Gỡ 'rào cản' cho thị trường lao động

GD&TĐ - Thị trường lao động cần phát triển linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.

Thị trường lao động Việt Nam còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.
Thị trường lao động Việt Nam còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.

Phát huy vai trò của Nhà nước

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội TS Bùi Sỹ Lợi cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu. Đây là bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, thị trường lao động Việt Nam còn những hạn chế, chưa bắt kịp chuẩn mực nền kinh tế thị trường linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả.

Cụ thể là thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ. Chính sách chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững. Vẫn còn những rào cản về quản lý và thủ tục hành chính, chưa tạo được một sân chơi công bằng, bình đẳng.

Bên cạnh đó, thị trường lao động có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực và ngành, nghề. Điều này dẫn đến mất cân đối về cung - cầu lao động. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động bị đứt gãy do giãn cách xã hội. Lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ. Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực.

Hơn nữa, quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu để đáp ứng cầu lao động của nền kinh tế linh hoạt, hiện đại và hội nhập.

Cũng theo ông Lợi, cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận các bên trong quan hệ lao động cấp doanh nghiệp chưa hoàn thiện. Thiết chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, hầu hết các cuộc đình công diễn ra chưa đúng với quy định của pháp luật.

Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa hoàn chỉnh và chưa gắn kết chặt chẽ với hệ thống an sinh xã hội. Đồng thời chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các loại hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do trên nền tảng trực tuyến... Lao động trong phân khúc thị trường lao động này chưa được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường lao động chưa hiện đại. Năng lực dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu thị trường lao động chưa đầy đủ và cập nhật. Hệ thống dịch vụ việc làm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cả người sử dụng lao động và người lao động trong nước cũng như ngoài nước.

TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa tuân thủ các quy luật, nguyên tắc của thị trường trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước. Điều này tạo ra các động lực và mũi nhọn tăng trưởng cao, xử lý các thất bại của thị trường để bảo đảm quyền con người trong lao động, việc làm bền vững, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.

Bảo đảm người học nghề có việc làm phù hợp

Về quan điểm định hướng, ông Lợi cho rằng, cần phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương. Đây sẽ là cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách về phát triển thị trường lao động. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, cần chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế.

Để thực hiện được những mục tiêu này cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả. Điều này dựa trên các tiêu chuẩn lao động quốc tế theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch.

Đồng thời, tạo cung lao động đáp ứng thị trường về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Tăng cầu lao động thông qua phát triển kinh doanh sản xuất dịch vụ trong các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, cần phát triển khoa học quản trị quốc gia về thị trường lao động, hướng tới xây dựng mô hình quản trị thị trường lao động trong hội nhập đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện. Hiện đại hóa về quản lý nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về người lao động từ 15 tuổi trở lên. Mục đích làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu trên thị trường lao động nhằm tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động.

Cùng với đó, chính thức hóa thị trường lao động khu vực phi chính thức nhằm từng bước dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập cho các đối tượng yếu thế phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Hơn nữa, cần xây dựng cơ chế, chính sách nhập khẩu lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và xu hướng già hóa dân số. Mục đích nhằm điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động theo hướng duy trì và mở rộng các thị trường phát triển, có thu nhập cao.

“Phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả phải gắn chặt đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời đa dạng hoá chủ thể đào tạo, phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp trong đào tạo và đào tạo lại lao động. Xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong giáo dục nghề nghiệp, hiện đại hóa và đổi mới phương thức đào tạo trong nền kinh tế số và xã hội số. Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp áp dụng cho các ngành nghề trong xã hội. Bảo đảm mọi người lao động được học nghề có việc làm phù hợp”, TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ