Thương tâm và lời cảnh tỉnh
Lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng cho biết, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong trường học.
Trong đó, tập trung hướng dẫn các nội dung phòng chống hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. Dù vậy, trên địa bàn vẫn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ. Trong đó, nhiều trẻ em bị thương tích, có trẻ đứt lìa bàn tay, thậm chí có trẻ tử vong.
Mới đây nhất, khoảng 16 giờ 20 phút ngày 25/1/2024, sau 1 tiếng nổ lớn phát ra từ 1 phòng trọ dành cho học sinh (tổ dân phố 8, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), người dân phát hiện 1 học sinh bị thương nặng nên đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Đó là em N.B.H.D. (đang học lớp 10 một trường THPT trên địa bàn thị trấn Đắk Mil - PV). Đến 18 giờ cùng ngày, em D. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.
Theo hồ sơ bệnh viện, em D. nhập viện trong tình trạng dập nát 2 bàn tay, nhiều vết thương sâu ở 2 chân, tổn thương 2 mắt, đa vết thương vùng ngực, bụng, mặt… Sau ca phẫu thuật kéo dài, các bác sĩ phải cắt bỏ cổ bàn tay trái, cắt bỏ nửa bàn tay phải, xử lý những vết thương trên cơ thể em D.
Người nhà nạn nhân cho biết, em D. tự chế tạo pháo. Quá trình nhồi thuốc bị phát nổ dẫn đến bị thương. Lãnh đạo UBND thị trấn Đắk Mil cũng xác nhận, em D. bị thương do chế pháo nổ.
Tại Lâm Đồng, vào đêm khuya 8/1/2024, Bệnh viện II Lâm Đồng tiếp nhận 2 học sinh P.G.B. và Đ.N.H. (cùng 14 tuổi, học lớp 9), ngụ xã Hòa Bắc, huyện Di Linh bị trọng thương cũng do chế tạo pháo nổ.
Trong 2 học sinh này, em B. bị thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi. Còn em H. bị đa chấn thương với hàng chục vết thương, trong đó có vết thương bụng kín vỡ gan, thủng ruột. Cả hai sau đó được đưa xuống bệnh viện tại TPHCM để cấp cứu, điều trị.
Bước đầu cơ quan chức năng xã Hòa Bắc và huyện Di Linh xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do 2 nam sinh mua hóa chất, vật liệu nổ trên mạng xã hội về chế tạo pháo nhưng bị pháo nổ, gây trọng thương.
Thương tâm nhất là các vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, khoảng 15 giờ 25/12/2022, một tiếng nổ rất lớn phát ra tại gia đình bà N.T.T.H., thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Đến hiện trường, người dân phát hiện 4 em nhỏ nằm dưới đất nên đưa đi bệnh viện. Phần cửa và mái che tại nhà bà H. bị hư hỏng nặng.
Dù được người dân cấp tốc đưa đi bệnh viện, nhưng em B.G.T. (11 tuổi) đã tử vong. 3 trẻ còn lại được các bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, đến chiều 26/12, do vết thương quá nặng, em N.Đ.B. (12 tuổi) đã tử vong.
Nguyên nhân vụ việc được xác định, 1 trẻ trong nhóm đã đặt hàng, mua thuốc nổ trên mạng với giá 200 nghìn đồng. Khi đang nhồi, nén thuốc nổ để làm pháo thì không may bị nổ.
Một nhóm học sinh ở Đắk Lắk bị Công an mời lên làm việc do đặt mua tiền chất về chế tạo pháo nổ để bán kiếm lời. Ảnh: BVCC - TT |
Giải pháp hạn chế tai nạn do pháo
Ông Lưu Tiến Quang, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho rằng, xuất phát từ tâm lý tò mò, thích khám phá của lứa tuổi thanh thiếu niên, các em lên mạng đặt tiền chất về tự chế tạo pháo để sử dụng hoặc bán kiếm lời.
Ông Quang lý giải thêm, hiện nay các loại hóa chất phục vụ việc chế tạo pháo có thể dễ dàng mua bán trên các trang Web, đồng thời có sẵn nhiều video, clip hướng dẫn cụ thể cách chế tạo các loại pháo trên mạng Internet.
Công tác tuyên truyền, cảnh báo trong các trường học chưa thực sự hiệu quả. Chưa có sự vào cuộc tích cực của các trường học, các gia đình trong quản lý con, em của mình. Một bộ phận các em học sinh chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc tự chế tạo pháo, không biết “sợ”.
Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng phát đi cảnh báo: “Không loại trừ còn nhiều trường hợp các em học sinh hiện đang tàng trữ các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ để chế tạo pháo, tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến những tai nạn thương tâm, đau lòng do tự chế pháo gây ra cho xã hội”.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông khẳng định, công tác tuyên truyền được sở chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu còn cần sự chung tay của xã hội.
“Ngay sau vụ việc thương tâm xảy ra tại huyện Đắk Mil, sở tiếp tục có văn bản chỉ đạo tăng cường các biệp pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Trong tuần này, sở sẽ tiếp tục có văn bản hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”, bà Thu nói.
Còn theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Lâm Đồng, bên cạnh thăm hỏi, động viên các học sinh bị nạn, sở đã yêu cầu các trường học tăng cường phối hợp với gia đình trong quản lý học sinh.
Nhằm ngăn chặn các vụ việc thương tâm do tai nạn pháo nổ, Sở GD&ĐT các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk đã đề ra các giải pháp cụ thể: Đối với các em học sinh, qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt toàn trường, các nhóm Zalo... giáo viên thông tin đến học sinh các vụ việc tai nạn do tự chế pháo để cảnh báo hậu quả về tính mạng, sức khỏe, hậu quả về pháp lý (khuyến khích nhà trường mời công an về tuyên truyền - PV).
Khuyến khích học sinh tự nguyện báo cáo, giao nộp các loại pháo tự chế, các loại hóa chất, công cụ đang tàng trữ nhằm mục đích chế tạo pháo.
Thông qua họp phụ huynh hoặc các nhóm Zalo... thông báo tình hình tai nạn về pháo đến phụ huynh học sinh để cùng giáo dục, quản lý con em, phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện việc tự chế pháo nổ.
Đối với các cơ sở giáo dục, tăng cường công tác quản lý học sinh, nắm tình hình các trường hợp học sinh tự chế tạo pháo nổ. Các trường hợp học sinh đang tàng trữ các loại hóa chất chế tạo pháo để phối hợp lực lượng công an vận động, thu hồi, xử lý.