Giải bài toán kinh nghiệm cho sinh viên

GD&TĐ - Cùng với thời gian kiến tập, thực tập, học tập dựa trên công việc thực tế sẽ giúp các trường đại học cải thiện tỷ lệ việc làm cho sinh viên.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng thực hành hoàn chỉnh cho một tủ điện phân phối trong công nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng thực hành hoàn chỉnh cho một tủ điện phân phối trong công nghiệp.

Học tập dựa trên công việc thực tế

Sinh viên ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng) vừa có buổi tham quan thực tế tại trụ sở thứ 3 của Enouvo Space. Việc tìm hiểu về cách thức tổ chức và quy trình vận hành của Enouvo, sinh viên hình dung được vị trí việc làm, môi trường làm việc trong tương lai cũng như những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết; có cơ hội tiếp cận, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp…

Buổi trò chuyện về tiềm năng của Gen Z trong lĩnh vực công nghệ thông tin cùng một số trò chơi mang tính chất củng cố kiến thức chuyên ngành đã giúp sinh viên VNUK có những trải nghiệm quý báu trên hành trình khám phá bản thân.

Với học phần Quản trị Thương hiệu, sinh viên Khoa Marketing (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) được chia nhóm để xây dựng bộ nhận diện, câu chuyện thương hiệu cho một nhãn hàng cụ thể. Các dự án sẽ có một đêm diễn tùy theo chủ đề của từng năm học. Nguyễn Tấn Cầu – khóa 44K28 cho biết: “Tôi tin rằng chỉ khi thường xuyên làm việc và tiếp xúc với các doanh nghiệp mới giúp sinh viên dần dần có được sự nhạy bén, tinh tế trong nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Từ đó giúp sinh viên tự tin hơn khi tiếp cận công việc trong tương lai”.

Để tham gia các đêm diễn của Branding Contest 2022, 18 nhóm sinh viên của khoa phải bắt đầu từ công việc nghiên cứu thị trường để nhận diện cơ hội và nắm bắt nhu cầu khách hàng, sau đó xây dựng bộ nhận diện thương hiệu phù hợp. Quan trọng hơn cả là tìm ra cách thức tiếp cận khách hàng mục tiêu và bán sản phẩm thông qua chính sách truyền thông, chiến lược marketing đúng đắn.

Tuy nhiên, giảng viên phải xác định được những kiến thức nào có thể sử dụng hình thức dạy - học này vì nó giới hạn người học, người dạy trong một không gian cụ thể và phải tốn chi phí nhất định, ít nhất là phương tiện di chuyển. Chính vì vậy, giảng viên phải chọn ra những điển hình của công việc cũng như kiến thức liên quan đến học phần đó rồi tổ chức cho sinh viên đi thực địa thì mới có hiệu quả.

Sinh viên ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính tham quan thực tế tại trụ sở của Enouvo.

Sinh viên ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính tham quan thực tế tại trụ sở của Enouvo.

Tích hợp đào tạo kiến thức - kỹ năng và thái độ

Với học phần Thực hành, sinh viên ngành Hệ thống cung cấp điện - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng có thể tự thiết kế và thi công lắp đặt hoàn chỉnh cho một tủ điện phân phối trong công nghiệp. Nhiều cựu sinh viên đánh giá, thay đổi này đã tiệm cận với thực tế công nghiệp, bớt được nhiều bỡ ngỡ khi tham gia thị trường lao động.

Huỳnh Quốc Thái – khóa 2020, ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế - VNUK cho biết: “Trước khi đi thực tập, em chưa có định nghĩa rõ ràng về logistics vì mới học năm thứ 2, các kiến thức chuyên ngành cũng chưa nhiều. Nhưng thực tế, bản thân được làm công việc của một kiểm viên nhập và xuất kho hàng với hướng dẫn của các anh chị trong công ty”. Sau 2 tuần thực tập, Thái đã xin ứng tuyển vào vị trí trong bộ phận chuyển đổi số và được chấp nhận nhờ vào thái độ làm việc chuyên nghiệp và tinh thần cầu thị.

Thực tập hè là chương trình hàng năm của VNUK được tổ chức vào cuối mỗi năm học. TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Viện trưởng VNUK cho biết, tùy vào kinh nghiệm của sinh viên qua mỗi kỳ, sẽ có vị trí công việc khác nhau khi đến thực tế, thực tập tại doanh nghiệp. Ví dụ như ở năm 1, các em đã có kinh nghiệm bán hàng trong hồ sơ thì sang năm thứ 2 được bố trí một vị trí công việc cao hơn. Sinh viên sẽ có chứng chỉ hoàn thành các khóa thực tập, thực tế để bổ sung vào CV để ứng tuyển sau khi tốt nghiệp. Như thế, sinh viên khi vừa tốt nghiệp ra trường đã có 4 năm kinh nghiệm rồi.

“Trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, các doanh nghiệp thường yêu cầu người ứng tuyển phải có kinh nghiệm và điều này thường bị phản ứng là sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Nhưng chúng tôi nghĩ khác, các em có cơ hội tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm trong suốt 4 năm học đại học thông qua cách thức Học tập dựa trên công việc thực tế. Vị trí công việc của các tân kỹ sư, tân cử nhân phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm có được trong 4 năm làm sinh viên” - TS Nguyễn Thị Mỹ Hương chia sẻ.

PGS.TS Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Khác với dạy học theo dự án, giảng viên sẽ triển khai một dự án thực tế cho sinh viên thực hiện. Mỗi buổi học, giảng viên sẽ định hướng một phần của dự án cho đến cuối khóa thì sinh viên hoàn thành với sản phẩm cụ thể. Học tập dựa trên công việc thực tế sẽ gắn sinh viên với môi trường làm việc tại các đơn vị sản xuất, trường học, doanh nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.