Các quốc gia tiêm vắc-xin cho học sinh trước thềm năm học mới

GD&TĐ - Mỹ và nhiều nước châu Âu đang thúc đẩy tiêm chủng cho học sinh 12 - 17 tuổi để tái mở cửa trường học vào tháng 9. Các quốc gia châu Á cũng đang cân nhắc kế hoạch tương tự.

Học sinh 15 tuổi người Tây Ban Nha tiêm vắc-xin vào tháng 8.
Học sinh 15 tuổi người Tây Ban Nha tiêm vắc-xin vào tháng 8.

Tại Pháp, trẻ em trên 12 tuổi được tiêm vắc-xin từ ngày 15/6. Hơn 56% trẻ trong độ tuổi 12 - 17 đã tiêm mũi đầu tiên. Khi quốc gia này bắt đầu năm học mới từ tháng 9, học sinh trung học chưa tiêm chủng sẽ phải học trực tuyến nếu trong lớp có bạn dương tính với Covid-19.

Cuối tháng 9, Pháp sẽ yêu cầu trẻ dưới 18 tuổi xuất trình thẻ sức khỏe, chứng minh đã tiêm vắc-xin hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ, khi đến nơi đông người như rạp chiếu phim, nhà hàng. Quy định này đã thúc đẩy quá trình tiêm chủng trước thềm năm học mới.

Tại Anh, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) khuyến nghị nên tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả thiếu niên 16, 17 tuổi. Một số trẻ 12 - 15 tuổi cũng được đưa vào danh sách tiêm chủng nhưng chưa triển khai rộng rãi.

Tại Tây Ban Nha, việc triển khai tiêm chủng phụ thuộc vào chính quyền các địa phương nên tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ vị thành niên là khác nhau. Có những nơi, hơn 40% thanh thiếu niên 12 - 19 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin nhưng con số này chỉ khoảng 1% ở các địa phương khác.

Chính phủ Tây Ban Nha đặt kỳ vọng có thể tiêm chủng cho trẻ vị thành niên ít nhất 2 tuần trước khi bắt đầu năm học mới từ tháng 9. Nhiều phụ huynh, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường cũng ủng hộ quyết định này.

Cuộc tranh luận về việc tiêm vắc-xin cho trẻ vị thành niên trước thềm năm học mới rất sôi nổi tại Đức. Bộ trưởng Y tế, Jens Spahn, cho biết trẻ em, thanh thiếu niên có thể đăng ký tiêm chủng để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, Ủy ban thường trực về tiêm chủng khuyến cáo chỉ tiêm vắc-xin cho trẻ 12 - 17 tuổi nếu các em có nguy cơ mắc bệnh. Cơ quan này lập luận chưa đủ dữ liệu chứng minh vắc-xin sẽ không gây ảnh hưởng về lâu dài đến sức khỏe của trẻ vị thành niên. Vì vậy, tính đến nay, chỉ 20% trẻ 12 - 17 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi.

Ông Ruth Stein, có ba người con, đánh giá các chính trị gia đang “gây áp lực không cần thiết lên phụ huynh trước thềm năm học mới và trẻ không cần tiêm phòng để bảo vệ xã hội”. Song cũng có những phụ huynh đã đăng ký cho con cái tiêm chủng vì lo ngại về mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta.

Tại Mỹ, khoảng 40% thanh thiếu niên 12 - 17 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo tất cả người trên 12 tuổi nên tiêm chủng.

Tỷ lệ thanh thiếu niên nước này tiêm vắc-xin còn thấp. Do đó, nhiều trường đại học, cao đẳng đã yêu cầu sinh viên tiêm chủng trước khi trở lại trường vào học kỳ mùa thu. Những em chưa tiêm có thể phải nghỉ học và đợi học kỳ mới.

Kế hoạch tiêm chủng cho trẻ vị thành niên tại châu Á chưa phổ biến rộng rãi khi so với châu Âu. Trung Quốc đặt mục tiêu đến tháng 10 sẽ hoàn tất tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi. Trong khi Hồng Kông cũng cho phép trẻ trên 12 tuổi tiêm vắc-xin Pfizer với phương châm “tái mở cửa trường học càng sớm càng tốt”.

Tại Hàn Quốc, hơn 600 nghìn học sinh cuối cấp THPT và giáo viên bắt đầu được tiêm chủng từ tháng 8. Học sinh cuối cấp được ưu tiên tiêm trước để học trực tiếp, chuẩn bị cho kỳ thi đại học vào tháng 11 tới.

Singapore đã triển khai tiêm cho trẻ 12 - 18 tuổi từ tháng 6 trong khi Campuchia tổ chức tiêm vào tháng 8.

Theo Euro News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.