Lo mất nguồn sinh viên từ EU
Tại Trường ĐH Cambridge, sinh viên tại 31 trường thành viên của Trường ĐH nổi tiếng thế giới này đã nghỉ hè, nhưng với đội ngũ giảng viên còn làm việc tại trường thì từ Brexit luôn được mọi người nhắc tới và bàn luận.
“Đó là chủ đề trò chuyện và thảo luận duy nhất” - Athene Donald, Hiệu trưởng Trường Churchill College, nhấn mạnh rằng vẫn “quá sớm để biết được hậu quả sẽ ra sao”.
“Thị phần EU” của ĐH Cambridge và cả nước Anh là rất lớn: Hơn 125.000 sinh viên châu Âu đang học tại các trường đại học Anh trong năm nay, tương đương 5% tổng số sinh viên; trong khi 15% giảng viên đến từ các quốc gia EU khác.
Các trường đại học Anh nhận 836 triệu bảng Anh (1,5 tỉ USD) tiền trợ cấp và từ các hợp đồng nghiên cứu riêng trong năm học 2014 - 2015.
Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 mà phe Brexit (ủng hộ Anh rời bỏ EU) thắng thế, nhiều trường đại học đã tìm cách trấn an sinh viên đến từ các quốc gia EU khác, đặc biệt đối với mối lo học phí.
Cho đến hiện tại, sinh viên thuộc EU không phải đóng mức học phí như sinh viên từ các nơi khác trên thế giới - đối tượng phải đóng mức học phí cao hơn nhiều.
Trấn an
“Năm học 2016 - 2017, mức học phí sẽ vẫn không thay đổi, các bạn sinh viên vẫn được tiếp cận khoản vay chính phủ giống như sinh viên có hộ chiếu Anh” - Michael Arthur, Hiệu trưởng University College London, phát biểu trên một đoạn video đăng trên YouTube nhằm trấn an sinh viên EU.
Bộ trưởng Đại học Anh Jo Johnson cũng lên tiếng bảo đảm sau cú sốc bỏ phiếu Brexit: “Vương quốc Anh chào đón sinh viên EU. Sinh viên hiện tại và ứng viên trong mùa thu này sẽ tiếp tục được nhận hỗ trợ tài chính cho cả khoá học”.
Scotland, quốc gia “chung xuồng” theo Anh sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, không hề muốn tách khỏi EU. Bà Sturgeon, thủ hiến Scotland cho biết chính quyền nước này đã nhất trí kêu gọi “lập tức thảo luận với các thiết chế của EU cùng một số quốc gia thành viên khác để nghiên cứu mọi phương án có thể nhằm bảo vệ vị trí của Scotland trong EU”. Chính quyền Scotland cũng hứa hẹn Scotland sẽ vẫn là một “điểm lựa chọn” đối với sinh viên EU.
Ngoài EU, Anh cũng sẽ phải đàm phán về vai trò tham gia trong chương trình Erasmus (một chương trình trao đổi sinh viên của EU được thành lập vào năm 1987) mà có hơn 200.000 sinh viên Anh đã đăng kí.
“Chúng tôi nhận được email từ các sinh viên Anh bày tỏ buồn bã sau cuộc trưng cầu dân ý” - Dolores Sobrino, giảng viên Trường ĐH Paris – Sorbonne danh tiếng của Pháp, cho biết. Trường này có 27% sinh viên chương trình Erasmus đến từ Anh. “Chúng tôi nói với họ đừng quá lo lắng bởi việc đăng kí học tại Sorbonne của họ chưa bị xem xét vào lúc này” – Dolores nói.
“Tuy nhiên, vấn đề có thể nảy sinh trong vài năm tới, nếu Anh rời bỏ chương trình Erasmus +, rào cản đi lại giữa Anh và EU sẽ khiến sinh viên châu Âu không dễ để vào Anh” - Hiệu trưởng Churchill College dự báo - “Nhưng chúng tôi vẫn có một nguồn sinh viên lớn từ Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Điều chúng tôi lo lắng hơn là ngân quỹ cho nghiên cứu”. Hiện tại Churchill College tiếp nhận 1/4 ngân quỹ cho các dự án nghiên cứu khoa học từ EU.