Theo các bác sĩ, việc điều trị thường khó khăn, tốn nhiều thời gian và để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.
Dị tật suốt đời vì pháo… dịp cận Tết
Thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024, hàng loạt vụ tai nạn thương tích trẻ em thương tâm đã xảy ra trên khắp cả nước. Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh cần chú ý đến trẻ để phòng ngừa nguy cơ tai nạn không mong muốn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán, khi các em được nghỉ học kéo dài.
Điều đáng nói là nhiều sự cố thương tâm xảy ra do trẻ tự học theo video hướng dẫn trên mạng, tìm mua vật liệu về rồi chế pháo. Đặc biệt, đã có rất nhiều trường hợp trẻ em bị cắt bỏ bàn tay, chân do tự chế pháo nổ. Hầu như các trường hợp bỏng do pháo nổ đều rất thương tâm. Các bé sẽ phải mang dị tật suốt đời.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi. Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhi 12 tuổi, trú tại Quảng Ninh, nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay do nổ pháo tự chế.
Khai thác thông tin từ người nhà cho biết, bệnh nhi bị tai nạn do pháo nổ trong lúc đang tự chế pháo. Ngay sau khi được băng cầm máu ở tuyến trước, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bệnh nhi được phẫu thuật xử trí vết thương kỳ đầu theo nguyên tắc xử trí vết thương hỏa khí.
TS.BS Nguyễn Viết Ngọc - Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bàn tay phải bệnh nhi dập nát, ngón cái đứt rời và dập nát toàn bộ ô mô cái. Ngón 3 đứt rời đốt 2 - 3. Các ngón 2, 4, 5 dập nát phần mềm và xương gãy phức tạp nhiều vị trí. Kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón và để ngỏ tổn thương.
Bệnh nhi được điều trị kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương và đã khâu vết thương và ghép da làm liền vết thương thì 2. Khi vết thương liền da ổn định, bệnh nhi sẽ được khám xét lại để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái, phục hồi ngón tay cái.
Ngày 9/1, Bệnh viện II Lâm Đồng vừa tiếp nhận hai bệnh nhân bị thương nặng do tự trộn hoá chất nhằm chế tạo pháo nổ ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Hai trường hợp này là P.G.B. và Đ.N.H. (cùng 14 tuổi, học sinh lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Di Linh).
Theo đó, tối 8/1, P.G.B. và Đ.N.H. nhập viện trong tình trạng hôn mê, trên cơ thể bị nhiều vết thương xuyên thấu khắp cơ thể. Trong đó, một bệnh nhân được chẩn đoán thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi. Sau khi được cấp cứu, các y, bác sĩ Bệnh viện II Lâm Đồng đã phẫu thuật đặt nội khí quản để bệnh nhân thở máy.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do các em tự trộn hoá chất để chế tạo pháo nổ. Theo cơ quan công an, hai học sinh này đã mua một số lọ hoá chất với mục đích tự chế tạo pháo. Trong lúc trộn các hoá chất nói trên thì phát nổ, khiến các em bị thương phải nhập viện.
Tổn thương phức tạp
Trước đó, ngày 29/12/2023, nam bệnh nhi T.T. 14 tuổi, ngụ Gia Lai đã cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Bệnh nhi được tích cực điều trị các vết thương ở vùng mặt, bàn tay phải… vì chế tạo pháo. Theo lời người nhà, do đang ở tuổi khám phá, tò mò nên T. có tham khảo thông tin chế tạo pháo trên mạng.
Sau đó, em đã đặt mua hóa chất rồi thực hành theo. Sự việc chỉ được phát hiện khi cả nhà nghe tiếng nổ lớn. T. được đưa vào cơ sở y tế gần nhà sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ghi nhận T. dập nát bàn tay phải, bỏng vùng mặt, mắt và bộ phận sinh dục.
Bác sĩ Đinh Gia Khánh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ngay khi nhập viện, T. được phẫu thuật cấp cứu, cắt lọc, khâu vết thương và điều trị bỏng. Các y bác sĩ đã khẩn trương điều trị để giảm thiểu thương tổn do pháo nổ gây ra. Ngoài bệnh nhi T. bệnh viện cũng đang điều trị cho một bệnh nhi sinh năm 2011 là nạn nhân do tự chế tạo pháo.
Trước những sự cố thương tâm này, TS.BS Nguyễn Viết Ngọc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tổn thương do pháo nổ thường phức tạp. Nhiều trường hợp tổn thương những vị trí như bàn tay, mặt, thân người… Do đó, việc điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.
Vào dịp sát Tết và Tết Nguyên đán hằng năm, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị vết thương bàn tay do pháo nổ. Đa số bệnh nhân ở độ tuổi từ 10 - 16 tuổi tự chế pháo để chơi Tết.
Vì vậy, trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo. Không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.
Nhằm tránh những tai nạn do tự chế pháo gây nổ, BS.CK1 Ngô Hồng Phúc, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo, gia đình, nhà trường nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng, chế tạo pháo.
Giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm như có thể gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ em, đặc biệt là trong thời gian gần Tết khi xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà trên mạng xã hội.
“Tóm lại, việc tự chế pháo nổ là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em và những người xung quanh. Vì thế gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác để giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”, bác sĩ Hồng Phúc nhấn mạnh.