập hiệu quả như: Học nhóm; sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy để hệ thống hoá kiến thức. Bên cạnh đó, trong quá trình học có thể sử dụng nghe nhạc Baroque (loại nhạc làm nền khi học)".

Đồng thời, cô Mai Ly cũng gợi ý một số khung giờ học hiệu quả cho học sinh như: “4 giờ 30 – 6 giờ sáng có thể học học lý thuyết; 7 giờ 15 – 10 giờ: học các môn xã hội (Ngữ văn Văn, Lịch sử, Địa lý; 14 giờ đến 16 giờ 30 học các môn tự nhiên, yêu cầu suy luận, tính toán; 19 giờ 45 – 23 giờ học các môn yêu cầu tính toán”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, diễn ra vào 4 ngày: 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Trước kỳ thi, các thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm, củng cố kiến thức bằng cách luyện đề. Bên cạnh đó, giữ gìn sức khoẻ, ăn uống đủ các dưỡng chất để có sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ