Tư duy chưa thay đổi?
Thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) hiện toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 2.000 cơ sở đào tạo, gồm trên 400 trường CĐ, trên 580 trường trung cấp và gần 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trong số này có hơn 300 trường CĐ công lập.
Tuy vậy, đến thời điểm này mới chỉ có 3 trường Cao đẳng nghề được chọn thí điểm theo mô hình trên gồm: Trường Cao đẳng kỹ nghệ II (TPHCM), Cao đẳng nghề Lilama2 (Đồng Nai), Cao đẳng nghề Quy Nhơn( Bình Định). Điều đó cho thấy, rất nhiều trường vẫn chưa mạnh dạn thoát khỏi cơ chế bao cấp trong hoạt động để hướng đến tự chủ, tự đổi mới mình.
Nhìn nhận về thực trạng dù cơ chế chính sách đã có, nhưng không ai dám làm, ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cho rằng: Chính tư duy quản trị kiểu cũ, cùng sự e dè tiến đến việc thoát khỏi “bầu sữa” ngân sách sẽ khiến bộ máy hoạt động của trường bị xáo trộn, đã khiến các trường chưa dám tự chủ.
Theo ông Sâm, thực tế cho thấy qua 2 năm Luật giáo dục nghề nghiệp đi vào cuộc sống vẫn còn phần lớn các trường chưa xây dựng được lộ trình cụ thể. Việc bỏ ngỏ định khung và xây dựng lộ trình nhà trường theo hướng đổi mới, tiến dần đến tự chủ, theo ông, phần nào cho thấy nhiều cán bộ quản lý chưa thật sự suy nghĩ đến chuyện này. “Chủ trương tự chủ tài chính đã có, đây được xem là một trong những giải pháp để các trường tự thay đổi mình, từ đó thu hút người học, song hiện nay rất nhiều trường vẫn chưa nghĩ đến chuyện đó”- ông Sâm nói.
Theo ông Trần Ngọc Cường- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thủ Đức, thực tế việc hướng đến tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện là điều các cán bộ quản lý đều rất mong muốn. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế phải là một “khoảng hẹp” hợp lý, vừa phải thì các trường mới có cơ sở để xây dựng lộ trình phù hợp và ngay lập tức “dứt bầu sữa” ngân sách. Đằng này, tuyển sinh của các trường Cao đẳng và Trung cấp nghề ngày càng khó khăn, số lượng học sinh theo học trên tổng chỉ tiêu mỗi năm mỗi giảm thì ai dám tự chủ?
“Dù rất mong muốn và tâm huyết với lộ trình phát triển theo hướng tự chủ. Nhưng nói thật, đến thời điểm này trường tôi cũng chỉ tự chủ một phần theo Nghị định 43. Muốn tự chủ (đảm bảo bài toán kinh tế) thì cần phải tuyển sinh được. Nhưng 2 năm qua công tác tuyển sinh của trường hết sức khó khăn. Nếu chuyển qua tự chủ, chắc chắn thu sẽ không đủ bù chi, và nguy cơ “vỡ trận” là điều có thể nhìn thấy”- ông Cường chia sẻ.
Thực tế, bài toán tự chủ với các trường luôn đòi hỏi 3 yếu tố căn bản để các trường hướng đến sự đổi mới. Đó là tài chính, đội ngũ và cơ sở vật chất. Nhiều trường dù có cơ sở vật chất hết sức hoành tráng, đội ngũ GV đạt chuẩn và có tay nghề, nhưng do đặc thù của địa phương, đặc thù các ngành nghề đào tạo đã không đủ sức hút với các thí sinh (tuyển sinh không tốt) nên vẫn không thể đi đến tự chủ.
Tự chủ tài chính, đơn giản đó là tự cân đối thu, chi để có lãi. Khi tiềm năng kinh tế "có vẻ" không ổn, không bền vững sẽ không có nhiều hiệu trưởng mạnh dạn đi theo lộ trình trên cũng là điều dễ hiểu. Chính vì thế, theo ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, để tiến tới thực hiện tự chủ theo mục tiêu và lộ trình của Chính phủ, các trường đào tạo trình độ Cao đẳng, trung cấp cần phải thay đổi nhận thức về vấn đề tự chủ trong cán bộ, giảng viên.
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Để từ đó tập trung nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chứ không thể buông bỏ mãi được.
Giải pháp nào cho mục tiêu dài hạn?
Trao đổi với nhiều lãnh đạo các trường Cao đẳng và trung cấp nghề, các vị đều cho rằng: khúc mắc lớn nhất tạo nên rào cản cho lộ trình tự chủ chính là bài toán tuyển sinh. Chính việc phải luôn đau đáu suy nghĩ về chuyện “cơm áo-gạo tiền” cho nhà trường đã khiến không nhiều cán bộ quản lý dám đi đến tự chủ.
Một hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề được thí điểm tự chủ cho biết: Việc trường ông được chọn thí điểm theo mô hình tự chủ mang đến rất nhiều niềm vui cho Ban giám hiệu nhà trường, nhưng đi theo nó cũng không ít áp lực. “Áp lực ở đây chính là sự cân đối thu chi. Cân đối các chính sách hỗ trợ và phúc lợi cho GV, CNV và cả chính sách hỗ trợ, học bổng cho sinh viên. Năm đầu trường thực hiện tự chủ, mọi thứ chưa đến nỗi quá áp lực bởi cơ bản nền tảng tài chính của trường vẫn tương đối ổn. Nhưng với chính sách thi cử, tuyển sinh thông thoáng như 2 năm nay, chúng tôi thật sự khá lo lắng. Năm ngoái trường đã thiếu mất 23% tổng chỉ tiêu cần tuyển. Năm nay, chỉ cần trường tuyển sinh thiếu khoảng 35% tổng chỉ tiêu, chắc chắn bài toán tự cân đối sẽ gặp không ít khó khăn”- ông N nói.
TS Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết: Để tự chủ được, bắt buộc các trường phải thu học phí cao. Nhưng thực tế xã hội hiện nay, rất nhiều người học không thể chấp nhận chuyện học trường nghề mà học phí xấp xỉ với học phí đại học. Chính vì thế, theo TS Hằng, giải pháp cho bài toán tự chủ của các trường Cao đẳng, trung cấp chính là cần phải có một mô hình tài chính mới để có thể vừa đảm bảo vận hành các hoạt động của trường vừa giúp học sinh có thu nhập thấp hoặc trung bình vẫn có thể theo học.
Theo lộ trình, các trường Cao đẳng nghề và TCCN sẽ phải bắt đầu tự chủ vào năm 2018. Nhận thức đây là một xu thế tất yếu của giáo dục, các trường Cao đẳng nghề và TCCN dù chưa muốn vẫn phải chuẩn bị tâm thế để “đối mặt” dù biết có nhiều khó khăn. Nhìn thẳng vào thực tế đầy thách thức mà các trường phải đối mặt, ông Võ Phước Nguyện - Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH TPHCM cho rằng: Việc Bộ LĐTB&XH sớm có các văn bản, thông tư hướng dẫn chi tiết cho các trường về lộ trình tự chủ là hết sức cần thiết. Đặc biệt là cần có lộ trình tự chủ từng phần, sau đó mới hướng đến toàn phần. Chứ cứ để các trường tự xoay sở như hiện nay là hết sức khó khăn.
“Cái lợi của tự chủ tài chính ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp ai cũng có thể nhìn thấy, nếu nó thành công. Tuy nhiên, với thực tế phần lớn các trường đang tuyển sinh hết sức khó khăn như hiện nay, việc cắt ngân sách theo lộ trình sẽ khiến không ít trường “chết”. Vì cơ bản, họ chưa thể tự cân đối thu chi trong thời điểm hiện tại”- ông Nguyện nói.
Cùng chung góc nhìn với ông Võ Phước Nguyện, TS Nguyễn Phan Hòa - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo (quận 3, TPHCM) cho rằng: Khi đã tự chủ, trường bắt buộc phải tính toán lại về đội ngũ giáo viên, cân đối lại nhiều mặt… để tránh “vỡ” quỹ chi. Cái quan trọng nhất vẫn là cơ chế. Do đó, ông cho rằng khi tiến tới tự chủ tài chính thì các trường có quyền hạn gì, thực thi ra sao là điều quan trọng nhất trong lộ trình thực hiện.
“Theo tôi được biết, đến năm 2018, trường nghề phải tự chủ là hơi gấp. Chúng ta cần có lộ trình và ngân sách cắt giảm từ từ theo hướng giảm dần, và sau đó dứt hẳn chứ dứt liền thì rất khó. Trường chúng tôi cũng đã bàn với UBND Quận 3 theo hướng là sẵn sàng tự chủ nhưng phải có chế độ gì đó cho mình”- ông Hòa nói.