Các trường ĐH, CĐ phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển

GD&TĐ - Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cùng các địa phương, nhiều trường ĐH, CĐ đã chuẩn bị sẵn sàng phương án xét tuyển sinh cho mình.

Đề thi phân hóa tốt, thí sinh và các trường thuận lợi trong xét tuyển
Đề thi phân hóa tốt, thí sinh và các trường thuận lợi trong xét tuyển

Kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 này, cả nước có hơn 2,75 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, với 381 đơn vị tham gia xét tuyển, tổng chỉ tiêu là 449.559 chỉ tiêu (tăng 1,2% so với năm 2017). Năm 2018, đề thi THPT quốc gia được các chuyên gia tuyển sinh đánh giá là phân hóa rất tốt, điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện xét tuyển thuận lợi cho các trường tuyển sinh với những đặc thù riêng.

Đề cao trách nhiệm xã hội

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, với 2,75 triệu nguyện vọng, tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu đạt 6,04; 89,51% số nguyện vọng tập trung vào 5 tổ hợp tuyển sinh truyền thống, còn lại là 400 tổ hợp với 10,49% nguyện vọng. Một điểm mới là năm nay việc xét tuyển ĐH, CĐ là các trường tự xác định điểm sàn, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Điều này khiến các trường buộc phải tự chủ theo đúng trách nhiệm của mình chứ không còn dựa vào những quy định của Bộ như những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có những quy định để kiểm soát, tránh việc làm quá, đó là chỉ những trường đã kiểm định được tự xác định chỉ tiêu còn các trường chưa được kiểm định thì tự xác định chỉ tiêu nhưng không vượt quá so với chỉ tiêu các năm trước.

Vui vẻ sau kỳ thi
 Vui vẻ sau kỳ thi

Trước những ngày thi THPT quốc gia, một số ít trường đưa ra những tổ hợp lạ, sau khi được xã hội và các chuyên gia cảnh báo về những tổ hợp này không giúp ích gì tuyển sinh mà chỉ nhằm lôi kéo thí sinh, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học. Sau đó những tổ hợp lạ này đã được các trường rút lại.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tạo điều kiện tuyển sinh cho các trường, tăng cơ hội xét tuyển cho người học, nhưng cũng phải đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Từ việc Bộ GD&ĐT nhắc nhở những trường tuyển sinh bằng tổ hợp lạ, các trường đã phải điều chỉnh theo quy định, cho đến yêu cầu các trường ĐH phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây là những yêu cầu bắt buộc để nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Nhận định về việc này, PGS.TS Lê Văn Thanh - chuyên gia tuyển sinh đến từ Viện Đại học Mở Hà Nội - cho rằng: Đã có các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đến các trường để kiểm tra việc kê khai chính xác hay không các thông tin Bộ yêu cầu công khai. Chắc chắn sẽ có những trường bị nhắc nhở vì thông tin chưa đúng.

Nhưng tôi cho rằng, ý nghĩa hơn nữa của việc này là yêu cầu sự chính xác trong công khai, minh bạch về các hoạt động đào tạo, việc làm của nhà trường và sinh viên sau tốt nghiệp. Các trường có làm tốt việc này thì cũng đồng nghĩa với việc xây dựng thương hiệu, thu hút người học. Trách nhiệm với người học, trách nhiệm giải trình xã hội của các trường chính là đây, chứ không phải là đưa ra những con số đẹp để nói là công khai nhằm lôi kéo người học.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, với 2,75 triệu nguyện vọng, tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu đạt 6,04; 89,51% số nguyện vọng tập trung vào 5 tổ hợp tuyển sinh truyền thống, còn lại là 400 tổ hợp với 10,49% nguyện vọng.

Điểm trúng tuyển còn phụ thuộc phổ điểm

Nhóm các trường kinh tế luôn được thí sinh ngóng trông nhiều nhất. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương (vừa tổ chức phối hợp thi THPT quốc gia với tỉnh Nam Định), đã vui vẻ thông báo: Kỳ thi năm nay tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp.

Theo thực tế ở Nam Định và phản ánh không khí trên cả nước là thí sinh làm bài nghiêm túc, không vi phạm quy chế, cùng với đó việc đề thi phân hóa tốt chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho các trường ĐH,CĐ, đặc biệt là trường top trên như Trường Đại học Ngoại thương xét tuyển sinh. Với điểm thi như năm nay, điểm chuẩn của Đại học Ngoại thương có thể sẽ thấp hơn năm 2017 tùy theo tổ hợp xét tuyển. Sẽ còn một lần cuối cùng được điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh sau khi biết điểm thi nên tự đánh giá lại. Các bạn nên nhớ là Trường Đại học Ngoại thương có lượng hồ sơ ĐKXT khá đồng đều các năm, nên điểm trúng tuyển luôn ổn định ở mức cao.

Trong số các trường kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng được số đông thí sinh quan tâm đăng ký xét tuyển. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải: Đề thi năm nay được đánh giá khó hơn năm ngoái, mức điểm xét tuyển của trường cụ thể thế nào chúng tôi phải đợi kết quả sơ bộ mới đưa ra dự đoán được. Năm 2017, điểm chuẩn của trường dao động từ 16,5 - 22 điểm.

Năm nay số hồ sơ ĐKXT vào trường tương đương năm ngoái nhưng không đồng đều giữa các ngành. Những ngành như Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử có số hồ sơ đăng ký tăng, trong khi một số ngành khác giảm. Thí sinh cũng cần lưu ý là điểm xét trúng tuyển còn phụ thuộc vào phổ điểm thi, có thể với các ngành có điểm trúng tuyển cao nhất, do đề thi năm nay khó hơn thì điểm có thể hạ, nhưng với những ngành mức điểm phổ biến từ 16 – 18, rất có thể là điểm chuẩn trúng tuyển không thay đổi.

Trong khối các trường Y - Dược, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại họcY Hà Nội cho biết: Đề thi khó hơn năm 2017 giúp phân loại thí sinh tốt hơn thì xu hướng điểm chuẩn giảm một chút là điều có căn cứ. Tuy nhiên chưa thể đưa ra dự đoán giảm bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào phổ điểm thi của thí sinh cũng như tỷ lệ xét tuyển vào trường và những ngành đào tạo. 

 Năm 2017, điểm chuẩn vào Trường Đại học Y Hà Nội cao nhất là 29,25 điểm (ngành Y đa khoa), các ngành còn lại từ 26 đến 28 điểm trừ Y tế cộng đồng và Dinh dưỡng - 24 điểm. Thí sinh nên nhớ là điểm trúng tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội hàng năm luôn ở mức rất cao. Thế nên năm nay, dù đề thi khó hơn, có thể phổ điểm thi của thí sinh thấp hơn, tuy nhiên chỉ tiêu đào tạo của trường không nhiều, các ngành đào tạo bác sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội vẫn có sức hấp dẫn lớn, đó là điều thí sinh cần lưu ý. - Ông Nguyễn Hữu Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.