PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, để cùng nhìn lại một mùa thi…
PV: Để đánh giá một cách ngắn gọn về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông sẽ chia sẻ điều gì?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng. Kỳ thi tiếp tục giữ ổn định so với năm 2017, chỉ điều chỉnh một số giải pháp kỹ thuật để đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, kết quả tin cậy hơn. Bộ GD&ĐT đã chủ động ban hành sớm các quy chế, văn bản hướng dẫn, tập huấn kỹ lưỡng về quy chế, phần mềm phục vụ kỳ thi. Các Bộ, ngành chủ động phối hợp với Bộ GD&ĐT trong phân công trách nhiệm và phối hợp liên ngành. Các địa phương cũng đã nỗ lực cao, trong đó, có việc chuẩn bị tốt phương án dự phòng với các tình huống bất thường, đặc biệt là các tỉnh miền núi bị mưa lũ, sạt lở đất vừa rồi.
PGS.TS Mai Văn Trinh |
Do đó, kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã thành công thể hiện trên một số nét chính: Duy trì tốt kỷ cương trường thi và kỷ luật phòng thi; tổ chức thi trật tự an toàn, nhẹ nhàng, nghiêm túc; cơ sở vật chất đáp ứng đúng quy chế. Các địa phương nỗ lực cao, giành tất cả những gì tốt nhất cho kỳ thi. Các thí sinh được thi ngay tại địa phương, “đi thi như đi học”, giảm áp lực kinh tế và đi lại; tổ chức thi nhẹ nhàng, hợp lý, được xã hội đồng tình ủng hộ.
Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa trường ĐH, CĐ và các Sở GD&ĐT địa phương; đề thi được phân hóa tốt, bảo mật tuyệt đối tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
PV: Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng, đề thi năm nay khó hơn năm ngoái, có những câu mà ngay cả người lớn cũng không trả lời được, trong khi kỳ thi này được nhấn mạnh là để xét tốt nghiệp THPT. Ông bình luận gì về ý kiến này?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Đề thi đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt khi Kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi bám sát chương trình phổ thông, nội dung nằm trong Chương trình lớp 11 và 12, chủ yếu ở lớp 12. Bộ đã sớm công bố đề tham khảo nhằm giúp giáo viên và học sinh có thời gian định hướng trong dạy học và ôn tập. Đề thi có khoảng 60% câu hỏi xét tốt nghiệp THPT, 40% câu hỏi nâng cao dần, có tính chất phân hóa cao hơn để phục vụ mục tiêu xét tuyển ĐH, CĐ.
Sự phân hóa này là cần thiết, phù hợp với sự đa dạng trong tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ; đặc biệt phù hợp với phương thức tuyển sinh mang tính cạnh tranh, khi quy mô của các trường chưa thể đáp ứng. Do đó, độ phân hóa nằm ở 40% câu hỏi khó là hết sức cần thiết, hỗ trợ tốt hơn cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
PV: Ông đánh giá cách thức tổ chức thi tại các địa phương năm nay ra sao, liệu có chuyện coi thi “lỏng” hay “chặt” giữa các tỉnh và các thành phố lớn?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Trước hết phải khẳng định, Kỳ thi THPT năm 2018 và các năm trước đây được tổ chức trong cùng một khuôn khổ của một quy chế, một quy trình kỹ thuật nên nó hoàn toàn thống nhất, không có sự phân biệt giữa các vùng miền. Qua báo cáo và kiểm tra thực tế, cả hơn 2.000 Điểm thi trên toàn quốc, từ thành phố đến miền xuôi, từ miền núi đến hải đảo đều được chuẩn bị chu đáo.
Thực tế cho thấy, ở các vùng khó khăn hơn như miền núi, hải đảo công tác tổ chức thi lại càng được chuẩn bị tốt với sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội. Qua cuộc thi này một lần nữa cho thấy, công tác thi cử của Ngành Giáo dục đã nhận được sự quan tâm chung của cả nước, góp phần tô đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta.
PV: Trước lo ngại của dư luận về sự lộn xộn có thể xảy ra trong quá trình tổ chức bài thi tổ hợp, kỷ luật phòng thi năm nay được thắt chặt thế nào, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Không chỉ các bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội mà ở tất cả các môn thi, kỷ luật phòng thi đều được thắt chặt. Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để học sinh nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tuân thủ kỷ luật thi; tập huấn kỹ về quy chế, đặc biệt là kỹ năng phát hiện các thiết bị gian lận công nghệ cao cho giám thị coi thi.
Về mặt kỹ thuật, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng; một phòng thi có 2 cán bộ coi thi (1 cán bộ từ trường ĐH, CĐ và 1 cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh, trong đó giáo viên không coi thi học sinh lớp 12 mình vừa giảng dạy) và 1 cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi. Bên cạnh đó, công tác thanh tra cũng có những điều chỉnh, ngoài 11 đoàn thanh tra lưu động, trung bình 1 điểm thi sẽ có thêm 2 thanh tra “cắm chốt” với gần 4.000 thanh tra viên trên toàn quốc. Với các biện pháp trên, kỷ luật phòng thi đã được duy trì khá tốt.
Kỳ thi nhẹ nhàng giúp thí sinh làm bài thi trong điều kiện tốt nhất |
PV: Năm nay có phát hiện ra vụ nào sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi không, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Do Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an phối hợp rất tốt trong phòng ngừa thiết bị gian lận công nghệ cao nên đến thời điểm này, chưa phát hiện trường hợp nào. Trong hơn 900 nghìn thí sinh dự thi, chỉ có 73 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi.
PV: Theo ông, phổ điểm của thi của thí sinh năm nay nằm ở quãng nào, mặt bằng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ cao hơn hay thấp hơn năm 2017?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Điều này chỉ có thể nói được sau khi có điểm thi và phổ điểm thi các môn. Tuy nhiên, qua phân tích của đề thi, độ phân hóa tốt hơn 2017 nên điểm thi chắc chắn sẽ không cao hơn năm 2017. Khi có kết quả thi, thí sinh nên dựa vào chỉ tiêu, điểm chuẩn xét tuyển của các trường ĐH, CĐ và điểm thi của mình để điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, tăng khả năng trúng tuyển.
PV: Sau 4 năm chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, theo ông, công tác thi còn có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm, cần lưu ý để kỳ thi năm sau được tổ chức tốt hơn?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Qua 4 năm tổ chức kỳ thi, đặc biệt là năm 2017, 2018 với phương thức tổ chức điểm thi ngay tại các huyện, thí sinh “đi thi như đi học” cùng với các giải pháp kỹ thuật kèm theo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Sở GD & ĐT và các trường ĐH, CĐ đã khẳng định tính hợp lý của kỳ thi. Kỳ thi ngày càng nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm túc, tin cậy, các trường ĐH, CĐ yên tâm xét tuyển. Đa phần dân chúng tại các địa phương mà chúng tôi có điều kiện trao đổi, gặp gỡ đều ủng việc hộ việc nên tiếp tục duy trì Kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, chúng ta có thể làm cho kỳ thi tốt hơn, nhẹ nhàng hơn bằng cách tăng cường ứng dụng CNTT vào khâu tổ chức thi; ngân hàng đề thi tiếp tục được bổ sung phong phú hơn nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác ra đề thi, đảm bảo tính chính xác, tin cậy cho kỳ thi.
PV: Công tác chấm thi sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo có thể công bố điểm thi vào ngày 11-7 tới, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Năm nay, Bộ hướng dẫn chấm thi cụ thể hơn. Ví dụ: làm phách một vòng hoặc hai vòng đối với môn thi tự luận, cách ly cán bộ trong quá trình đánh phách; chấm tối thiểu 5% bài thi để điều chỉnh tiến độ chấm thi. Bài trắc nghiệm khách quan chấm bằng máy với quy trình chặt chẽ, trong đó có xác định tình trạng niêm phong với chữ ký của cán bộ coi thi, đặc biệt là các Phó trưởng điểm thi là cán bộ đến từ các trường ĐH, CĐ. Quá trình chấm, có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh.
Thực tế 4 năm qua, hầu như không có trường hợp bài thi trắc nghiệm nào mà chấm phúc khảo xong phải thay đổi kết quả thi. Điều này cho thấy, chúng ta có thể yên tâm việc chấm thi trắc nghiệm. Sau khi chấm thi xong, các địa phương sẽ tập trung đối chiếu kết qủa để công bố đúng kế hoạch vào ngày 11-7 tới.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Mai Văn Trinh.