Cách 'bỏ túi' kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp

GD&TĐ - Nhiều sinh viên đã chủ động đi thực tập, thực tế và tham gia các đề tài nghiên cứu cùng với thầy cô từ năm ba đại học...

Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại “Ngày hội hướng nghiệp” của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DT
Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại “Ngày hội hướng nghiệp” của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DT

Để đáp ứng đòi hỏi “đã có kinh nghiệm làm việc” của nhà tuyển dụng khi ứng tuyển ở một vị trí việc làm nào đó, nhiều sinh viên đã chủ động đi thực tập, thực tế và tham gia các đề tài nghiên cứu cùng với thầy cô từ năm ba đại học. Nhờ vậy, nhiều bạn chưa tốt nghiệp nhưng đã là nhân viên chính thức của nhiều tập đoàn.

Chủ động đi xin việc sớm

Anh Mạc Đức Hiền (là kỹ sư Phòng Phát triển và Nội địa hóa linh kiện Công ty TNHH Hyundai KEFICO Việt Nam) đã chủ động xin đi thực tập từ năm thứ ba đại học nhằm được tiếp xúc sớm với môi trường làm việc thực tế. Từ đó, anh Đức Hiền biết doanh nghiệp cần những gì ở một sinh viên mới ra trường. Đặc biệt, chàng kỹ sư này xác định được mảng mình yêu thích để hai năm học cuối tại trường có kế hoạch học tập, tích luỹ kinh nghiệm.

Từ thực tế bản thân đã trải qua, anh Đức Hiền chia sẻ: “Sinh viên kỹ thuật hiện nay nhiều bạn bị hạn chế về khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Do đó, tôi có một lời khuyên: Khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài kiến thức chuyên môn, chuyên ngành các bạn nên cải thiện kỹ năng giao tiếp, viết luận bằng tiếng Anh. Song song với đó, các bạn cũng cần tìm hiểu những yêu cầu tuyển dụng mà doanh nghiệp đưa ra để chuẩn bị hành trang cho mình khi xin việc”.

Chàng kỹ sư này cũng lưu ý thêm, những sinh viên đang học các ngành theo lĩnh vực kỹ thuật như công nghệ thông tin, ô tô, cơ khí… nên cố gắng tìm kiếm các chương trình thực tập sinh từ năm ba hoặc năm tư. Tuy thời gian thực tập khoảng 3 tháng đến 6 tháng không dài nhưng nó sẽ là tiền đề cho bạn biết năng lực mình đang mạnh, yếu ở đâu. Hoặc, bạn có thể làm thêm những công việc liên quan đến lĩnh vực kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Mặc dù đang là sinh viên năm cuối ngành Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng Trần Vũ Nam đã là nhân viên chính thức tại Tập đoàn LG. Để có được điều may mắn đó ngay từ cuối năm thứ tư đại học, Vũ Nam đã gửi hồ sơ xin đi thực tập cho nhiều công ty. Sau một vòng phỏng vấn, Vũ Nam được nhận vào thực tập sinh ba tháng tại Tập đoàn LG.

Theo Vũ Nam, khi tiếp cận sớm với doanh nghiệp chúng ta sẽ biết cách xử lí vấn đề, sự liên kết giữa các hệ thống, được rèn luyện thêm kỹ năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó, các bạn sẽ khắc phục được các điểm yếu, bớt thụ động trong giải quyết vấn đề. Được biết, trong quá trình làm thực tập sinh, Vũ Nam được trả lương tương đương với 80% lương chính thức.

Nam chia sẻ: “Nhà tuyển dụng thường đưa ra những đòi hỏi khi phỏng vấn đối với thực tập sinh là kỹ năng ngoại ngữ và kiến thức cơ bản về chuyên ngành mình học. Tuy nhiên với kinh nghiệm mà em đã trải qua, em nhận thấy tiếng Anh giao tiếp rất quan trọng. Ví dụ, tiếp xúc với công ty nước ngoài, có kỹ năng giao tiếp tốt bạn sẽ rất thuận lợi trong khi phỏng vấn và làm việc sau này. Hiện, em đang cố gắng đẩy tiến độ nhanh học các tín chỉ để tốt nghiếp sớm”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tận dụng cơ hội để tích luỹ kinh nghiệm

Hiện nay, nhiều tập đoàn đang chiêu mộ nhân lực năng lực bằng nhiều hình thức tuyển dụng khác nhau, trong đó có tuyển dụng sinh viên đang đi học với hình thức làm việc bán thời gian.

Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, chuyên viên tuyển dụng của Tập đoàn Toshiba cho biết: “Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, chúng tôi thường yêu cầu cần phải nắm rõ kiến thức liên quan đến chuyên ngành các bạn được học.

Trong quá trình làm việc, các bạn luôn cầu tiến, nỗ lực, có thái độ thiện chí, làm việc được trong môi trường đội nhóm. Ngoài ra, với những bạn đã từng có kinh nghiệm thực tập ở các doanh nghiệp khác hoặc làm việc trong các phòng nghiên cứu tại trường đại học, các bạn ấy có thêm một điểm cộng lớn”.

Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, Tập đoàn Toshiba tuyển dụng những sinh viên chưa tốt nghiệp để làm việc bán thời gian. Đối với vị trí này, sinh viên sẽ được làm kéo dài trong vòng 7 tháng.

Trong khoảng thời gian này, các bạn sẽ được tham gia vào dự án thực tế. Sau 7 tháng, nhóm trưởng sẽ đánh giá, nhận xét năng lực của từng người có phù hợp với vị trí đó hay không? Nếu bạn phù hợp sẽ được đề xuất lên chính thức và một mức lương phù hợp với mong muốn cũng như năng lực của bản thân.

Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh cũng chỉ ra những hạn chế mà sinh viên đang thiếu như kỹ năng chuẩn bị hồ sơ. Nhiều bạn viết hồ sơ còn sơ sài, chưa thể hiện được những kinh nghiệm hay thế mạnh của mình. Suốt quá trình học tập, các bạn chưa biết cách mở rộng liên kết, không tham gia vào những dự án thực tế hay phòng thí nghiệm của các trường đại học dẫn đến bị hạn chế trong quá trình bổ sung kiến thức cho mình.

“Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi chọn lọc để tuyển dụng nhân sự các doanh nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm, thời gian cọ xát thực tế với người vừa tốt nghiệp, đó cũng là điều dễ hiểu.

Bản thân em nhận thấy trong thiết kế chương trình đào tạo, nhà trường đã xây dựng các chương trình đi thực tập, thực tế hay khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học từ năm nhất để tích luỹ kinh nghiệm. Các nhà tuyển dụng họ cũng sẽ căn cứ vào đó đánh giá tiêu chí kinh nghiệm”, Trần Vũ Nam, sinh viên năm cuối ngành Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ