Đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học, đại biểu Triệu Thế Hùng - đoàn Lâm Đồng cho rằng, Luật Giáo dục đại học 2012 là đạo luật chuyên ngành đầu tiên về lĩnh vực giáo dục đại học, trong đó có phạm vi điều chỉnh về đào tạo nhân lực chất lượng cao. Luật đã tạo hành lang pháp lý về giáo dục đại học.
Đại biểu Triệu Thế Hùng |
Tuy nhiên, trong gần 6 năm qua, môi trường pháp lý có nhiều bước tiến quan trọng về đổi mới giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Một số quy định trong giáo dục đại học không còn phù hợp.
Đại biểu Hùng đề xuất, cần thiết đẩy mạnh tự chủ đại học. Dự thảo đã thể hiện rõ ràng vai trò của hội đồng trường như một thiết chế nhằm thực hiện quyền tự chủ đại học.
Cho rằng, dự thảo đã đẩy mạnh hơn về tự chủ nhân sự và tự chủ tài chính, đại biểu quan tâm đến tự chủ về học thuật. Giáo dục đại học là trí tuệ vì thế đòi hỏi tư duy cao, khai phóng được sáng tạo. Từ đó tạo ra tri thức mới đóng góp vào kinh tế xa hội.
Đại biểu Hùng nhấn mạnh, tự chủ học thuật là chìa khóa thành công của các nước tiên tiến. Bài toán toán tự chủ không chỉ giải quyết chỉ trong luật này, mà luật khác. Vì thế rất mong Quốc hội ủng hộ để luật đi vào thực tế cuộc sống.
Đại biểu Hùng đề nghị, cần tăng số lượng và chất lượng các trường tư thục. Giảm trường công kém chất lượng. Đồng thời sáp nhập hoặc giải thể những trường yếu kém.
Mặt khác quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, quan tâm chăm lo đến các trường tư thục không vì lợi nhuận, nhưng cũng không được thương mại hóa giáo dục.
Cũng theo đại biểu, Luật cần tìm ra điểm then chốt nhất để tạo hành lang pháp lý cho đại học phát triển theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan |
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, giáo dục đại học là vấn đề lớn và khó. 6 năm qua, Luật Giáo dục ĐH năm 2012 đã góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên thời gian gần đây, điều kiện kinh tế xã hội và bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nên Luật Giáo dục đại học bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Đánh giá cao Ban soạn thảo đã nghiêm túc, cầu thị với các ý kiến góp ý khi xây dựng dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá, dự thảo lần này có bước tiến quan trọng trong cách tiếp cận, tư tưởng chỉ đạo, phản ánh tư duy mới về giáo dục đại học, thể chế hóa rõ hơn quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Dự thảo cũng quy định rõ hơn về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế giải trình của cơ sở giáo dục đại học, quy định rõ hơn về quản trị đại học, trách nhiệm của Hội đồng trường…
Dù có nhiều điểm mới, nhưng hồn cốt vẫn là Luật Giáo dục 2012, do đó, Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, không nên coi đây là luật mới mà chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2012.
Để dự thảo Luật đạt đồng thuận cao, ngoài đổi mới quản trị đại học, chương trình đào tạo, phân tầng xếp hạng đại học - đã được nhiều đại biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lan đồng thời nhấn mạnh thêm đến vấn đề quy hoạch mạng lưới trường đại học, tránh mở quá nhiều trường; cần rà soát lại các điều kiện mở ngành, có quy định riêng với một số ngành nghề đặc biệt; vấn đề tài chính và đầu tư cho đại học, nhà nước vẫn cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo một số ngành đặc thù, ngành khó xã hội hóa cấp kinh phí thông qua hình thức đặt hàng; tự chủ không có nghĩa là để trường đại học tự lo…
Ghi nhận và đánh giá cao Ban soạn thảo, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – đoàn Quảng Ngãi đề xuất: đối với quy định về cơ sở giáo dục đại học, cần làm rõ thêm quy định phát triển cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng. Đồng thời, cần có quy định ràng buộc về mặt pháp lý đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.
Liên quan đến quy định chương trình, giáo trình đại học, Dự thảo cần quy định thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để đáp ứng với yêu cầu phát triển, phù hợp với thực tiễn.
Việc mở ngành đạo tạo cũng phải phù hợp với phát triền nguồn nhân lực, tránh lạm dụng mở ngành nhưng cũng không được gây khó khăn cho các trường khi mở mã ngành.
Về kiểm định chất lượng giáo dục, nên chăng nghiên cứu thêm về quy định trách nhiệm để đảm bảo hiệu quả cao nhất
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thêm quy định về tài chính.
Đại biểu Trần Văn Mão |
Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) cho biết, tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học. Góp ý thêm cho dự thảo, Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, xếp hạng đại học không nên do Chính phủ quy định; cần có cơ chế để Hội đồng trường hoạt động đúng với vai trò, chức năng và có cơ chế kiểm soát quyền lực của Hội đồng trường, tránh hình thành các nhóm lợi ích; nên quy định kết thúc chương trình đào tạo trên cơ sở số tín chỉ, số môn và số tiết; cân nhắc quy định mở mã ngành…
Cũng theo Đại biểu Mão, dự thảo có 33 điều cơ bản được sửa đổi nên có thể đổi tên Luật thành Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Đại biểu Phùng Đức Tiến |
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) góp ý cho dự thảo Luật một số điều liên quan đến xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học, liên kết đào tạo, mô hình tổ chức đại học, đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ.
Đại biểu nhất trí với việc khuyến khích các trường tham gia xếp hạng khu vực và quốc tế, tuy nhiên, đại biểu Tiến băn khoăn xếp hạng của các trường ĐH Việt Nam còn thấp; không phải trường nào cũng hào hứng tham gia xếp hạng và không phải bảng xếp hạng nào cũng thực chất.
Về mô hình đại học, đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, cần quy định rõ ở Việt Nam có mô hình giáo dục đại học nào; hiện ta đang tồn tại 5 mô hình, chưa có một đánh giá cụ thể nào với 5 mô hình này về sự thích hợp và hiệu quả trong hoạt động.
Về đào tạo sau đại học, đại biểu Tiến đề nghị cần triển khai nghiêm túc hơn nữa, thực chất hơn nữa trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao chất lượng đào tạo bậc học này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa |
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học là cần thiết để phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để giáo dục đại học phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu Hoa mong muốn, Ban soạn thảo nên chọn những vấn đề căn cơ nhất để sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo động lực phát triển cho giáo dục đại học.
Góp ý về nội dung quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học, đại biểu Mai Hoa cho rằng, nên giảm mạnh trường công, tăng trường tư theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo. Cần có cuộc cách mạng về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, mở rộng các trường tư thục theo nghị quyết 29.
Nhất trí với việc tăng quyền tự chủ cho các trường, đại biểu Hoa nhấn mạnh: Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội. Quyền tự chủ của các trường đại học là vấn đề then chốt và được nhấn mạnh trong dự thảo Luật nhưng cũng cần làm rõ nội hàm, nội dung, phương thức, các tiêu chí và điều kiện để các trường tự chủ.
Theo đại biểu, trường học cũng cần kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhưng không được thương mại hóa trường học.
Đại biểu Hồ Thanh Bình |
Liên quan đến xếp hạng đại học, Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) góp ý: Xếp hạng góp phần phát triển lành mạnh các cơ sở giáo dục đại học. Việt Nam chưa có thông tin chính thống về phân loại, xếp hạng đại học, dù đã có quy định trong luật hiện hành. Thí sinh chọn trường chủ yếu dựa vào truyền thông, bạn bè, truyền thống của cơ sở giáo dục đại học… Nhà nước cần khuyến khích hình thành các hoạt động xếp hạng, phân loại cơ sở giáo dục đại học; cũng cần xếp hạng giáo dục ĐH Việt Nam theo chuyên ngành, đây là xếp hạng thiết thực cho người học để có thông tin trong chọn ngành học.
Về Hội đồng trường, Đại biểu Hồ Thanh Bình cho rằng, cần có cơ chế phát huy vai trò của Hội đồng trường để quy định trong luật đi được vào cuộc sống.
Về tự chủ và trách nhiệm giải trình, Đại biểu Bình nhận xét có nhiều tiến bộ và cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò tạo sân chơi bình đẳng các cơ sở giáo dục đại học và xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp với sân chơi đó. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi thích hợp và khuyến khích với các cơ sở giáo dục đại học có tiến bộ trong quá trình tự chủ.
Cũng theo Đại biểu Hồ Thanh Bình, cần xem lại Điều 36 về chương trình, giáo trình đại học để đảm bảo việc tự chủ cơ sở giáo dục đại học được thực hiện quyết liệt hơn, đảm bảo hiệu quả học thuật và kinh tế của quá trình đào tạo…
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai |
Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên), Luật Giáo dục đại học 2012 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Minh chứng rõ nét nhất là chúng ta có 2 trường đại học lọt vào top 1.000 các trường tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh những bất cập về tự chủ, quản trị… Do vậy, việc sửa Luật là cần thiết nhằm khắc phục hạn chế trong thực tiễn.
Đại biểu đề nghị làm rõ trong dự thảo Luật, việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học theo tự nguyện hay bắt buộc và có tiêu chí cụ thể. Để đảm bảo tính hợp lý, dự thảo luật cần giải trình thêm để thể hiện không phân biệt đối xử giữa các trường tư thực, trong đó có trường tư thục có vốn đầu tư của nước ngoài.
Về tự chủ, quy định trong dự thảo là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thực tế, các trường được thí điểm tự chủ đã có kết quả tích cực.
Vấn đề quan tâm nhất đó là chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng dịch vụ đào tạo. Đại biểu Mai đề nghị dự thảo Luật quy định rõ thêm về vấn đề này và có quy định về học phí, cũng như kiểm định chất lượng.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh |
Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, thành phần Hội đồng trường chiếm 30% là cần thiết, nhưng cách diễn đạt các thành phần cộng đồng xã hội tại khoản 3, điều b chưa rõ ràng. Điều kiện làm chủ tịch Hội đồng trường là “có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học”, nhưng cụ thể là làm việc gì, thời gian bao lâu, cần quy định rõ hơn.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị: Không nên quy định cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài tự xác định cơ cấu tổ chức. Về thời gian đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, dự thảo quy định là thời gian học tập trung, vậy thời gian học không tập trung kéo dài bao lâu, cần quy định rõ hơn tại Điều 25, khoản 2. Bên cạnh đó, một số quy định cần lưu ý tính thống nhất đến các văn bản pháp luật khác.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí |
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao Ban soạn thảo đã hết sức nỗ lực để soạn thảo ra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học vì đây là luật khó.
Nhận xét quy định về giảng viên, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhất trí với ý kiến Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về dự thảo luật này. Cụ thể: “Dự thảo đã bổ sung vào khoản 2 Điều 54 quy định: “Giảng viên đạt chuẩn chức danh theo quy định thì được hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật và quy định của cơ sở giáo dục đại học”. Đây là quy định nhằm phát huy quyền tự chủ về nhân sự của cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, vì đây là quyền tự chủ theo năng lực về nhân sự của nhà trường nên đề nghị nghiên cứu quy định các chuẩn chức danh trong Luật để bảo đảm tính khả thi ngay khi Luật được ban hành. Nghiên cứu quy định giao quyền cho nhà trường trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm giảng viên vào các ngạch, bậc từ giảng viên đến giảng viên cấp cao (PGS, GS) theo các tiêu chuẩn cơ bản do Chính phủ ban hành. Đề nghị có điều khoản về giảng viên thực hành, giảng viên các lĩnh vực đặc thù và giảng viên thỉnh giảng để phù hợp với các điều kiện thực tế.
Đại biểu Trí cũng đề nghị xem lại quy định về học thạc sỹ; quy định chặt chẽ về đào tạo thực hành, cơ sở thực hành.
Đại biểu Lê Quang Trí |
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang), cơ bản đồng tình với dự thảo Luật.
Góp ý một số vấn đề hoàn thiện dự thảo, đại biểu Lê Quang Trí cho biết chưa tìm thấy quy định mối quan hệ tương hỗ giữa các cơ sở giáo dục đại học; từ đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc gia có thể hỗ trợ lẫn nhau, cùng khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Về nghiên cứu khoa học và công nghệ, đại biểu Lê Quang Trí đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào Điều 12 nội dung là Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng trung tâm nghiên cứu trong khuôn viên trường đại học.
Về tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Đại biểu đề nghị nghiên cứu giao quyền tự chủ cho Hội đồng trường quyết định tiêu chuẩn hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo khác để phù hợp với từng loại hình cơ sở đào tạo.
Về mở mã ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh, đại biểu Trí thống nhất quy định trao quyền tự chủ cho trường trong mở ngành đào tạo cũng như xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, số lượng, đặc biệt là cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội theo cơ chế thị trường, cần vai trò của Bộ GD&ĐT trong thông tin định hướng và điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh, mở mã ngành khi có nguy cơ cung vượt cầu trong thời gian tới…
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu |
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) khẳng định: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã quy định rõ về tự chủ đại học. Chủ trương của chúng ta là chuẩn hóa giáo dục đào tạo, xã hội hóa giáo dục và hội nhập quốc tế. Vì thế, việc trao quyền tự chủ cho các trường là cần thiết, nhà nước nên hoạch định chiến lược phát triển.
Góp ý về quy định xếp hạng các trường đại học, đại biểu Lân Hiếu cho rằng, nên xây dựng hệ thống chuẩn để có đối chiếu so sánh.
Về hội đồng trường, nên quy định đây là cơ quan giám sát, không nên tham gia vào hoạt động của trường. Đại biểu cũng cho rằng, nên quy định số tối thiểu nhưng không nên quy định số tối đa thành viên hội đồng trường.
Ngoài ra, không nên quy định nhiệm kỳ đối với hiệu trưởng, mà nên để hội đồng trường quy định.
Đại biểu cũng đề nghị nên có điều luật cụ thể về đào tạo bác sỹ để giảm bớt các cơ sở không đủ điều kiện mà vẫn đào tạo ngành y. Cũng cần có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ về bác sỹ.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt |
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP Hồ Chí Minh) tán thành hầu hết các quy định được nêu trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học.
Dự thảo đã thể hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giáo dục đại học. Luật cũng tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thời gian qua về giáo dục đại học.
Liên quan đến 3 trụ cột được thể hiện trong dự thảo luật, đại biểu tán thành với những quy định được nêu trong dự thảo luật. 3 trụ cột này diễn ra đồng thời, đồng bộ, tương tác với nhau.
Trong đó, có quy định các cơ sở giáo dục được mở mới ngành đạo tạo được xác định phương thức đào tạo để phù hợp với thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Đại biểu cũng đề nghị nên quy định kiến thức khởi nghiệp vào chương trình của trường đại học để sinh viên có thể sớm tìm được việc làm và tạo được việc.
Cho rằng, cần có đánh giá công bằng đối với Bộ GD&ĐT về tình trạng sinh viên thất nghiệp, đại biểu Huỳnh Thành Đạt mong muốn xã hội cần quan tâm, chung tay để giúp sinh viên khởi nghiệp và có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Về tự chủ đại học, theo đại biểu Đạt, dự thảo đã quy định rõ và tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về tự chủ.
Đại biểu đề nghị, nên để các cơ sở giáo dục được tự chủ động về nhân sự, cho phép các cơ sở tuyển dụng giáo viên, bổ nhiệm về nhân sự, trong đó có nhân sự là người nước ngoài; cho phép các trường được phong giáo sư danh dự và phó giáo sư danh dự.
Tán thành và tâm đắc với quy định về tự chủ tài chính được nêu trong dự thảo luật, đại biểu Đạt nêu ý kiến: Tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước không đầu tư mà là chuyển sang hình thức đặt hàng cho các cơ sở đại học.
Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét để có sự thống nhất giữa Luật Giáo dục và các luật khác.
Theo đại biểu Đạt, về hội đồng trường, quy định của dự thảo đã có phân định rõ giữa hội đồng trường và hiệu trường. Có thể nói, nếu Luật được ban hành sẽ khơi thông được nhiều điểm nghẽn và là cơ sở hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển.
(Đang cập nhật)