Trước hết, các em cần nhận thức rằng, đọc hiểu là một quá trình tổng hợp, vận dụng những kĩ năng của người đọc để lĩnh hội, cảm nhận, giải mã ý nghĩa văn bản và vận dụng những hiểu biết từ văn bản đó để giải quyết một tình huống thực tiễn. Để đọc hiểu tốt một văn bản bất kì, người đọc phải có kĩ năng và một vốn hiểu biết nhất định.
Lưu ý để làm tốt đề đọc hiểu
Thầy Nguyễn Văn Song cho rằng, đọc hiểu thực chất không phải điều gì mới mẻ với giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, việc đưa phần đọc hiểu vào phần thi tốt nghiệp và thi đại học môn Ngữ văn từ năm 2014 và sắp tới là kì thi THPT Quốc gia 2017 theo định hướng phát triển năng lực học sinh vẫn là một vấn đề khá mới mẻ đối với cả giáo viên và học sinh.
Để làm tốt phần đọc hiểu, trước hết ta phải có cái nhìn khái quát về yêu cầu, nội dung dạng đề đọc hiểu như sau:
Về ngữ liệu đọc hiểu: vô cùng đa dạng, phong phú. Ngữ liệu đọc hiểu có thể là một văn bản, đoạn văn bản thuộc văn bản văn học hoặc văn bản nhật dụng, văn bản thông tin. Văn bản, đoạn văn bản đó có thể nằm trong chương trình học hoặc hoàn toàn xa lạ, mới mẻ với học sinh.
Về nội dung đọc hiểu: Các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản; những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản; một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.
Một số lưu ý về văn nghị luận xã hội
Nghị luận xã hội là kiểu bài dùng lập luận, lí lẽ, dẫn chứng để trình bày ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề xã hội - chính trị như một tư tưởng đạo lí, một lối sống, một hiện tượng tiêu cực hoặc tích cực của đời sống, một vấn đề thiên nhiên, môi trường...
Các dạng đề nghị luận xã hội
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí: Loại đề này thường là một câu danh ngôn, một nhận định, một đánh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn luận và thể hiện tư tưởng, quan điểm của mình.
Nghị luận về một hiện tượng đời sống: Loại đề này thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính chất thời sự được dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm.
Kiểu đề đọc hiểu kết hợp với nghị luận xã hội
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Song, đề nghị luận xã hội đã được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học cao đẳng từ năm 2009. Đề đọc hiểu được đưa vào các kì thi từ năm học 2013 – 2014. Kiểu đề đọc hiểu kết hợp với đề nghị luận xã hội được Bộ GD&ĐT đưa vào kì thi THPT quốc gia từ năm 2017. Nếu hai dạng đề đầu là những kiểu đề độc lập giữa hai phần thì kiểu đề thứ 3 là sự kết hợp giữa hai dạng đề. Phần nghị luận xã hội có vấn đề cần nghị luận nằm ngay trong ngữ liệu của phần đọc hiểu.
Xem 2 đề minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo TẠI ĐÂY
Ở cả hai đề minh hoạ, đề nghị luận xã hội của phần làm văn đều có vấn đề nghị luận được rút ra từ phần đọc hiểu. Đây là điểm mới phù hợp với hướng học tích hợp ngày nay đồng thời cũng phù hợp với mục đích của văn chương muôn đời là hướng về cuộc đời, về hiện thực xã hội. Việc tích hợp này vừa giúp tập trung vào một nội dung trên cùng văn bản, vừa đảm bảo thời gian phù hợp để có thể khai thác sâu luận đề chính theo hướng vận dụng cao.
Để đạt điểm tuyệt đối phần đọc hiểu kết hợp với nghị luận xã hội, thầy Nguyễn Văn Song lưu ý, bài làm của các em vừa phải đảm bảo yêu cầu của một đề đọc hiểu, vừa phải đảm bảo các thao tác làm văn nghị luận xã hội nói riêng.
Với các câu hỏi đọc hiểu
- Ở mức độ nhận biết và thông hiểu, cần trả lời ngắn gọn, chính xác theo đúng kiến thức đọc hiểu, đúng đặc trưng của các văn bản.
- Ở mức độ vận dụng, cần nêu được những nội dung thật cơ bản, viết theo hướng mở và linh hoạt.
Với yêu cầu về nghị luận xã hội
Học sinh cần bám vào các thao tác nghị luận xã hội kết hợp với viết đoạn văn để làm sáng tỏ điều cần nghị luận thông qua các thao tác giải thích, bình luận, đưa dẫn chứng và mở rộng. Cần viết tốt đoạn văn nghị luận xã hội theo yêu cầu hiện nay, thí sinh cần lưu ý:
- Nên viết đoạn theo hình thức tổng –phân – hợp. Câu mở đoạn là một câu chốt nhằm đưa ra một nhận định khái quát về vấn đề cần nghị luận. các câu tiếp theo triển khai làm sáng rõ vấn đề theo các thao tác giải thích, bình luận, chứng minh, mở rộng, liên hệ. Câu kết đoạn bày tỏ cảm xúc suy nghĩ hoặc đánh giá lại vấn đề cần nghị luận một cách sâu sắc.
- Chú ý xác định tốt vấn đề cần nghị luận. Có 3 dạng cơ bản có thể xuất hiện ở kiểu đề này: Nghị luận về một câu nói được rút ra từ văn bản đọc hiểu; nghị luận về một tư tưởng, đạo lý mang tính khái quát được rút ra từ phần đọc hiểu (lòng dũng cảm, niềm tin, lòng tự trọng, đức hi sinh...) và nghị luận về một hiện tượng đời sống có liên quan đến văn bản đọc hiểu (bệnh vô cảm, hiệu ứng đám đông, hiện tượng sống ảo...). Khi xác định được từng dạng sẽ tiến hành triển khai theo đặc trưng của từng dạng.
- Khi tiến hành viết đoạn nghị luận xã hội, thí sinh không nên sa đà, quẩn quanh ở nội dung của văn bản đọc hiểu mà cần phải coi đó như một vấn đề nghị luận xã hội mang tính khái quát để không bị sai lệch hướng đi.
- Câu văn cần phải được nén với các từ ngữ cô đọng, mang hàm lượng thông tin cao. Hết sức tránh lối viết câu lan man, dài dòng hoặc những câu văn vô thưởng, vô phạt, không tập trung làm sáng tỏ vấn đề.
"Văn bản phần Đọc hiểu và vấn đề xã hội cần bàn luận không nằm trong sách giáo khoa nên học sinh không cần học thuộc mà có thể vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học rồi suy nghĩ làm bài. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo viên và học sinh cần phải thay đổi cách dạy, cách học và cách kiểm tra đánh giá." - Thầy Nguyễn Văn Song nhấn mạnh.